Chú trọng nâng cao năng lực thực hành cho học viên

Những năm qua, Học viện Phòng không-Không quân (PK-KQ) đã luôn chủ động, bám sát hướng dẫn của cơ quan cấp trên để tiến hành điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo cho các đối tượng theo hướng tăng thời lượng kiến thức giáo dục chuyên nghiệp, giảm kiến thức giáo dục đại cương, chú trọng nâng cao năng lực thực hành cho học viên...

Nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2018, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với Đại tá, TS Nguyễn Hữu Thiết, Phó giám đốc Học viện PK-KQ, về những vấn đề trên.

Phóng viên (PV): Được biết hiện nay, đào tạo học viên sĩ quan ở Học viện PK-KQ có nhiều đổi mới, đồng chí cho biết đôi nét về nội dung này?

Đại tá, TS Nguyễn Hữu Thiết: Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-BQP ngày 13-1-2014 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng “Về việc điều chỉnh, bổ sung chương trình khung, chương trình đào tạo”, Học viện PK-KQ đã luôn chủ động, bám sát hướng dẫn của cơ quan cấp trên để tiến hành điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo cho các đối tượng theo hướng tăng thời lượng kiến thức giáo dục chuyên nghiệp, giảm kiến thức giáo dục đại cương, bảo đảm cân đối giữa lý thuyết và thực hành, chú trọng nâng cao năng lực thực hành cho học viên, kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục-đào tạo với huấn luyện thực hành, huấn luyện quân sự sát với thực tiễn SSCĐ, lấy thực hành làm chính...

Đại tá, TS Nguyễn Hữu Thiết. Ảnh: Quang Cường

Học viện chú trọng đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo hướng cơ cấu lại khung chương trình, theo định hướng nghề nghiệp-ứng dụng, bảo đảm sự liên thông giữa các cấp học, ngành học, giải quyết tốt mối quan hệ về khối lượng kiến thức và thời lượng học tập giữa các môn giáo dục đại cương và giáo dục chuyên nghiệp, nâng cao hiệu quả đào tạo của từng môn học, bám sát vũ khí, khí tài mới, cải tiến, sự phát triển của nghệ thuật quân sự để triển khai, bảo đảm sát thực tế, thực chất.

Song song với đào tạo theo niên chế, học viện đang thực hiện có hiệu quả lộ trình chuyển sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ, trước mắt là đối với đối tượng đào tạo cao học; tổ chức giảng dạy theo chuyên đề đối với các đối tượng đào tạo cán bộ trung (lữ), sư đoàn PK, KQ...

PV: Thưa đồng chí, hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá học viên tại Học viện PK-KQ được tổ chức như thế nào?

Đại tá, TS Nguyễn Hữu Thiết: Căn cứ chuẩn đầu ra từng môn học, học viện đã phối hợp chặt chẽ giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ, giữa đánh giá của giảng viên và tự đánh giá của học viên. Kết hợp chặt chẽ các hình thức thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập: Trắc nghiệm khách quan, tự luận, vấn đáp nhằm phát huy những ưu điểm của mỗi hình thức đánh giá này...

Thực tế, trong thi kết thúc học phần, môn học, Học viện PK-KQ đã rà soát và áp dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan trên máy vi tính đối với các môn học có đặc thù phù hợp, bước đầu số lượng môn học xác định chiếm 5%÷10%.

Trong thi tốt nghiệp, áp dụng phương pháp soạn thảo và báo cáo quyết tâm, kế hoạch chiến đấu trên bản đồ kỹ thuật số đối với đối tượng đào tạo cán bộ cấp trung, sư đoàn PK, KQ. Từng bước rút kinh nghiệm và áp dụng cho đối tượng đào tạo sĩ quan chỉ huy cấp phân đội, trình độ đại học.

PV: Với học viên, việc thực tập, diễn tập, thi tốt nghiệp là rất quan trọng. Những năm qua, học viện đã triển khai ra sao?

Đại tá, TS Nguyễn Hữu Thiết: Chúng tôi luôn đánh giá đây là nhiệm vụ, là khâu quan trọng trong quá trình đào tạo, vì thế phần việc này được triển khai chặt chẽ, nghiêm túc, ngày càng có chất lượng. Học viện đã tích cực đổi mới quy trình diễn tập, đổi mới hình thức, phương pháp thi tốt nghiệp quốc gia, cụ thể: Tổ chức cho trạm ra-đa và hai tiểu đoàn tên lửa diễn tập cùng một đợt, tổ chức ngụy trang, nghi trang sát thực tế, bước đầu đáp ứng yêu cầu trong huấn luyện dã ngoại; học viên đào tạo sĩ quan chuyên ngành Tên lửa C-125-2TM, chuyên ngành tác chiến điện tử thi tốt nghiệp trên vũ khí, trang bị, khí tài mới, cải tiến tại đơn vị. Đặc biệt, trong những năm qua, học viện đã tích cực mời những cán bộ có kinh nghiệm của các cơ quan, đơn vị trong quân chủng về tham gia chấm thi tốt nghiệp quốc gia cho các đối tượng, do đó, chất lượng thi tốt nghiệp quốc gia ngày càng đi vào thực chất, chất lượng ngày càng nâng cao.

Học viên tham gia thi học viên giỏi môn tiếng Nga năm 2018. Ảnh: Tiến Tường

PV: Học viện đã có những đổi mới đột phá nào trong công tác giảng dạy của giảng viên?

Đại tá, TS Nguyễn Hữu Thiết: Chúng tôi luôn chủ động tổ chức bồi dưỡng, thống nhất về nội dung và phương pháp dạy học cho giảng viên; vận dụng linh hoạt giữa phương pháp giảng dạy truyền thống với ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học; đặc biệt là phương pháp giảng dạy của các chuyên ngành; khi học ngoại ngữ và tin học, tách lớp từ 20 đến 30 học viên; tổ chức kiểm tra, phân loại đầu vào để sắp xếp lớp học phù hợp với trình độ đào tạo của học viên; phương pháp huấn luyện, rèn luyện thể lực cho học viên...;

Triển khai đổi mới phương pháp đào tạo theo 3 tiêu chí: Trang bị cách học, phát huy tính chủ động của người học, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thống trong hoạt động dạy và học; khai thác các nguồn học liệu mở và nguồn học liệu trên internet; kết hợp giảng dạy trên lớp và hoạt động bổ trợ trong hoạt động giờ thứ 8, hoạt động của các câu lạc bộ của học viên (như câu lạc bộ học viên giỏi; bay mô hình hàng không; võ thuật; ngoại ngữ) qua đó từng bước nâng cao chất lượng đào tạo cho các đối tượng tại học viện.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

XUÂN ĐỨC – QUANG CƯỜNG (thực hiện)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/chu-trong-nang-cao-nang-luc-thuc-hanh-cho-hoc-vien-554748