Chùa Ba Vàng, 'cây roi' và lòng từ bi

Tín ngưỡng không phải là tin một cách mù quáng mà phải hiểu mới tin, muốn hiểu phải học, từng chút một…

Không có gì phải bàn cãi khi nhận định, phần đông người dân Việt Nam có niềm tin đối với đạo Phật - lý do là vì giáo lý của Phật nhân văn, văn hóa Phật giáo gần gũi với phong tục thờ cúng ông bà tổ tiên từ ngàn xưa. Hơn nữa, đạo Phật vào Việt Nam hơn 2.000 năm và thời nào cũng đồng hành cùng dân tộc, có thời còn trở thành quốc giáo, nuôi dưỡng đời sống tâm linh cao đẹp cho người dân.

Như thời Trần, có vị vua sau khi trị vì thiên hạ, dẹp yên giặc ngoại xâm, khiến bờ cõi được thái bình đã lên núi Yên Tử (Quảng Ninh) lập đạo tu hành và trở thành vị Phật của Việt Nam. Đó là Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông với di tích Yên Tử vẫn còn đó, sừng sững nhắc nhớ về truyền thống của cha ông một thuở huy hoàng.

Đạo Phật được nhắc đến là đạo Từ bi, lấy tình thương làm gốc trong mọi ứng xử giữa cuộc đời. Từ thương người, thương vật, thương người ơn lẫn kẻ đã từng rắp tâm hại mình, vì hiểu và sống theo nhân-quả. Ai cũng cần được thương và đáng thương, bởi người hiền hay người dữ đều là đối tượng mà tinh thần Từ bi của nhà Phật hướng tới. Tất nhiên, không phải nói thương là sẽ có hành xử như nhau đối với kẻ ác, người thiện, do vậy trong đạo Phật còn vận dụng Trí tuệ trong sự Từ bi.

Chùa Ba Vàng.

Chùa Ba Vàng.

Trí tuệ của đạo Phật không tách rời Từ bi. Hiểu và Thương. Có hiểu mới có thương. Nghĩa là thương đúng đối tượng và đúng cách thương. Có khi thương là cứu giúp nhưng lắm lúc thương là dùng tới cây roi để quất vào người cho tỉnh ra.

Có lẽ vì thế, tinh thần Từ bi của nhà Phật gói trong bốn chữ “Tồi tà phụ chánh”: không thể nhẹ nhàng với cái xấu, cái sai và luôn yểm trợ cái đúng. Tất nhiên, dù làm gì cũng không ngoài tình thương, không phải để trừng phạt cho hả.

Nói một chút về tinh thần Bi-Trí của đạo Phật để trở lại với vấn đề nóng hổi trên dòng thời sự suốt tuần qua liên quan tới chùa Ba Vàng (Quảng Ninh). Như những gì báo chí phản ánh, những thông tin thu thập được của các cơ quan chức năng cùng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì việc thực hành pháp “thỉnh oan gia trái chủ” của chùa Ba Vàng là trái với truyền thống Phật giáo.

Theo kết luận, đâu đó còn có bóng dáng của việc lợi dụng niềm tin để trục lợi, buộc người tham gia phải trả nợ cho vong bằng tiền do vong yêu cầu thông qua hình thức công đức vào chùa Ba Vàng, hoặc làm công quả - lao động tại chùa Ba Vàng.

TT.Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS cho biết, việc cách tất cả các chức vụ trong Giáo hội như trường hợp của ĐĐ.Thích Trúc Thái Minh là một trong những động thái khá hiếm trong thi hành kỷ luật của Giáo hội từ ngày thành lập (1981) đến nay.

“Điều quan trọng là ĐĐ.Thích Trúc Thái Minh phải nhận thức lại các việc làm của mình và nhiệt tâm sám hối để tránh những điều đáng tiếc xảy ra trong tương lai”, TT.Thích Đức Thiện nhấn mạnh.

Với những gì đã thể hiện, đồng thời với kết luận xử lý của Trung ương Giáo hội cho thấy, Phật giáo đã sử dụng cây roi “tồi tà phụ chánh” để làm thanh sạch nội bộ. Đây có thể là tiếng chuông báo động về những “trung tâm Phật giáo” với những cách thức tu tập, hành đạo “mới, lạ” thu hút quần chúng.

Không bàn về việc có vong hay không, vong được định nghĩa thế nào và thực hành pháp cúng vong như thế nào trên tinh thần Từ bi-Trí tuệ, ở đây chỉ bàn đến câu chuyện cụ thể ở Ba Vàng, với chứng cứ trong phóng sự của báo Lao Động là có việc thu tiền (thậm chí là nhiều tiền) từ việc “thỉnh vong”.

“Mái chùa che chở hồn dân tộc/ Nếp sống muôn đời của tổ tông”, Mãn Giác thiền sư đã viết như thế trong ý nghĩa giáo lý nhà Phật, nếp sống thiện lành đã ăn sâu vào đời sống người dân bao đời. Quả thực là vậy, khi đi đâu cũng dễ dàng nghe người dân nói “làm vậy tội chết”, “ăn ở thất đức sẽ khổ về sau”… Tức là, ai ai cũng tin có nhân-quả trong cuộc đời.

Và câu chuyện chùa Ba Vàng cũng là một trong những biểu hiện của nhân-duyên-quả, với những hoạt động nổi trội lại trái với tinh thần Phật giáo được định nghĩa trong “nếp sống muôn đời của tổ tông” thì sẽ khó được chấp nhận trong số đông dù vẫn có số đông khác chấp nhận, chọn theo, trở thành tín đồ.

Nhiều người lo lắng khi cho rằng vụ việc chùa Ba Vàng sẽ ảnh hưởng tới Phật giáo. Người viết bài này lại nghĩ khác một chút, rằng tại sao lại đồng nhất một ngôi chùa, một tu sĩ, hay một nhóm Phật tử với đạo Phật? Và, vụ việc chùa Ba Vàng là tại một điểm chùa cụ thể, phải hiểu như thế để không gom đạo Phật vào chung trong chiều dài phát triển cũng như chiều sâu giáo lý với tính phổ quát, gần gũi, nhân văn mà người Việt chọn sống như một cách giữ mình thiện lành. Mọi người cần tiếp cận với một Phật giáo mà ở đó, mỗi việc thực tập đều trong tinh thần chánh tín, để đưa tới an lạc hiện tiền.

Tôi nhớ câu nói của tiến sĩ Hoàng Văn Chung ở Viện Nghiên cứu tôn giáo mình đọc mới đây, ông nói: “Điều đáng sợ không phải là có quá nhiều thần thánh, điều đáng sợ là con người không còn sợ cái gì siêu việt hơn mình và từ đó mà việc gì cũng dám làm, kể cả những việc phi nhân tính nhất”. Còn tôi thì sợ, khi người tới chùa không học Phật, không tin nhân quả mà bị dẫn dắt bởi những điều siêu nhiên rồi biến đạo Phật thành xa lạ, xa rời với nếp sống giải thoát, an lạc được kiến tạo “bây giờ và ở đây”.

Tín ngưỡng không phải là tin một cách mù quáng mà phải hiểu mới tin, muốn hiểu phải học, từng chút một…

Lưu Đình Long

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gia-dinh/chua-ba-vang-cay-roi-va-long-tu-bi-516366.html