'Chưa bao giờ nghề giáo lại nguy hiểm như lúc này'

Thầy Phạm Phúc Thịnh, Hiệu trưởng một hệ thống trường Quốc tế tại TP.HCM đã phải thốt lên: 'Chưa bao giờ nghề giáo trở thành nghề nguy hiểm như lúc này'.

Vụ việc cô giáo quỳ gối xin lỗi tại trường Tiểu học Bình Chánh, Long An chưa kịp lắng xuống, thì hôm nay lại thêm một cô giáo khác bị học sinh bóp cổ ngay trong giờ dạy của mình tại trường THCS Tân Thạch – huyện Châu Thành- Bến Tre. Cạnh đó, tại một trường THCS Hợp Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, một học sinh lớp 7 đã phong dao cắm vào trán bạn gái cùng lớp vì một học sinh nam khác mang súng bắn đạn bi vào lớp đùa giỡn.

“Có vẻ nghề giáo lúc này đang trở thành nghề nguy hiểm bởi “thập diện mai phục” và nhà trường đang trở thành nơi mà bọn trẻ thích làm gì thì làm chẳng sợ gì cả”, thầy Thịnh nói.

Vụ cô giáo N chưa lắng xuống thì tại trường THCS Tân Thạch, học sinh lớp 8 đã chửi bới, bóp cổ giáo viên trước sự chứng kiến của nhiều người.

Vụ cô giáo N chưa lắng xuống thì tại trường THCS Tân Thạch, học sinh lớp 8 đã chửi bới, bóp cổ giáo viên trước sự chứng kiến của nhiều người.

Thế nhưng, Bộ GD&ĐT lại đang rất lý tưởng hóa nghề giáo khi đưa ra dự thảo: “Muốn vào đại học sư phạm phải là học sinh giỏi trở lên”.

"Hỏi thật, các vị phụ huynh có con học giỏi, hoặc các ông bố bà mẹ đang là giáo viên, quý vị có ý định cho con mình thi vào đại học sư phạm không? Bản thân tôi từ khi con mới bắt đầu đi học, tôi đã tiêm vào đầu óc bọn nhỏ là đừng bao giờ chọn nghề thầy giáo và nghề thầy thuốc, lý do đơn giản là với sức khỏe của bọn con, việc chạy tốc độ 60m và 100m là điều không khả thi. Trong khi đó đây lại là tiêu chuẩn cần có đối với nghề thầy thuốc và thầy giáo trong xã hội hiện nay", thầy Thịnh thẳng thắn.

Trong khi đó, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du cho biết đây là kết quả của giáo dục với một thời gian dài chúng ta thiếu đi những bài học thực tế về cách dạy làm người. Hơn nữa, hiện có nhiều khoản đóng góp của nhà trường từ quỹ phụ huynh học sinh khiến mọi người có suy nghĩ trường học chỉ là nơi thu tiền. Thậm chí việc không công khai tài chính ở trường đã làm cho giáo viên mất niềm tin đối với người quản lý của nhà trường.

Đặc biệt, thầy cô giờ lên lớp chỉ dạy cho đủ giờ, đủ tiết, đúng chương trình. Không có bài học về đời sống, về đạo đức đã khiến học trò trở nên xơ cứng, khô khan, thực dụng hơn. Thiếu đi sự tôn trọng với người thầy.

Cung theo thầy Phú, hành vi văng tục chửi bới, bóp cổ cô giáo ở Bến Tre là thói côn đồ không thể tồn tại trong môi trường học đường. Học sinh đó cần phải bị trừng phạt nghiêm khắc.

Còn đối với câu chuyện đau lòng ở Long An, cách hành xử của phụ huynh cần phải xử lý nghiêm minh. Thế nhưng, thầy hiệu trưởng cũng phải chịu trách nhiệm. “Vì sự việc đang xảy trong tình thế “dầu sôi lửa bỏng” anh lại bỏ đi. Anh bỏ đi có nghĩa anh đồng lõa cho sự việc đó diễn ra. Anh đã vô trách nhiệm với công tác quản lý của trường. Như thế, giáo viên trong trường sao yên tâm làm việc. Là nhà quản lý, chúng ta phải làm sao để học sinh, giáo viên cảm thấy vui mỗi khi tới trường”, thầy Phú nhắn nhủ.

NGUYỄN QUYÊN

Nguồn PLO: http://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/chua-bao-gio-nghe-giao-lai-nguy-hiem-nhu-luc-nay-758458.html