Chủ trương tốt nhưng nguồn tiền lấy từ đâu?

Theo phương án triển khai chương trình thí điểm đổi xe máy cũ lấy xe máy mới mà Hà Nội vừa đưa ra, mỗi xe sẽ được hỗ trợ từ 2 đến 4 triệu đồng. Nhiều người dân kỳ vọng, việc xóa bỏ xe máy cũ nát sẽ giúp giảm tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường, song cũng đặt ra vấn đề nguồn tiền này sẽ được lấy từ đâu?

Theo thống kê, Hà Nội hiện có hơn 5,7 triệu xe máy (trong đó có khoảng 2,5 triệu xe máy cũ, đăng ký trước năm 2000) và trên 730.000 xe ôtô, chưa kể các phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn thành phố.

Để từng bước giúp kiểm soát khí thải phương tiện xe máy, đặc biệt là các xe máy cũ, quá niên hạn sử dụng, chất lượng kém và thiếu nhận thức về ảnh hưởng, tác hại của khí thải giảm ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã đề xuất UBND TP Hà Nội chấp thuận chương trình “Nghiên cứu thí điểm đo khí thải và hỗ trợ đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố”.

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sẽ thực hiện lập 8 trạm đo khí thải và 30 đại lý hỗ trợ đổi xe máy cũ trên địa bàn 6 quận là: Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông để triển khai chương trình. Theo đó, khi người dân mang xe máy cũ đến các địa điểm này để đo kiểm về khí thải, nếu xe không bảo đảm điều kiện, sẽ được Hiệp hội Xe máy Việt Nam (VAMM) hỗ trợ kinh phí đổi xe máy mới với mức hỗ trợ 2 - 4 triệu đồng/trường hợp.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, việc dẹp bỏ xe cũ nát “đầu cá vá đầu tôm” là rất cần thiết nhưng cần phải có chính sách hợp lý vì 100% chủ những phương tiện cũ nát này là người nghèo và đây là những phương tiện mưu sinh hàng ngày của họ. Do đó, ngoài việc tuyên truyền về tác hại của xả thải và mất an toàn giao thông của phương tiện cũng cần phải xử lý nghiêm các trường hợp cố tình không chấp hành.

Cụ thể hơn, ông Nguyễn Văn Thanh – nguyên Chủ tịch Hiệp Hội vận tải Ôtô Việt Nam cho biết, đây là chủ trương tốt, cần được ủng hộ, vì không đơn thuần chỉ là kích cầu thị trường của các nhà sản xuất mà còn giảm thiểu việc ô nhiễm môi trường và mất an toàn giao thông.

Vấn đề quan trọng nhất là nguồn tài chính hỗ trợ, chắc chắn các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe gắn máy sẽ trích từ lợi nhuận để hỗ trợ. Nhưng 100% người sử dụng xe cũ, nát là người nghèo, trong khi đó một chiếc xe máy trung bình phải từ 15 triệu đồng trở lên. Việc hỗ trợ từ 2 đến 4 triệu cũng chưa đủ để mua xe, nên cần phải có thêm sự hỗ trợ cho họ trả góp và không tính lãi trong thời gian nhất định để thực sự khuyến khích họ từ bỏ xe cũ nát. Bản thân người đổi xe cũng phải có sự đóng góp ít nhất 20% vào giá trị xe mới.

Tương tự, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội - ông Nguyễn Sinh Quyền cũng cho rằng, cần làm rõ nguồn kinh phí thực hiện chương trình, đặc biệt là khoản hỗ trợ từ 2 - 4 triệu/xe máy thay mới là lấy từ đâu vì nếu lấy nguồn từ ngân sách thành phố là không hợp lý.

Theo các chuyên gia giao thông, quan trọng nhất là đánh giá được thực trạng xả khí thải của xe máy trên đường hiện nay; tiếp đến là thông báo cho chủ xe được biết để có phương án sử dụng phương tiện (tiếp tục giữ hay đổi xe mới) cho phù hợp. Chương trình hoàn toàn không có chuyện áp đặt chủ xe phải bỏ xe cũ, hay chuyển sang xe mới. Nguồn tiền để hỗ trợ không chỉ trông chờ vào các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xe máy mà cần phải có sự hỗ trợ từ các quỹ như: Quỹ bảo vệ môi trường, Quỹ vì người nghèo… để hỗ trợ người nghèo và bản thân người nghèo cũng phải vươn lên, chứ không thể cho không và có định hạn thời điểm nào đó phải thu hồi toàn bộ số xe cũ nát.

Nhật Uyên

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-thong/chu-truong-tot-nhung-nguon-tien-lay-tu-dau-610958/