Chú trọng phòng bệnh sốt xuất huyết

Những ngày gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết ghi nhận tại các địa phương trong tỉnh liên tục tăng, nâng tổng số ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay lên hơn 2,3 ngàn ca.

Một bệnh nhân bị bệnh sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: Hạnh Dung

Một bệnh nhân bị bệnh sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: Hạnh Dung

Ngành Y tế khuyến cáo, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để đảm bảo sức khỏe. Bệnh sốt xuất huyết nếu trở nặng sẽ phải điều trị kéo dài, khó khăn.

* TP.Biên Hòa dẫn đầu số ca mắc

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong tuần gần đây nhất, toàn tỉnh ghi nhận 113 trường hợp nhập viện do mắc sốt xuất huyết Dengue (trong đó có 85 ca là trẻ dưới 15 tuổi), tăng 16 ca so với tuần trước đó và tăng 75 ca so với cùng kỳ năm 2020. Cộng dồn từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 2,3 ngàn trường hợp mắc sốt xuất huyết (trong đó có 1,6 ngàn trường hợp là trẻ dưới 15 tuổi), tăng gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Tổng số ổ dịch sốt xuất huyết được phát hiện từ đầu năm đến nay là 675 ổ, tăng 372 ổ so với cùng kỳ năm ngoái. Số ổ dịch được xử lý đạt hơn 98%.

TP.Biên Hòa vẫn là địa phương dẫn đầu số ca mắc với hơn 1 ngàn ca. Tiếp đó là H.Nhơn Trạch với 318 ca, H.Trảng Bom 293 ca.

BS Đậu Ngọc Trung, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh, HIV/AIDS Trung tâm Y tế TP.Biên Hòa cho biết, nguyên nhân dẫn đến số ca nhiễm bệnh sốt xuất huyết tăng cao do sự thay đổi của thời tiết, việc đang từ mùa nắng chuyển sang mùa mưa tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sôi, phát triển. Bên cạnh đó, ý thức của một bộ phận người dân chưa cao, chưa thực hiện tốt việc dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, môi trường sống xung quanh. Trên địa bàn thành phố có nhiều khu nhà trọ công nhân chưa đạt tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường… dẫn đến nhiều người bị muỗi vằn gây bệnh đốt.

Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến số ca mắc bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn 2 huyện Nhơn Trạch và Trảng Bom tăng cao so với những địa phương còn lại trong tỉnh. Với đặc thù địa phương đông công nhân lao động, nhiều khu nhà trọ, có những khu nhà trọ ẩm thấp, hệ thống thoát nước kém, việc dọn dẹp, xử lý rác thải chưa đạt yêu cầu khiến muỗi sinh sôi, phát triển. Nhiều gia đình chưa có ý thức phòng bệnh, đi ngủ không bỏ mùng, không dọn dẹp nhà cửa, sân vườn sạch sẽ.

* Phòng bệnh không khó

BS Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, thời điểm này chưa phải là cao điểm của dịch bệnh sốt xuất huyết trong năm, tuy nhiên số ca mắc bệnh liên tục tăng báo hiệu sẽ có một đợt dịch mới có nguy cơ bùng phát.

Để phòng bệnh sốt xuất huyết gia tăng, từ ngày 10 đến 22-5 vừa qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng vòng 1 năm 2021 tại 20 xã, phường, thị trấn thuộc 11 huyện, thành phố. Tổ chức phun hóa chất diện rộng tại các xã, phường trọng điểm; tăng cường xử lý các ổ dịch; đẩy mạnh truyền thông dưới nhiều hình thức về nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách phòng chống bệnh sốt xuất huyết đến người dân.

Riêng tại địa bàn TP.Biên Hòa, ngoài chiến dịch diệt lăng quăng, các lực lượng chức năng sẽ chú trọng công tác tuyên truyền, giám sát lăng quăng, kịp thời phát hiện các ổ dịch để xử lý triệt để. Với những phường có số ca mắc cao như Tam Phước, Tân Vạn, Long Bình Tân, Trảng Dài, hoạt động tuyên truyền sẽ được đẩy mạnh hơn một mức.

Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh sốt xuất huyết hiện chưa có vaccine. Do đó, cách phòng bệnh tốt nhất là người dân tự giác thực hiện các biện pháp đơn giản như: đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hằng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Khi bị sốt hoặc phát hiện người thân trong gia đình sốt cao không hạ, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà, tránh bệnh trở nặng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202106/chu-trong-phong-benh-sot-xuat-huyet-3060481/