Chữa bệnh hình thức

Trở về từ chuyến làm việc tại Hải Phòng - sau khi có những phản ánh xung quanh những bất cập trong tổ chức thi giáo viên dạy giỏi tại địa phương này, đại diện Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xác nhận, có nhiều khâu trong quá trình tổ chức thi giáo viên giỏi ở Hải Phòng cần rút kinh nghiệm.

Nhưng điều đáng nói hơn cả là giờ đây, chính những người trong cuộc cũng đang muốn được giảm áp lực để cuộc thi thiết thực hơn.

Sự việc nói trên âu cũng chỉ là giọt nước tràn ly, thu hút sự quan tâm của dư luận. Bao lâu nay một băn khoăn cũng đã được đặt ra: Thi giáo viên giỏi có thực chất hay không? Lý giải điều này không ít thày cô giáo đã đề xuất: nên bỏ hẳn các cuộc thi giáo viên dạy giỏi bởi nó không thực chất và có hơi hướng “bệnh thành tích”, vừa tạo áp lực cho giáo viên học sinh và cho cả nhà trường.

Chưa nói đến hội thi giáo viên dạy giỏi, đơn cử như những tiết học dự giờ đang diễn ra, cũng mang rõ những biểu hiện của bệnh hình thức. Những phụ huynh nào từng có con đi học, chắc chắn không xa lạ gì với những tiết học dự giờ. Xưa, cô giáo thông tin qua học sinh, nhưng giờ nhờ công nghệ thông tin phổ biến hơn nên cô thông báo qua nhóm chung của lớp, thông qua hội phụ huynh, thông qua zalo…Và trong tiết dự giờ, chuyện đề nghị học sinh cá biệt nghỉ học là có thật. Cũng bởi cô mong muốn có được một tiết dạy dự giờ thật là hoàn hảo. Có lần khi đón con, tôi đã được cô giáo dặn mai phụ huynh cho cháu ở nhà giúp cô nhé. Vì mai có tiết dự giờ mà cháu quậy quá, sợ làm ảnh hưởng tới giờ dạy và các bạn khác. Phụ huynh thì mừng, thở phào vì như thế sẽ không làm phiền cô. Nhưng con thì buồn lắm, ngồi suy tư: Thật ra ngày mai con vẫn muốn được đến lớp.

Đó là là chuyện ở bậc tiểu học, nhiều năm liền sau đó con học bậc THCS, những tiết dạy dự giờ cũng vẫn được báo trước. Chỉ khác là cô giáo không bắt nghỉ học nữa, mà dặn rằng khi cô chỉ định mới được phát biểu, không được giơ tay khi chưa được cô gọi. Nhưng con trẻ vốn hay quên, thích thể hiện những gì chúng biết nên ngay cả khi cô không gọi, lại hỏi cả lớp về những kiến thức mà con biết, con vẫn hồn nhiên giơ tay…Con giơ tay rất nhiều lần mà không được cô gọi, thì thất vọng. Nhưng may thay lúc đó có một bác trong đoàn dự giờ của Phòng GDĐT hỏi con muốn có ý kiến gì? Con đứng lên thưa, những số liệu trong bài dạy của cô đã quá lạc hậu rồi. Nó có từ trước những năm 2000, mà bây giờ 15 năm sau cần phải thay đổi. Lẽ ra cô giáo cần cập nhật thông tin thường xuyên hơn…

Những ý kiến của con được đoàn dự giờ ghi nhận, nhưng rõ ràng cô thì không hài lòng. Sau buổi dự giờ ấy cô có trao đổi với phụ huynh cần nhắc nhở con về việc hay phát biểu tự do trong lớp. Song con vẫn bảo lưu quan điểm, con không thích dự giờ được thông báo trước. Lẽ ra dự giờ phải là đột xuất để việc dạy và học tự nhiên hơn. Sau này, tìm hiểu thêm được biết, cũng có không ít giáo viên không thích việc dự giờ đột xuất. Khi các Sở GDĐT có chủ trương dự giờ đột xuất, đã gặp phải phản ứng từ phía giáo viên. Nhiều người còn cho rằng việc kiểm tra đột xuất là quá đáng và làm họ bị “sốc”. Chính vì thế, bao lâu nay việc dự giờ đột xuất chưa mang tính bắt buộc mà chỉ khuyến khích. Vì thế, có lẽ cũng dễ hiểu vì sao vẫn tồn tại những buổi dự giờ như là diễn.

Lắng nghe tâm tư giáo viên sau hội thi giáo viên giỏi tại Hải Phòng vừa qua, đại diện Đoàn công tác của Bộ GDĐT chia sẻ: qua trao đổi trực tiếp với giáo viên cho thấy, giáo viên rất mong muốn có sự điều chỉnh, bổ sung các nội dung tại Thông tư số 21/2010/TT-BGDĐT để Hội thi diễn ra một cách nhẹ nhàng, thực chất, giảm áp lực cho giáo viên tham gia dự thi và công tác tổ chức. Đồng thời thực tế cho thấy, nội dung và hình thức thi giáo viên dạy giỏi không còn phù hợp: sáng kiến kinh nghiệm không thiết thực, có tình trạng sao chép; bài kiểm tra năng lực nặng về sách vở, có bộ đề cho trước dẫn tới luyện thi, ôn thi; thi thực hành 2 tiết, trong đó có 1 tiết thực hành, 1 tiết tự chọn đều được chuẩn bị trước, dẫn tới tình trạng “diễn” trong các hội thi. Bên cạnh đó, đối tượng và điều kiện tham dự hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp cũng cần được đánh giá lại, điều chỉnh cho phù hợp để không gây áp lực cho giáo viên khi tham gia dự thi.

Đại diện Đoàn công tác cũng nhận định rằng: Việc sử dụng kết quả của hội thi giáo viên dạy giỏi trong đánh giá xếp loại của đơn vị và cá nhân cần phải được nghiên cứu áp dụng cho phù hợp tránh gây áp lực không cần thiết về thi đua và bệnh thành tích. Những ghi nhận từ thực tế cũng như đóng góp của người trong cuộc sẽ được ghi nhận tiếp thu, tham mưu cho lãnh đạo Bộ GDĐT để sớm điều chỉnh, sửa đổi Thông tư 21 nói trên.

Ở thời điểm này, yêu cầu sớm tìm thuốc chữa bệnh thành tích lại càng đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết. Bởi khi triển khai Chương trình GDPT mới, nếu đánh giá học sinh, giáo viên vẫn lệ thuộc vào áp lực thành tích, thì rõ ràng kết quả không thể nói là khách quan.

Những ý kiến từ lãnh đạo Bộ GDĐT những ngày qua cho thấy quan điểm chỉ đạo, quản lý đã rõ. Nhưng để thực sự giảm áp lực thành tích phải có hướng dẫn cụ thể hơn, quyết liệt hơn. Nếu chỉ dừng lại ở quan điểm chỉ đạo chung chung, triển khai thiếu đồng nhất giữa các địa phương, rõ ràng cả người dạy, người học…, rồi cả phụ huynh cũng vẫn chưa thể trút được gánh lo về thành tích thi đua.

Minh Quang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/chua-benh-hinh-thuc-tintuc427812