Chủ trương dù đúng, gặp cán bộ hỏng thì cũng thất bại...

(Baonghean) - Sau 6 ngày làm việc, hôm qua, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII đã bế mạc. Nhiều vấn đề quan trọng liên quan tới sự phát triển của đất nước cả ở trước mắt và lâu dài đã được đặt lên bàn nghị sự. Nhưng vấn đề được người dân cả nước quan tâm, trông đợi, đặt nhiều kỳ vọng nhất là các giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Nói như vậy, không phải là để cho đúng định hướng mà hoàn toàn có cơ sở từ thực tế. Bởi lẽ, cán bộ là cái gốc của công việc. Muôn sự tốt hay xấu đều phụ thuộc vào cán bộ tốt hay xấu. Chủ trương, đường lối, chính sách dù đúng đến mấy; các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội dù hay bao nhiêu mà đội ngũ cán bộ không công tâm, không trong sáng, không đặt lợi ích người dân lên trên hết, thì kết quả cũng khó mà đạt được như mong muốn.

Cán bộ huyện Quỳ Hợp trao đổi trực tiếp với bà con dân bản. Ảnh tư liệu Báo Nghệ An.

Đó là chưa kể một số việc còn bị bóp méo, làm lệch lạc đi vì lợi ích cá nhân. Người dân càng ngày càng nhận thức rõ điều đó nên, điều mà họ cần nhất, mong đợi nhất là có một đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài để họ có thể yên tâm dốc hết của cải, trí tuệ, sức lực ra làm ăn mà không lo bị ngáng trở, sách nhiễu. Và phải loại bỏ được sự suy thoái trong đội ngũ cán bộ, đảng viên thì mới có thể có được điều mà họ mong ước.

Chính vì thế mà trong bài phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, muốn nghị quyết này đi vào cuộc sống, tạo ra chuyển biến rõ rệt, thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Từng tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ trách nhiệm của mình trước nhân dân, trước Đảng để tự giác thực hiện.

Ở đây, sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Tổng Bí thư chỉ rõ: Từng đồng chí Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từng đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải tự giác, gương mẫu thực hiện nghị quyết, nói đi đôi với làm, chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm rất cao, sự nỗ lực rất lớn.

Như vậy, có thể thấy, để ngăn chặn, đẩy lùi được suy thoái thì vai trò của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị là rất quan trọng. Sự gương mẫu của họ giữ vai trò có tính quyết định sự thành, bại của việc chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong cả xã hội.

Vì lẽ, như lời một vị nguyên là lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương đã nói: trong mối quan hệ giữa đạo đức xã hội và đạo đức cán bộ, thì đạo đức xã hội là hệ quả của đạo đức cán bộ. Khi đạo đức cán bộ suy thoái thì đó là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến đạo đức xã hội suy đồi. Như trong một “gia đình”, có đứa con hư hỏng thì đó là sự hư hỏng của một đứa con, còn nếu bố mẹ hư hỏng thì cả nhà sẽ hư hỏng theo, mất cả thế hệ nối tiếp. Các triều đại phong kiến Việt Nam, khi nào triều đình tha hóa thì bên ngoài xã hội đạo đức suy đồi, loạn lạc và giặc giã nổi lên. “Thượng bất chính, hạ tắc loạn” - câu ấy người xưa đã tổng kết.

Thế nên, để công tác xây dựng, chính đốn Đảng trong thời gian tới đạt mục đích đề ra, điều cần nhất là sự gương mẫu đi đầu, thực hành nghiêm túc các giải pháp chống suy thoái đã đề ra của những đảng viên đang nắm giữ các trọng trách, vị trí đứng đầu ở các cấp. Hơn lúc nào hết, đây chính là lúc Đảng và quần chúng nhân dân cần người đứng đầu phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình.

Duy Hương

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/su-kien-dien-dan/201610/chu-truong-du-dung-gap-can-bo-hong-thi-cung-that-bai-2745027/