Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy kinh tế tri thức

Trong xu thế toàn cầu hóa và bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực và áp dụng khoa học-công nghệ, tiến tới chính quyền điện tử, chính quyền số…, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là rất quan trọng.

Đó là quan điểm của lãnh đạo thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh khi trình bày tham luận tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng trong ngày làm việc thứ 3, ngày 27/1.

Hà Nội ưu tiên hiện đại hóa, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

 Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong trình bày tham luận tại Đại hội.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong trình bày tham luận tại Đại hội.

Trình bày tham luận với chủ đề “Xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế”, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong thay mặt Đoàn đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội bày tỏ sự nhất trí cao với Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII do đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trình bày tại phiên khai mạc Đại hội.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Thủ đô Hà Nội sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 20 năm thực hiện Nghị quyết 15 và Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị (khóa VIII và khóa XI) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô, 12 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan; với tinh thần chủ động, sáng tạo, tận dụng thời cơ thuận lợi, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô đã thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật.

Kinh tế Thủ đô tiếp tục có bước tăng trưởng khá, GDP tăng 7,39%, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD, tăng 1,5 lần so với năm 2015, cao hơn bình quân chung cả nước. Cơ cấu kinh tế của Hà Nội đã và đang chuyển dịch theo hướng hiện đại, tỷ trọng khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng tăng nhanh, tỷ trọng nông nghiệp chỉ còn 2,05%. Đặc biệt, tuy chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp vào nền kinh tế - tài chính quốc gia trên 16% GDP, gần 19% thu ngân sách, trên 20% thu nội địa.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng có nhiều đổi mới. Đảng bộ thành phố đã gương mẫu, đi đầu thực hiện nghiêm túc, sáng tạo các nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Nghị quyết Trung ương 6, 7 (khóa XII) gắn với việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tường, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đạt kết quả toàn diện, quan trọng. Công tác củng cố các cơ sở đảng, giải quyết những vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội có nhiều kết quả tích cực. Công tác cán bộ được thực hiện bài bản, khoa học, nghiêm túc, nhất là công tác đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá cán bộ có chuyển biến rõ rệt.

Những năm sắp tới, trên cơ sở bám sát và tiếp thu nghiêm túc các dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, trọng tâm Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII do đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trình bày tại phiên khai mạc Đại hội, cùng với 5 bài học kinh nghiệm, những quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược được nêu trong Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII, Đảng bộ Hà Nội nhận thức sâu sắc và tự tin có đủ năng lực, điều kiện thực hiện trách nhiệm “phải gương mẫu, đi đầu về tất cả mọi phương diện...” như lời đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo tại Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố.

Với khát vọng đổi mới sáng tạo, khát vọng phát triển, thành phố đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực. Cơ bản hoàn thành công nghiệp hóa, GRDP đầu người đạt 8.300 - 8.500 USD; tỷ trọng kinh tế số chiếm 30% trong nền kinh tế, cao hơn mục tiêu chung của cả nước (20%); đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “Xanh - Thông minh - Hiện đại” có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế và đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.

Để thực hiện thành công những mục tiêu trên, thủ đô Hà Nội đề ra 5 định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá và các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 2020 - 2025. Đặc biệt, thành phố tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện có hiệu quả việc thí điểm tổ chức thành công mô hình chính quyền đô thị, củng cố chính quyền nông thôn.

Trong 3 khâu đột phá, thủ đô Hà Nội ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, xây dựng các công trình tiêu biểu, không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô. Đồng thời, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị; cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản lý xã hội, quản trị kinh tế, nhân lực ngành văn hóa, du lịch...

Thành phố Hồ Chí Minh phát triển kinh tế tri thức

Tham luận với chủ đề “Phát triển kinh tế tri thức - kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn từ thành phố Hồ Chí Minh”, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ, Đoàn đại biểu Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh nhất trí cao với các văn kiện do Ban Chấp hành Trung ương khóa XII trình Đại hội XIII của Đảng. Các nội dung đã được chuẩn bị công phu, khoa học, chất lượng, phù hợp tình hình trong nước và quốc tế hiện nay, thể hiện sự kết tinh trí tuệ, tư duy về tầm nhìn chiến lược của Đảng ta và khát vọng phát triển của dân tộc.

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong trình bày tham luận tại Đại hội.

Trong thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập và phát triển Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung, Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, Trung tâm ươm tạo chuyên về trí tuệ nhân tạo, Công viên Khoa học và công nghệ tại Khu Công nghệ cao, Viện Khoa học và Công nghệ tính toán... Đặc biệt, Thành phố đang nghiên cứu lập, xây dựng quy hoạch Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông gắn với việc thành lập thành phố Thủ Đức. Khu vực này kỳ vọng góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế, hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp, là đòn bẩy và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân; dự kiến sau khi thành lập và đi vào hoạt động, thành phố Thủ Đức sẽ đóng góp 30%-35% GRDP của Thành phố Hồ Chí Minh và chiếm khoảng 7% GDP cả nước.

Thành phố đã quan tâm ban hành nhiều cơ chế, chính sách thu hút các nhà khoa học, trí thức trong và ngoài nước, kiều bào ở nước ngoài tham gia vào mọi lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội của Thành phố, đóng vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tri thức. Những giải pháp trên đã giúp kinh tế Thành phố đạt mức tăng trưởng khá cao, giai đoạn 2016 - 2019 GRDP của Thành phố Hồ Chí Minh tăng bình quân 7,72%, duy trì vai trò đầu tàu kinh tế của đất nước, đóng góp hơn 22% GDP quốc gia, hơn 26% thu ngân sách cả nước.

Dưới tác động mạnh mẽ của khoa học và công nghệ hiện đại, đặc biệt công nghệ sinh học, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ nano... nền kinh tế thế giới đang biến đổi sâu sắc và phát triển toàn diện, chuyển từ kinh tế công nghiệp sang kinh tế tri thức. Kinh tế tri thức đã và đang trở thành xu hướng phát triển chung của kinh tế thế giới, được nhiều quốc gia lựa chọn làm chiến lược phát triển, điển hình như: Mỹ, Canada, Tây Âu, Nhật Bản, Singapore...

Đúc kết những kinh nghiệm từ thực tiễn thành công của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới, Thành phố Hồ Chí Minh luôn xác định tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế tri thức trong định hướng, chiến lược phát triển. Thành phố khai thác có hiệu quả lợi thế của một đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ vào phát triển kinh tế tri thức. Trên cơ sở đó, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng hàm lượng tri thức, tập trung phát triển các ngành công nghệ cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đề xuất 7 giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế tri thức trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho rằng, đầu tiên phải đổi mới cơ chế, chính sách, tạo lập một khuôn khổ pháp lý mới phù hợp với sự phát triển nền kinh tế tri thức. Trong đó, cần thiết xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế tri thức giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược cần đánh giá đúng thực trạng, xác định rõ quan điểm phát triển kinh tế tri thức, chỉ rõ mô hình, mục tiêu, khâu đột phá và định hướng phát triển kinh tế tri thức, đồng thời tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung đề ra.

Bên cạnh đó, Thành phố tích cực và chủ động hội nhập quốc tế nhằm tranh thủ nguồn ngoại lực, kết hợp nội lực để bắt kịp xu thế phát triển khoa học công nghệ tiên tiến, phục vụ cho mục tiêu hiện đại hóa lực lượng sản xuất của đất nước…/.

Nhóm PV

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/chu-trong-phat-trien-nguon-nhan-luc-thuc-day-kinh-te-tri-thuc-573623.html