Chú trọng trang bị kỹ năng cho thanh niên

Những năm qua, các cấp Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) ở Đồng Nai luôn chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng nhằm giúp cán bộ, hội viên thanh niên chủ động hơn trong học tập, lao động và cuộc sống.

Cán bộ, hội viên thanh niên tham gia rèn luyện kỹ năng tại Trại rèn luyện Hào khí Đồng Nai. Ảnh: N.Sơn

Cán bộ, hội viên thanh niên tham gia rèn luyện kỹ năng tại Trại rèn luyện Hào khí Đồng Nai. Ảnh: N.Sơn

Một trong những hoạt động khởi đầu cho công tác bồi dưỡng lý luận, kỹ năng cho cán bộ Hội, hội viên, thanh niên phải kể đến là Trại rèn luyện Hào khí Đồng Nai, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên các cấp tham gia rèn luyện, thử sức.

* Trại rèn luyện Hào khí Đồng Nai...

Chị Nguyễn Thanh Hiền, Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Đồng Nai cho biết, từ mô hình huấn luyện kỹ năng của Trại huấn luyện viên cấp I (hay còn gọi là Trại Nguyễn Chí Thanh cụm miền Đông Nam bộ) do Trung ương Hội LHTN Việt Nam tổ chức năm 2009, Ban Thư ký Ủy ban Hội LHTN tỉnh nhận thấy cần phải tổ chức một hoạt động hay một mô hình huấn luyện kỹ năng cho cán bộ Hội một cách bài bàn, làm mô hình mẫu để các đơn vị Hội trực thuộc vận dụng để đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng liên quan đến công tác Hội và phong trào thanh niên cho cán bộ Hội, hội viên nòng cốt ở cơ sở.

Năm 2010, Ban Thư ký Ủy ban Hội LHTN tỉnh đã quyết định thành lập Hội đồng Huấn luyện Hội LHTN tỉnh Đồng Nai và tổ chức trại rèn luyện mang tên Hào khí Đồng Nai. Phó chủ tịch Hội LHTN tỉnh Chế Lâm Lâm, thành viên Hội đồng Huấn luyện Hội LHTN tỉnh cho hay, cũng giống như mô hình trại huấn luyện viên cấp I trung ương, trong thời gian tham gia trại, các trại sinh trải qua các hoạt động theo định chuẩn huấn luyện viên với 25 môn thi. Các môn thi chủ yếu là thi kiến thức về lịch sử Việt Nam, lịch sử địa phương; kiến thức về Đảng, về tổ chức Đoàn, tổ chức Hội LHTN Việt Nam; các kỹ năng sinh hoạt tập thể, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng truyền tin, kỹ năng đoàn kết tập hợp thanh niên... Ngoài các phần thi kiến thức, hầu hết các phần thi kỹ năng đều mang tính thực hành cao, phát huy khả năng sáng tạo cũng như tinh thần làm việc nhóm của trại sinh. Những trại sinh hoàn thành xuất sắc các môn thi sẽ được công nhận Huấn luyện viên Hội LHTN cấp tỉnh.

Từng là trại sinh tham gia Trại rèn luyện Hào khí Đồng Nai, anh Phan Thế Công, Phó bí thư Huyện đoàn, Phó chủ tịch Hội LHTN huyện Tân Phú chia sẻ: “Khi nhập trại, các trại sinh đã cùng ăn, cùng sinh hoạt, cùng trải qua các thử thách khắt khe, làm việc nhóm... Và sau 4 ngày trải nghiệm khắt khe ấy, chúng tôi thêm cho mình sự tự tin, những kiến thức, kỹ năng cần có của một người cán bộ Hội”.

Sau khi đăng quang thủ khoa Trại rèn luyện Hào khí Đồng Nai năm 2017, từ năm 2018, Phó bí thư Huyện đoàn, Phó chủ tịch Hội LHTN huyện Tân Phú Phan Thế Công đảm nhận nhiệm vụ duy trì hoạt động của Hội đồng Huấn luyện kỹ năng huyện Tân Phú, đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cho cán bộ và hội viên ở cơ sở tham gia Trại rèn luyện Hào khí Đồng Nai và kết quả hằng năm huyện Tân Phú đều có trại sinh được công nhận danh hiệu Huấn luyện viên Hội LHTN cấp tỉnh.

