Chú trọng kỹ năng nghề

Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định lấy ngày 4-10 hằng năm là 'Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam'. Năm 2020 cũng là năm thứ 11 kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia được tổ chức. Cuộc thi nhằm phát triển và tôn vinh lực lượng lao động trẻ có tay nghề cao, hướng tới xây dựng đội ngũ nhân lực có chất lượng.

Chú trọng kỹ năng nghề

VĂN HẢI

Thứ Ba, 06-10-2020, 17:27

+ | Print

Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định lấy ngày 4-10 hằng năm là “Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam”. Năm 2020 cũng là năm thứ 11 kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia được tổ chức. Cuộc thi nhằm phát triển và tôn vinh lực lượng lao động trẻ có tay nghề cao, hướng tới xây dựng đội ngũ nhân lực có chất lượng.

Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam được tổ chức thống nhất trên toàn quốc nhằm hưởng ứng Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới hằng năm (15-7) được Đại hội đồng LHQ thông qua năm 2014; đồng thời kêu gọi cộng đồng trong nước hưởng ứng và ủng hộ phát triển kỹ năng lao động bằng các hành động cụ thể để nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đồng thời, khích lệ tinh thần học tập, rèn luyện suốt đời để nâng cao kỹ năng, trình độ của học sinh, sinh viên và người lao động; tôn vinh và khẳng định vị thế, tầm quan trọng của người lao động có kỹ năng, nhất là người lao động có tay nghề cao, kỹ năng nghề nghiệp xuất sắc. Bên cạnh đó, thúc đẩy sự đồng hành, gắn kết của Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp và toàn xã hội trong phát triển kỹ năng cho người lao động thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11 năm 2020 sẽ được tổ chức từ ngày 28-9 đến 10-10-2020 tại Hà Nội và Lạng Sơn. Có 505 thí sinh của 50 đoàn đăng ký dự thi ở 34 nghề, trong đó có 31 nghề thi chính thức và ba nghề thi trình diễn.

Năm 2018, Nguyễn Hoàng Sang (sinh năm 2000) đậu đại học và khi đã chuẩn bị hành trang để nhập học thì Sang quyết định từ bỏ để... học nghề. Lựa chọn của Sang khiến nhiều người bất ngờ, không ít người khuyên em nên suy nghĩ lại, chọn học đại học để sau này có tương lai hơn. Nhưng, bố mẹ Sang lại hoàn toàn ủng hộ quyết định của con. Theo học nghề bảo trì máy CNC tại Khoa Bảo trì cơ khí, Trường trung cấp nghề Hùng Vương (TP Hồ Chí Minh), Sang gặt hái nhiều thành công, được chọn vào làm việc tại các doanh nghiệp lớn khi chưa tốt nghiệp, được tham dự kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11-2020.

Sang chia sẻ, ba mẹ em đều là công nhân, gắn bó lâu dài với các doanh nghiệp nên hiểu nhu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là ngành cơ khí chế tạo. Hơn nữa, bản thân em nhận thấy nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học cũng chưa hẳn kiếm được cơ hội việc làm tốt so với học nghề. Bảo trì máy CNC là một trong những ngành nghề đòi hỏi kỹ năng biết đoán bệnh và chữa bệnh, ứng dụng trên cả phần cứng và phần mềm, tùy lỗi mà có cách xử lý khác nhau. Mỗi giai đoạn, máy CNC đòi hỏi người thợ bảo trì phải luôn cập nhật công nghệ mới. Trên nền kỹ thuật cơ bản, có những công nghệ thay đổi, đòi hỏi người thợ phải tư duy sáng tạo, từ đó mới tìm ra lỗi và cách khắc phục hiệu quả. Quyết tâm trở thành thợ giỏi, Sang không ngại khó khăn. Những ngày này, dưới sự giảng dạy, hỗ trợ tích cực của các thầy và chuyên gia bảo trì máy CNC, Sang và đồng đội Trần Hoàng Quân đang miệt mài ôn luyện để chuẩn bị cho kỳ thi nghề quan trọng.

Nhiều bạn trẻ như Dương Minh Nhựt (21 tuổi), sinh viên Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh dự thi nghề tiện CNC; Nguyễn Tiến Đạt, học viên Trường trung cấp Nguyễn Tất Thành dự thi nghề lắp cáp mạng thông tin; Nguyễn Anh Đào, sinh viên Trường cao đẳng Công nghệ Thủ Đức dự thi nghề hàn; Châu Đình Viễn, sinh viên Trường cao đẳng Lý Tự Trọng dự thi nghề tự động hóa công nghiệp… đều chung mong muốn khẳng định năng lực bản thân và có cơ hội học hỏi các thí sinh trên cả nước để nâng cao tay nghề.

Bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cho biết, mục đích, ý nghĩa của kỳ thi nhằm tôn vinh lực lượng lao động trẻ có kỹ năng nghề cao theo khung trình độ Kỹ năng nghề quốc gia và tiệm cận chuẩn Kỹ năng nghề ASEAN; Thúc đẩy lực lượng lao động trẻ có kỹ năng nghề theo kịp được xu thế phát triển của hoạt động sản xuất, kinh doanh; Tuyển chọn thí sinh có năng lực tham gia đội tuyển quốc gia để huấn luyện chuẩn bị tham dự kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN lần thứ 13, thế giới lần thứ 46 năm 2021...

Thông tin chi tiết về kỳ thi, Vụ trưởng Kỹ năng nghề, Tổng cục GDNN Nguyễn Chí Trường cho biết, năm nay kỳ thi sẽ có nhiều điểm đổi mới gắn với việc triển khai Chỉ thị 24/CT-TTg ngày 28-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề. Theo đó, kỳ thi đã được đổi tên thành kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia, thay vì trước đó là kỳ thi tay nghề quốc gia. Đáng chú ý, có bảy nghề lần đầu được tổ chức thi gồm: Phay CNC, Tiện CNC, Dịch vụ lễ tân, Điều khiển công nghiệp, Chăm sóc sức khỏe và công tác xã hội, Thiết kế thời trang kỹ thuật số (nghề trình diễn) và Công nghệ nước (nghề trình diễn).

Để bảo đảm kỳ thi diễn ra hiệu quả và công bằng, quy chế kỳ thi cũng có những điều chỉnh. Trong đó, nổi bật là thời gian làm bài thi đã được tăng lên không quá 15 giờ, tiệm cận kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN (trước đây không quá 8 giờ). Đồng thời, bổ sung thêm các quy định về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian diễn ra thi. Đặc biệt, kỳ thi có sự tham gia của đại diện Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an để bảo đảm tính công bằng, minh bạch, khách quan.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/baothoinay-xahoi/chu-trong-ky-nang-nghe-619397/