Chủ trương xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước

Hương ước, quy ước được coi như một cụng cụ hỗ trợ cho pháp luật để duy trì, phát triển thuần phong mỹ tục, đề cao các chuẩn mực đạo lý và đạo đức truyền thống trong sinh hoạt cộng đồng thôn, làng, ấp, bản, cụm dân cư.

Hương ước, quy ước được coi là một công cụ quan trọng góp phần quản lý xã hội trong phạm vi thôn, làng Việt Nam từ nhiều thế kỷ qua. Xét về mặt lịch sử ra đời, hương ước, quy ước ở Việt Nam xuất hiện từ thế kỷ XV, được củng cố qua các thế kỷ XVI, XVII, XVIII và đầu thế kỷ XX. Trong chế độ phong kiến, hương ước, quy ước tồn tại song song với pháp luật của Nhà nước phong kiến Việt Nam, góp phần giữ gìn bản sắc và sự phát triển của dân tộc.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Khi nói đến hương ước, quy ước là đề cập đến một thành tố quan trọng trong thể chế quản lý nông thôn, đề cao tính tự quản, tự trị của thôn, làng, ấp, bản, là một nét văn hóa quản lý truyền thống có tính phổ biến ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Thực tế xây dựng và phát triển nông thôn ở nước ta trong những năm qua đã chứng minh rằng, nếu chỉ sử dụng thuần túy pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội - dân sự ở nông thôn thì chưa đầy đủ và không đạt hiệu quả. Việc xóa bỏ hương ước, quy ước, xóa bỏ vai trò của nó với tư cách là một công cụ quan trọng góp phần quản lý xã hội ở nông thôn là đã bỏ qua một nét văn hóa truyền thống, hạn chế sự phát triển thuần phong mỹ tục, để lại những khoảng trống mà pháp luật cho dù có hoàn thiện đến mấy cũng không thể bao quát hết được.

Từ Nghị quyết số 05-NQ/HNTW Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII ngày 10 tháng 6 năm 1993 về tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, hương ước, quy ước được thừa nhận trở lại, chứng tỏ sự tồn tại bất diệt của nó và đang trở thành một công cụ hữu hiệu trong thể chế quản lý ở nông thôn. Chủ trương “khuyến khích xây dựng và thực hiện các hương ước, các quy chế về nếp sống văn minh ở các thôn, xóm” mà Hội nghị lần này đặt ra đã trở thành nền móng vững chắc cho việc xây dựng hệ thống thể chế về hương ước, quy ước và phong trào xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước ở nhiều địa phương trong cả nước.

Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII đã nêu: “thực hiện tốt các cơ chế làm chủ của nhân dân, làm chủ thông qua đại diện là các cơ quan dân cử và các đoàn thể, làm chủ trực tiếp bằng các hình thức nhân dân tự quản bằng các hương ước tại cơ sở phù hợp với pháp luật nhà nước”.

Về phía Nhà nước đã có một số văn bản quy phạm pháp luật quy định về hương ước, quy ước như: Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 19 tháng 6 năm 1998 quy định việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư, Thông tư liên tịch số 03/2000/TTLT, Thông tư liên tịch số 04/2001/TTLT-BTP-BVHTT-BTTUBTWMTTQVN-UBQGDSKHHGĐ ngày 09 tháng 7 năm 2001 hướng dẫn bổ sung Thông tư liên tịch số 03/2000/TTLT về việc thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007.

Đây là các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cụ thể về nội dung và hình thức thể hiện của hương ước, quy ước, thủ tục soạn thảo, thông qua, phê duyệt, tổ chức thực hiện, việc sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước, tránh nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp quản lý việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước, cách thức đưa nội dung dân số - kế hoạch hóa gia đình vào trong hương ước, quy ước.

Hương ước, quy ước được coi như một cụng cụ hỗ trợ cho pháp luật để duy trì, phát triển thuần phong mỹ tục, đề cao các chuẩn mực đạo lý và đạo đức truyền thống trong sinh hoạt cộng đồng thôn, làng, ấp, bản, cụm dân cư. Hương ước, quy ước ra đời nhằm đề cao tính tự quản, tự trị của các thôn, làng, ấp, bản, cụm dân cư, điều này hoàn toàn phù hợp với mục đích phát huy và tăng cường dân chủ hóa ở nông thôn của Đảng và Nhà nước ta.

Quang Trung

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/chu-truong-xay-dung-va-thuc-hien-huong-uoc-quy-uoc-119225.html