Qua 10 lần tổ chức, Trại rèn luyện Hào khí Đồng Nai đã thu hút trên 1,7 ngàn cán bộ, hội viên thanh niên nòng cốt ở cơ sở tham gia và đã có 171 cán bộ, hội viên được công nhận là huấn luyện viên Hội LHTN tỉnh. Đây vừa là nguồn trại sinh tham gia Trại huấn luyện viên cấp I trung ương, vừa là lực lượng nòng cốt huấn luyện kỹ năng cho cán bộ, hội viên thanh niên nòng cốt ở cơ sở.

* Nhiều mô hình kỹ năng ở cơ sở

Theo chị Nguyễn Thanh Hiền, bên cạnh những thành quả mà Trại rèn luyện Hào khí Đồng Nai mang lại, hiện nay các cấp Hội ở cơ sở cũng đang duy trì rất nhiều mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả trong việc huấn luyện kỹ năng cho cán bộ, hội viên thanh niên.

Từ những điểm chung như: yêu thích công tác kỹ năng thanh niên, có nhiệt huyết với phong trào, có sở trường về truyền dạy kỹ năng... 15 cán bộ, hội viên thuộc Ủy ban Hội LHTN huyện Long Thành đã thành lập nên Câu lạc bộ kỹ năng Mặt trời hồng.

Anh Huỳnh Thành Đạt, Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội LHTN huyện Long Thành cho biết, hoạt động chính của Câu lạc bộ kỹ năng Mặt trời hồng chính là hằng năm tham mưu cho Hội đồng Huấn luyện huyện, Ủy ban Hội LHTN huyện xây dựng kế hoạch đào tạo, huấn luyện và bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho đối tượng là các thành viên ban chủ nhiệm của các câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm trên địa bàn và đoàn viên, hội viên, thanh thiếu niên yêu thích hoạt động kỹ năng thanh niên.

Năm 2015, Ủy ban Hội LHTN huyện Long Thành có chủ trương chuyển đổi các đội thanh niên tình nguyện của các xã, thị trấn sang hình thức các câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm theo sở thích và kỹ năng. Với mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, Câu lạc bộ kỹ năng Mặt trời hồng đã trở thành lực lượng nòng cốt thay Ủy ban Hội LHTN huyện định hướng và hướng dẫn cho các câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm hoạt động trong những ngày đầu chuyển đổi. Nhờ đó, các câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm nhanh chóng bắt nhịp và đi vào hoạt động ổn định.

Anh Huỳnh Thành Đạt cho biết thêm, nếu như ban đầu khi mới chuyển đổi hình thức hoạt động, các câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm tổ chức hoạt động chỉ có khoảng 30-50 đoàn viên, thanh niên tham gia sinh hoạt thì nay có câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm đã thu hút trên 300 đoàn viên, thanh niên tham gia. Ngoài ra, hằng năm Câu lạc bộ kỹ năng Mặt trời hồng còn tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề về kỹ năng thanh niên cho cán bộ, hội viên nòng cốt; phối hợp với Huyện đoàn tổ chức hội trại kỹ năng thu hút từ 180-250 đoàn viên, hội viên, thanh niên tham gia.

Ra đời từ năm 2009, Câu lạc bộ kỹ năng sống huyện Trảng Bom (tên gọi trước đây là Câu lạc bộ Trảng Bom) trực thuộc Ủy ban Hội LHTN huyện Trảng Bom hiện có khoảng 50 thành viên nòng cốt với thành phần chủ yếu là học sinh, sinh viên và số ít là thanh niên công nhân. Chị Trần Thị Thanh Thanh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ kỹ năng sống huyện Trảng Bom cho hay, ban đầu khi mới thành lập, hoạt động chủ yếu của câu lạc bộ là phối hợp với Đoàn, Hội ở cơ sở thực hiện các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Sau một thời gian hoạt động, Ban chủ nhiệm nhận thấy ngoài đóng góp cho cộng đồng, việc bồi dường kỹ năng sống cho các thành viên cũng rất cần thiết. Vì vậy, từ một thành viên có những hiểu biết về kỹ năng, Câu lạc bộ kỹ năng sống huyện Trảng Bom đã giúp cho các thành viên có được những kỹ năng, chủ động hơn trong học tập, lao động cũng như trong cuộc sống.

Từng là cậu học trò nhút nhát, sau hơn 1 năm trở thành thành viên Câu lạc bộ kỹ năng sống huyện Trảng Bom, Lý Kiều Chí, hiện là học sinh lớp 12 Trường THPT Thống Nhất A đã có sự thay đổi rất tích cực. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, Chí đã học kỹ năng, tham gia Trại rèn luyện Hào khí Đồng Nai, Trại huấn luyện viên cấp I trung ương và được công nhận là Huấn luyện viên cấp I trung ương, Huấn luyện viên Hội LHTN tỉnh Đồng Nai.

