Chú trọng vào chuẩn chất lượng đào tạo

Bắt đầu từ mùa tuyển sinh 2018, Bộ GD&ĐT không quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khiến cho các trường đại học được tự chủ hơn trong việc xác định điểm chuẩn. Tuy nhiên, không ít người lo ngại tình trạng 'tháo khoán', cốt sao tuyển đủ chỉ tiêu.

Chủ động hơn trong việc tuyển sinh

Năm 2018, Bộ GD&ĐT chính thức bỏ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) đối với các ngành không đào tạo giáo viên. Đây là một trong những điểm mới đáng chú ý tại quy chế tuyển sinh năm 2018 mà Bộ GD&ĐT vừa ban hành.

Theo đó, các trường đại học phải xây dựng đề án tuyển sinh đầy đủ, hoàn chỉnh, trong đó có quy định công khai về điều kiện đảm bảo chất lượng của trường, tỷ lệ việc làm của sinh viên theo từng ngành đào tạo trong hai năm gần nhất, tỷ suất đầu tư để đảm bảo số sinh viên trong một năm học.

Việc bỏ điểm sàn đồng nghĩa tạo điều kiện tuyển sinh cho các trường thuộc top dưới, gia tăng cơ hội đỗ đại học cho các thí sinh. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại chất lượng của sinh viên sau khi ra trường sẽ ra sao nếu đầu vào được nới lỏng như vậy.

Chia sẻ về điều này, PGS.TS Mai Văn Hưng, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, quy định “mở” này sẽ giúp các trường chủ động hơn trong việc tuyển sinh đầu vào. Việc không quy định mức điểm sàn do Bộ GD&ĐT quy định là tạo thêm quyền cho các trường được chủ động xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng. Xét về nguyên tắc, đây cũng là hướng đi hợp lý khi các trường thực hiện quyền tự chủ ĐH.

Luật Giáo dục ĐH cũng đã quy định rõ quyền tự chủ của các trường nên họ có quyền quyết định phương án tuyển sinh và đưa ra mức điểm xét tuyển thí sinh vào trường, chứ không phải phụ thuộc vào điểm sàn.

Thị trường sẽ quyết định chất lượng

PGS.TS Mai Văn Hưng nhấn mạnh, thí sinh ngày nay đã có sự tính toán, lựa chọn trường, không phải vào bất kỳ trường nào. Vì thế, không phải các trường cứ hạ điểm chuẩn là có thể tuyển đủ chỉ tiêu. Việc kiểm soát chất lượng đào tạo vì vậy không chỉ còn tập trung vào đầu vào mà được thực hiện trong suốt quá trình đào tạo cho đến khi sinh viên tốt nghiệp ra trường. Điều quan trọng là cơ quan quản lý giáo dục phải kiểm soát được hoạt động giảng dạy và chuẩn nghề nghiệp đào tạo ở các trường ĐH, CĐ.

Hiện nay, có một thực tế, sinh viên ra trường đang bị thất nghiệp nhiều, trong khi đó, với chính sách mới, cánh cửa đại học lại càng mở rộng. Chính vì thế, hơn bao giờ hết, người học phải sáng suốt lựa chọn. Họ cần ý thức rõ hơn việc lựa chọn trường đại học để theo đuổi.

Theo Quy chế tuyển sinh mới, các trường có thể thực hiện nhiều đợt tuyển sinh trong năm, đề án tuyển sinh của các đợt phải được công bố trên trang thông tin điện tử của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT trước khi thí sinh đăng ký xét tuyển ít nhất 10 ngày.

Trước ngày 1 của các tháng 3, tháng 5, tháng 7, tháng 8, tháng 9, tháng 11, các trường phải cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và danh sách thí sinh nhập học của các đợt tuyển sinh lên trang thông tin điện tử của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.

Theo PGS.TS Mai Văn Hưng, Bộ GD&ĐT không quy định điểm sàn nhưng yêu cầu các trường công bố công khai, minh bạch điều kiện xét tuyển, chính điều này rất quan trọng bởi bắt buộc các trường phải cân nhắc để giữ thương hiệu.

Nếu trường nào lấy điểm quá thấp, chất lượng kém thì dần dần sẽ không có người học và bản thân người học khi tốt nghiệp ra trường cũng khó tìm việc làm. Chất lượng đào tạo mới là yếu tố thu hút thí sinh, giúp nhà trường tồn tại lâu dài.

PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, cũng bày tỏ quan điểm rằng thực tế trong mùa tuyển sinh vừa qua đã cho thấy nhiều trường ĐH hạ điểm chuẩn nhưng vẫn không tuyển đủ thí sinh. Lý do là học sinh hiện nay không còn chọn nghề theo cảm tính, không còn tâm lý vào đại học bằng mọi giá.

Điểm sàn hiện nay không còn có ảnh hưởng đến các trường nên việc bỏ điểm sàn cũng không cần lo lắng. Thị trường sẽ quyết định đến việc tuyển sinh của các trường. Nếu điểm đầu vào quá thấp, kéo theo đầu ra sẽ thấp. Như vậy, sau một thời gian sinh viên ra trường không làm được việc sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu của trường, trường sẽ bị đóng cửa.

Vì thế để cạnh tranh, các trường buộc phải nâng cao chất lượng đào tạo, siết chặt đầu ra để đảm bảo sinh viên ra trường có tay nghề, đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng. Tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm sẽ quyết định thương hiệu, sự sống còn của một trường đại học.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), nếu các trường đại học hạ thấp điểm chuẩn sẽ hạ thấp uy tín và thương hiệu của nhà trường, dẫn tới xã hội và thí sinh nghi ngờ về chất lượng đào tạo của trường. Do vậy, các trường cần thận trọng trong việc xác định mức điểm chuẩn xét tuyển để tránh những lệ lụy không tốt cho các đợt tuyển sinh về sau.

Trung Kiên

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/chu-trong-vao-chuan-chat-luong-dao-tao-3919536-b.html