Chú trọng hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi

Nhằm khuyến khích người dân phát triển kinh tế, thời gian qua, huyện Quảng Trạch đã có nhiều chính sách hỗ trợ cây, con giống. Nhờ đó, nhiều hộ dân đã mạnh dạn xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả cao, tạo sự chuyển biến tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Tháng 6-2020, gia đình anh Tưởng Văn Linh, ở thôn Phúc Kiều, xã Quảng Tùng được Trung tâm dịch vụ nông nghiệp (DVNN) huyện Quảng Trạch hỗ trợ 400 con gà giống và 100% nguồn thức ăn để xây dựng mô hình chăn nuôi gà thương phẩm. Với hình thức chăn nuôi bán chăn thả và thức ăn chủ yếu là cám, bột ngô, đàn gà phát triển nhanh. Chỉ sau 5 tháng nuôi, gia đình anh Linh đã xuất bán được 6 tạ gà thương phẩm, thu về lợi nhuận hơn 50 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình anh Linh có nguồn vốn để xoay vòng, tái đàn các lứa tiếp theo.

Anh Tưởng Văn Linh cho biết: "Năm trước, gia đình tôi được Trung tâm DVNN huyện hỗ trợ gà giống, thức ăn và tập huấn các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cách phòng, trị bệnh cho gà. Sau một thời gian nuôi, gia đình tôi đạt được thu nhập khá ổn định, tạo cơ sở để gia đình tiếp tục nhân rộng mô hình, phát triển chăn nuôi. Tôi mong muốn, thời gian tới, huyện tiếp tục có các chính sách hỗ trợ về nguồn vốn, con giống sản xuất để các hộ gia đình có điều kiện tăng thêm thu nhập, phát triển sinh kế".

Việc hỗ trợ cây, con giống của huyện Quảng Trạch đã góp phần giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng.

Việc hỗ trợ cây, con giống của huyện Quảng Trạch đã góp phần giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng.

Theo ông Tưởng Thanh Tỉnh, Chủ tịch UBND xã Quảng Tùng, sau khi được hỗ trợ nguồn vốn, cây con giống từ nguồn hỗ trợ phát triển sản xuất của huyện, các hộ dân trên địa bàn xã đã tập trung đầu tư xây dựng một số mô hình chăn nuôi, mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả khá cao, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế hộ gia đình, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn. Vì vậy, hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã Quảng Tùng còn 2,43%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 7,8%, đạt kế hoạch Nghị quyết HĐND và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đề ra.

Ông Tưởng Chí Thành, Giám đốc Trung tâm DVNN huyện Quảng Trạch cho biết: "Hàng năm, huyện trích nguồn ngân sách của huyện từ 1,3 đến 1,5 tỷ đồng để đầu tư hỗ trợ giống cho người dân. Bên cạnh đó, huyện phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh và huyện đã góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo điều kiện cho các địa phương phát triển đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi theo hướng chuyển từ "lượng" sang "chất". Nhờ được hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật, nhiều mô hình gia trại, trang trại đã mang lại nguồn thu nhập cao, giúp nhiều hộ nông dân giảm nghèo bền vững".

"Phát huy những lợi thế sẵn có trên địa bàn huyện Quảng Trạch, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu cho UBND huyện về xây dựng các mô hình, nguồn vốn phát triển sản xuất theo diện ưu tiên cho những xã miền núi, địa phương khó khăn. Đồng thời, tiếp tục thực hiện theo chuỗi liên kết giá trị để tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp. Cùng với đó, chúng tôi cũng tiếp tục hỗ trợ và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân để phát triển sản xuất”, ông Tưởng Chí Thành chia sẻ thêm.

Chính sách hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất của huyện Quảng Trạch thời gian qua đã thực sự trở thành đòn bẩy giúp ngành nông nghiệp của huyện khởi sắc, góp phần tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, bảo đảm an ninh lương thực và từng bước đưa nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.

Đ.N

Nguồn Quảng Bình: http://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202105/chu-trong-ho-tro-giong-cay-trong-vat-nuoi-2189185/