Chú trọng nâng cao chất lượng công tác cán bộ

Trong cuộc đấu tranh chống 'diễn biến hòa bình', chống 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa' đặt ra một vấn đề, đâu là yếu tố có ý nghĩa quan trọng, quyết định? Phải nói ngay rằng, đó là chất lượng đội ngũ cán bộ. Nâng cao chất lượng công tác cán bộ luôn phải đặt lên hàng đầu.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Sóc Trăng đưa đón học sinh tới trường trong mùa mưa bão. Ảnh: Thanh Nam

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Sóc Trăng đưa đón học sinh tới trường trong mùa mưa bão. Ảnh: Thanh Nam

Ai cũng có thể nhận thấy tầm quan trọng của công tác cán bộ, không chỉ nâng cao được chất lượng, vai trò, vị trí của người lãnh đạo mà nó còn có ý nghĩa quyết định đến mọi thắng lợi của Đảng với sự nghiệp cách mạng. Đánh giá về vai trò của công tác cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. “Vấn đề cán bộ là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị Quốc gia, tr.240).

Từ việc xác định vai trò, tầm quan trọng của cán bộ và đội ngũ cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian, tâm huyết cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ để chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng, đến việc lãnh đạo cách mạng giành thắng lợi và xây dựng XHCN ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất đất nước ở miền Nam. Trước lúc đi xa, trong Di chúc của Người cũng viết: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí, công, vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Vậy, tại sao trong giai đoạn hiện nay lại cần phải tập trung nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ? Đây là một hoạt động mang tính chất thường xuyên và liên tục. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng Đảng những năm gần đây, đã xuất hiện nhiều tồn tại trong chất lượng đội ngũ cán bộ. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 (khóa XII) nhận định: Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn... Trong khi đó, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường. Thực tế này đã và đang đặt ra những yêu cầu mới đối với việc xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược. Và đây chính là cái cớ để các thế lực thù địch tập trung xuyên tạc, nói xấu, làm ảnh hưởng và mất uy tín của Đảng. Những sai lầm, khuyết điểm của mỗi cá nhân cán bộ, đảng viên đã tác động trực tiếp đến uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhân dân và xã hội.

Muốn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thì cần phải làm những nội dung gì? Trong quá trình xây dựng Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng đã chỉ rõ: Trước hết, phải đánh giá cán bộ. Đánh giá cán bộ thông qua hoạt động và kết quả đạt được. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Ai mà hay khoe công việc, hay a dua, tìm việc nhỏ mà làm, trước mặt thì theo mệnh lệnh, sau lưng thì trái mệnh lệnh, hay công kích người khác, hay tự tâng bốc mình, những người như thế, tuy họ làm được việc, cũng không phải cán bộ tốt” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia, tr. 318). Ngược lại: “Ai cứ cắm đầu làm việc, không ham khoe khoang, ăn nói ngay thẳng, không che giấu khuyết điểm của mình, không ham việc dễ, tránh việc khó, bao giờ cũng kiên quyết làm theo mệnh lệnh của Đảng, vô luận hoàn cảnh của họ thế nào lòng họ cũng không thay đổi, những người như thế, dù công tác kém một chút cũng là cán bộ tốt” (Sđd, tập 5, tr.317). Và để đánh giá được chất lượng cán bộ, theo Người, cần dựa vào nhân dân, qua các hoạt động kiểm tra đánh giá của các cấp và cả dư luận của xã hội.

Khi đã có đánh giá đúng về chất lượng cán bộ, tổ chức Đảng cần phải tập trung bồi dưỡng, nâng cao để cán bộ hoàn thiện hơn về đức, tài khi được giao nhiệm vụ, đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của thực tiễn công tác. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nói rất rõ về vấn đề này. Người chỉ rõ: “Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà” (Sđd, tập 11, tr.528). Mục đích của việc đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng cán bộ là không ngừng hoàn thiện đội ngũ cán bộ cả về phẩm chất và năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng. Phải đào tạo một đội ngũ cán bộ “có gan phụ trách, có gan làm việc” (Sđd, tập 11, tr.32).

Không chỉ xây dựng, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ là đã xong mà cái căn bản là khi sử dụng phải đúng người, đúng việc. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dùng người như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng cong đều tùy chỗ mà dùng được” (Sđd, tập 11, tr.72). Nếu cán bộ mà được sắp xếp đúng sở trường, đúng khả năng, trình độ, chuyên môn thì công việc sẽ đạt hiệu quả cao. Ngược lại, phân công sai, không đúng sở trường, chuyên môn thì sẽ dẫn đến không hoàn thành nhiệm vụ, kết quả công việc không đạt yêu cầu và sẽ phạm sai lầm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo. Trong quá trình sử dụng, bố trí cán bộ phải có niềm tin, tạo điều kiện cho cán bộ phát huy được khả năng của bản thân. Làm tốt công tác tự phê bình và phê bình, mở rộng dân chủ để lắng nghe ý kiến của quần chúng trong tham gia đóng góp xây dựng cho cán bộ. Đồng thời, sẵn sàng thanh tẩy những cán bộ không còn giữ vững bản chất cách mạng, vi phạm đạo đức lối sống, nói không đi đôi với làm, tham ô, tham nhũng, lôi bè kéo cánh, lợi dụng vị trí cương vị công tác được giao để làm giàu, vơ vét cho lợi ích cá nhân, gia đình. Những cán bộ như thế chính là “tế bào ung thư” trong cơ thể của Đảng.

Khi đội ngũ cán bộ có chất lượng, có đủ phẩm chất, đạo đức, năng lực, thực sự trung thành với sự nghiệp cách mạng, nhận thức rõ những khó khăn, thách thức, hiểu rõ những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, là hạt nhân trong lãnh đạo xã hội, đấy chính là tự xây dựng cho cơ thể “hệ miễn dịch” với mọi âm mưu thủ đoạn của “diễn biến hòa bình”.

Phạm Quế Nghi

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chu-trong-nang-cao-chat-luong-cong-tac-can-bo-post432821.html