Chú trọng phát triển nghề công tác xã hội

Xã hội ngày càng phát triển thì nghề công tác xã hội (CTXH) càng có vai trò, ý nghĩa quan trọng, góp phần thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội, đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, phụ nữ, người già, nạn nhân thiên tai...Nghề cần nhưng còn thiêúTại Trung tâm CTXH tỉnh cơ sở 1, hiện nuôi dưỡng 51 người cao tuổi, trong đó một nửa là những người già cần phải chăm sóc hoàn toàn; có 31 trẻ em, gồm trẻ khuyết tật và các trẻ đang học từ tiểu học đến bậc cao đẳng, đại học. Tại cơ sở 2 có 33 người tâm thần nặng và 14 người tâm thần nhẹ. Trung tâm có 42 biên chế, trong đó 35% có trình độ chuyên ngành CTXH và các ngành liên quan CTXH.

Trẻ em khuyết tật là một trong những đối tượng cần sự trợ giúp từ phía nhân viên CTXH.

Giám đốc Trung tâm CTXH Nguyễn Thu Trang cho biết: Chất lượng đội ngũ nhân viên CTXH tương đối ổn, cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác chăm sóc các đối tượng xã hội.

Tuy nhiên, so với chức năng, nhiệm vụ được giao thì hiện nay trung tâm mới đảm nhận việc nuôi dưỡng, tư vấn, phục hồi chức năng, khám sức khỏe... cho những đối tượng đã ở trong trung tâm, chưa thực hiện các dịch vụ CTXH ngoài trung tâm. “Việc cung cấp dịch vụ CTXH kịp thời rất cần thiết.

Nhân viên CTXH không chỉ là “người bạn” của những trường hợp cần giúp đỡ, mà còn hỗ trợ, giúp đỡ, tư vấn tâm lý để họ vượt qua những khó khăn. Để có thể hỗ trợ, cung cấp các dịch vụ CTXH, cần phải có đội ngũ nhân viên CTXH chuyên nghiệp thường trực nhận và xử lý thông tin, đồng thời đảm bảo tính bảo mật thông tin thông qua việc thiết lập tổng đài và các kênh tiếp nhận”, ông Trang cho biết.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Sau 8 năm thực hiện đề án phát triển nghề CTXH, giai đoạn 2010-2020 theo Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mặc dù đã đạt được một số kết quả, nhưng do thiếu kinh phí, nên một số mục tiêu đề ra vẫn chưa được thực hiện. Đội ngũ cộng tác viên CTXH các cấp chưa đạt về số lượng và chất lượng.

Hiện nay, toàn tỉnh chỉ mới thí điểm 23 cộng tác viên CTXH tại 23 xã, phường của TP.Quảng Ngãi. Các hoạt động xã hội hóa CTXH theo hướng khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia các hoạt động cung cấp dịch vụ CTXH còn rất hạn chế. Người dân nhận thức về nghề CTXH chưa cao, trong khi đó việc nhân rộng mô hình cung cấp dịch vụ CTXH thông qua lồng ghép bộ phận CTXH với Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố chưa hình thành và phát triển.

Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, để CTXH trở thành nghề chuyên nghiệp cần có sự quan tâm của các cấp, chính quyền về nghề CTXH và cả những người làm CTXH, tạo môi trường đồng bộ, thống nhất trong phát triển nghề CTXH. Phát triển đội ngũ cộng tác viên tại xã, phường, thị trấn đảm bảo chất lượng và số lượng, đáp ứng nhu cầu trợ giúp xã hội. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo cán bộ CTXH, xây dựng các mô hình cung cấp dịch vụ CTXH, nhằm đáp ứng nhu cầu trợ giúp đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội.

Bài, ảnh: BẢO HÒA

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2024/201810/chu-trong-phat-trien-nghe-cong-tac-xa-hoi-2916754/