Chú trọng kiểm soát chất lượng giống thủy sản

Quảng Ninh có diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên 26.000ha, trong đó 17.300ha nuôi mặn, lợ; 3.300ha nuôi nước ngọt. Với diện tích lớn, nên nhu cầu sử dụng giống thủy sản tương đối cao, trung bình khoảng 5 tỷ con/năm.

Đóng túi tôm giống made in Quảng Ninh của Tập đoàn Việt - Úc tại khu sản xuất tôm giống xã Tân Lập, huyện Đầm Hà (tháng 11/2019). Ảnh: Hữu Việt

Đóng túi tôm giống made in Quảng Ninh của Tập đoàn Việt - Úc tại khu sản xuất tôm giống xã Tân Lập, huyện Đầm Hà (tháng 11/2019). Ảnh: Hữu Việt

Thực tế trong NTTS, con giống quyết định 50% thành công; con giống kém chất lượng, mang mầm bệnh có thể gây thất bại hoàn toàn cho vụ nuôi. Vì vậy, việc quản lý chất lượng con giống là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Trên cơ sở này, Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) đã chú trọng công tác nâng cao năng lực quản lý giống thủy sản.

Trong năm 2019, Chi cục đã mở 3 lớp đào tạo, nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho gần 100 lượt cán bộ các cấp về giống thủy sản, kiểm dịch, kiểm soát chất lượng giống thủy sản; 3 lớp đào tạo cho 90 lượt công nhân kỹ thuật về sản xuất các loại giống thủy sản; 10 lớp tập huấn, tuyên truyền, thông tin về các văn bản quy phạm pháp luật cho trên 400 lượt học viên là các tổ chức, cá nhân NTTS và sản xuất giống.

Chi cục cũng đã thành lập đoàn công tác học tập kinh nghiệm thực tế tại các cơ sở sản xuất giống thủy sản ở các tỉnh có bề dày về NTTS... Qua đó đã tạo điều kiện cho cán bộ quản lý nhà nước, công nhân kỹ thuật tại các trại sản xuất giống trên địa bàn tỉnh có cơ hội trao đổi học tập kinh nghiệm thực tế trong công tác quản lý nhà nước về giống thủy sản và các công nghệ, kỹ thuật sản xuất giống thủy sản tiên tiến tại các tỉnh bạn...

Từ đầu năm đến nay, đơn vị cũng đã kiểm tra và lấy trên 200 mẫu thủy sản để kiểm tra các chỉ tiêu đảm bảo chất lượng con giống tại các cơ sở sản xuất giống. Theo ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, ưu tiên nuôi thâm canh, nuôi công nghệ cao, nuôi có chứng nhận VietGAP, ASC, GlobalGAP, BAP... để đảm bảo 100% cơ sở nuôi, vùng nuôi các đối tượng nuôi chủ lực đảm bảo chất lượng ATTP.

Quy hoạch phát triển ngành thủy sản Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh cũng xác định rõ việc tập trung cho lĩnh vực nuôi trồng các đối tượng thủy sản chủ lực theo vùng tập trung, thâm canh gắn với phát triển hạ tầng đồng bộ theo hướng sản xuất công nghiệp, hàng hóa, đẩy mạnh xuất khẩu, gia tăng giá trị bền vững.

Cán bộ Sở NN&PTNT kiểm tra chất lượng tôm nuôi áp dụng công nghệ Semi biofloc, tại TP Móng Cái (tháng 7/2019).

Để thực hiện được mục tiêu này, tỉnh chú trọng đảm bảo nguồn cung cũng như nâng cao chất lượng giống thủy sản với việc hình thành các trung tâm giống thủy sản công nghệ cao, hướng tới chủ động, đáp ứng được nhu cầu con giống các đối tượng nuôi chủ lực.

Từ năm 2016, tỉnh đã tích cực triển khai 2 đề án, dự án lớn trong lĩnh vực giống thủy sản với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, đó là: Dự án hạ tầng Trung tâm sản xuất giống nhuyễn thể tập trung Vân Đồn; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản tại huyện Đầm Hà.

Trong đó, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh khởi động từ năm 2018, trên cơ sở nâng cấp dự án sản xuất giống, nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính tại xã Tân Lập và xã Đầm Hà, của Tập đoàn Việt - Úc, đã đi vào vận hành, xuất xưởng hàng triệu con tôm giống thẻ chân trắng, đáp ứng nhu cầu con giống chất lượng cao tại chỗ phục vụ người nuôi tôm trong tỉnh.

Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục đầu tư hệ thống quan trắc môi trường và cảnh báo dịch bệnh thủy sản, các cơ sở chẩn đoán xét nghiệm bệnh thủy sản; hoàn thiện và vận hành ổn định Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản tại huyện Đầm Hà. Phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 3 khu, vùng nuôi trồng thủy sản được công nhận là vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Nguyễn Thanh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201912/chu-trong-kiem-soat-chat-luong-giong-thuy-san-2463368/