Chữ Việt Nam song song 4.0: Cải tiến chữ quốc ngữ và thực tiễn

Cần suy nghĩ về cả một hệ thống, chứ không riêng gì một vài đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ trong bình diện so sánh thiếu thỏa đáng gần đây.

Trong kỳ một của loạt bài viết chủ đề “Chữ Việt Nam song song 4.0” - Xác nhận bản quyền có đồng nghĩa xác nhận giá trị khoa học?”, chúng tôi đã ghi nhận những ý kiến nhiều chiều xung quanh đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ của hai tác giả Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình.

Sách nghiên cứu về văn học chữ Quốc ngữ của tác giả Trần Nhật Vy.

Sách nghiên cứu về văn học chữ Quốc ngữ của tác giả Trần Nhật Vy.

Cũng từ đây, chúng ta có thêm cơ hội nhìn lại những những đặc trưng của ngôn ngữ, chữ viết tiếng Việt hiện hành. Từ đó biết trân quý hơn giá trị di sản có tính thực tiễn cao, soi chiếu một cách tường minh hơn vào các cải tiến từ nguyên bản gốc.

“Tiếng Việt ta giàu và đẹp”

“Tiếng Việt ta giàu và đẹp” đã trở thành câu cửa miệng của nhiều người. Nhưng bao nhiêu trong cơ số người ấy hiểu được một cách cơ bản lý do khởi sinh, cấu thành nên đặc điểm tích cực ấy của tiếng Việt? Nếu nhà thơ Vương Trọng chia sẻ ông “Tâm đắc nhất sáu thanh của tiếng Việt” và một dịp nọ, đã phân tích cái hay trong tượng hình, tượng thanh của các dấu câu thì nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm coi bài thơ “Tiếng Việt” của nhà thơ Lưu Quang Vũ là thí dụ sinh động nhất cho nhạc điệu trong thơ Việt.

Ông cũng chia sẻ kỷ niệm: “Có một năm, ngày Hội Thơ, bài thơ tôi đọc vừa dứt, còn chưa dịch nghĩa, nhiều người nước ngoài đã vỗ tay. Khi tôi hỏi một bạn người Nga thì được giải thích là họ vỗ tay vì cảm nhận được cái hay trong nhạc tính, nhạc điệu của chữ tiếng Việt”.

Cách diễn giải của hai nhà thơ đều khá thuyết phục. Nhưng đó là câu chuyện mà có lẽ chỉ đến thời hiện đại mới thực sự được bàn sâu.

Quốc ngữ thuở ban đầu

Chẳng cần tìm kiếm ở đâu xa, căn cứ vào những tác phẩm văn học ra đời sau thời kỳ quá độ từ sáng tác bằng chữ nôm sang chữ quốc ngữ của các tác giả tiên phong như Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của hay Nguyễn Trọng Quản, chúng ta sẽ thấy văn chương viết bằng Quốc ngữ giai đoạn đầu còn khá đơn điệu.

Hội thảo khoa học quốc gia “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng” Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam tổ chức năm 2016.

Chính cách thức sử dụng ngôn từ tiếng Việt trong đời sống ảnh hưởng tới sáng tác gây nên tình trạng văn phong, cốt truyện chưa thực sự thuần nhất, uyển chuyển, hấp dẫn. Tính chất kể, tả đơn nghĩa, giản lược vì thế thịnh hơn cả. Và để ngôn ngữ, chữ viết tiếng Việt có được sự hoàn thiện, lưu loát, phổ cập theo thời gian hẳn là một hành trình khá gian nan. Văn chương là một trong những tấm gương phản chiếu tinh tế quá trình không ngừng tự cải tiến, thích nghi, “chấp nhận” và ổn thỏa của quốc ngữ trong đời sống.

Thực tế, từ thời kỳ thuộc về “khám phá”, nghĩa là mới bắt đầu từ những manh mối đầu tiên của việc ký âm đến khi tiếng Việt phổ biến và được công nhận là chữ viết toàn dân đến nay đã trải qua hơn bốn thế kỷ. Điều này từng được tiến sĩ khoa học ngôn ngữ Phạm Thị Kiều Ly (hiện đang sinh sống và làm việc ở Pháp) trình bày cụ thể trong những nghiên cứu sâu về các dấu mốc phát triển của chữ quốc ngữ.

Để có ngôn ngữ, chữ viết về cơ bản thuần nhất như ngày hôm nay, như bao lĩnh vực khác đời sống, chữ quốc ngữ đã phải qua nhiều bước “thử lửa” trong cộng đồng dân tộc ta, vốn được đánh giá là giàu bản sắc vùng miền. Trong quá trình ấy, những gì còn lại sau thử thách thời gian, biến cố lịch sử và chọn lọc tự nhiên cũng như nhân tạo sẽ còn lại.

PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc gia “Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng” Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam tổ chức năm 2016.

Nhận thức về sự phức tạp trong quá trình trưởng thành của tiếng Việt, theo PGS – TS Nguyễn Hữu Sơn cũng là để nhìn nhận sự tinh tuyển, chắt lọc của một ngôn ngữ, chữ viết “Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau, tích hợp trong đó những vấn đề lịch sử ngữ âm liên quan đến ngôn ngữ nói chung, của văn hóa và diễn tiến của âm tiếng Việt, trong đó có tiếng của các vùng kinh kỳ rồi các tiếng địa phương”.

Luôn là vấn đề của thực tiễn xã hội

Thời nào, con người cũng có nhu cầu vươn lên sự hoàn thiện và có những quan điểm riêng về sự tiến bộ. Trong quá trình len lỏi, va chạm với đời sống và được kết tinh, chọn lọc chi tiết, cụ thể để có những quy tắc sử dụng được coi là chuẩn mực nhất, các đề xuất cải tiến rất tiếng Việt đã rất nhiều lần được đưa ra.

GS – TS Nguyễn Văn Hiệp dẫn ra một kết luận chung khá xác đáng về các cải cách chữ quốc ngữ đã được đưa ra từ năm 1902 trong Hội nghị cải cách chữ quốc ngữ cho thấy “Đây không còn là vấn đề của việc tranh cãi các phương pháp đọc mà là vấn đề của thực tiễn xã hội. Cải cách sẽ đảo lộn xã hội. Cho nên cải cách chỉ là việc nên bàn và phô diễn trong các nhóm nhỏ với nhau. Còn cải cách chữ quốc ngữ đầu thế kỷ là vấn đề của thực tiễn xã hội”.

Tiếng Việt giàu và đẹp, đã có rất nhiều dẫn chứng về nhiều chiều kích chứng minh thuyết phục điều ấy. Chúng ta ghi nhận những khía cạnh đóng góp, tích cực, thuận tiện trong văn hóa di sản, giao tiếp, tiếp nối cho muôn đời sau nhưng vẫn phải thẳng thắn nhìn ra những khúc mắc, những lằn ranh chưa thể xóa nhòa trong việc phân định chuẩn mực đúng hay sai, tương đối hay tuyệt đối.

Tóm tắt báo cáo Hội Thảo khoa học quốc gia “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng”.

Dẫn từ trường hợp “Bác Hồ cũng đã dùng chữ Z trong từ dân trong từ Nhân dân”, PGS – TS Nguyễn Hữu Sơn cho rằng cần có thêm thời gian và các nghiên cứu mới có thể đưa ra kết luận về những cách tích hợp ngôn ngữ. Bởi trên thực tế hầu như các ngôn ngữ trên thế giới kể các loại tượng hình, đơn, đa âm tiết đều có những bất cập mức độ khác nhau.

Trở lại câu chuyện thực tiễn xã hội đã được khẳng định tại Hội nghị cải cách chữ quốc ngữ năm 1902, đến ngày hôm nay, thêm một quãng thời gian dài để định lượng, càng chứng minh rằng thói quen sử dụng ngôn từ, chữ viết của cộng đồng là một trong những yếu tố tiên quyết để gói gọn tính hợp lý và phổ biến của các từ ngữ trong đời sống.

Điều đó còn được quan tâm hơn việc tính khoa học của chữ quốc ngữ đã thực sự hoàn thiện. Nói một cách dễ hiểu như nhà thơ Vương Trọng: “Ngôn ngữ cũng như chữ viết có quy luật riêng của nó. Có ngôn ngữ, chữ viết những cái xuất phát từ chỗ chưa hợp lý nhưng trong một khoảng thời gian dài được cộng đồng chấp nhận thì trở nên hợp lý”.

Tiếng Việt của chúng ta giàu và đẹp - đương nhiên, cho nên bất kỳ một đề xuất cải tiến, cải cách nào cũng nên xem xét về mức độ xứng tầm để công bố, công nhận ở các thứ bậc, tiêu chuẩn khác nhau. Nên chăng suy nghĩ về cả một hệ thống, chứ không riêng gì một vài đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ trong bình diện so sánh ngang bằng thiếu thỏa đáng gần đây.

Theo vov.vn

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202005/chu-viet-nam-song-song-40-cai-tien-chu-quoc-ngu-va-thuc-tien-2481470/