“Quan trọng hơn, từ một người nhút nhát, thụ động trong các hoạt động thì nay em đã tự tin hơn trước đám đông, chủ động hơn trong mọi hoạt động phong trào cũng như trong cuộc sống” - Chí cho hay.

Nga Sơn

* Chủ tịch Hội LHTN TP.Long Khánh Bùi Khánh Nam: Hội cần trở thành người bạn đồng hành của thanh niên

Là thủ lĩnh Hội LHTN TP.Long Khánh, tôi hy vọng sau Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2019-2024, Hội LHTN Việt Nam sẽ thực sự trở thành người bạn đồng hành của thanh niên. Để làm được điều này, thiết nghĩ Hội LHTN Việt Nam cần gần gũi, quan tâm đến những nhu cầu của thanh niên. Khi Việt Nam đang trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Hội cần chú trọng đến các hoạt động đồng hành với thanh niên trong học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề để thích ứng với môi trường lao động quốc tế.

Bên cạnh đó, tổ chức Hội cũng cần tạo ra những sân chơi phù hợp với nhu cầu của thanh niên, đồng thời phát huy được thế mạnh của thanh niên, giúp thanh niên hoàn thiện bản thân.

* Chủ tịch Hội LHTN xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom): Phạm Thị Thúy Hường: Quan tâm hơn đến cán bộ Hội cơ sở

Đội ngũ cán bộ Hội ở cơ sở là đội ngũ ở cấp thấp nhất trong hệ thống Hội những lại đóng vai trò quan trọng, quyết định thành công của các phong trào do tổ chức Hội cấp trên phát động, triển khai. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ Hội ở cơ sở thường không được đào tạo bài bản về nghiệp vụ công tác Hội trước khi nhận nhiệm vụ mà chủ yếu là có được sau một thời gian đảm nhận nhiệm vụ. Điều này khiến cho một số phong trào bị gián đoạn.

Bên cạnh đó, cán bộ Hội ở cơ sở hiện nay hầu hết đều là cán Đoàn kiêm nhiệm nên rất khó để có thể cùng lúc làm tròn cả hai vai. Tôi hy vọng, sau đại hội, cán bộ Hội cơ sở sẽ được quan tâm hơn, tạo động lực để đội ngũ cán bộ Hội cơ sở tiếp tục cống hiến.

* Chi hội trưởng Chi hội Thanh niên Thiện Tâm (huyện Nhơn Trạch) Lương Văn Phúc: Cần giải pháp tập hợp thanh niên công nhân

Thanh niên công nhân là lực lượng lao động trẻ, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, tôi nhận thấy, thời gian qua công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên công nhân vào tổ chức Hội còn nhiều hạn chế. Bên cạnh những yếu tố khách quan, tôi cho rằng nguyên nhân chủ quan cũng góp phần không nhỏ. Tôi hy vọng, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần này sẽ tập trung đánh giá sâu về nội dung này. Từ đó, đề ra những giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm đẩy mạnh việc đoàn kết, tập hợp thanh niên công nhân trong thời gian tới.

* Hội viên Chi hội Thanh niên ấp Lý Lịch 1, xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) Nguyễn Văn Thêm: Hỗ trợ thanh niên nông thôn lập nghiệp, khởi nghiệp

Lập thân, khởi nghiệp làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương là mong muốn của hầu hết thanh niên nông thôn, nhất là thanh niên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, không phải thanh niên nào cũng có thể làm được. Ở nơi tôi sinh sống, đã có nhiều thanh niên phải sống bằng nghề làm thuê không ổn định, số khác thì đi làm công nhân, số ít ở nhà làm ruộng rẫy với mức thu nhập chỉ đủ sống.

Theo tôi, trong nhiệm kỳ tới, tổ chức Hội LHTN muốn đồng hành với thanh niên, trở thành người bạn gần gũi thân thiết của thanh niên, nhất là thanh niên nông thôn thì không có cách nào hay hơn là hỗ trợ thanh niên nông thôn lập thân, khởi nghiệp thông qua những hoạt động thiết thực như: định hướng phát triển cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi, hỗ trợ vốn...

Nga Sơn (ghi)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/201912/chao-mung-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-hoi-lien-hiep-thanh-nien-viet-nam-lan-thu-viii-nhiem-ky-2019-2024-chu-trong-trang-bi-ky-nang-cho-thanh-nien-2978098/