Chú trọng giải quyết đầu ra cho sinh viên dân tộc miền núi sau tốt nghiệp

Ngày 18.12, tại Hội nghị tổng kết 10 năm trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) ở Yên Bái, nhiều đại biểu đến từ các địa phương bày tỏ mong muốn các trường PTDTNT thực sự trở thành 'vườn ươm' chứ không phải nơi thực hiện chế độ chính sách.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ thăm Trường PTDTNT THCS Văn Yên, Yên Bái. Ảnh: HN

Hướng đào tạo nhân lực chất lượng cao

Nêu ý kiến tại hội nghị, ông Trần Văn Hòa - Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Thanh Hóa bày tỏ sự lúng túng trong việc xác định mục tiêu của trường PTDTNT. “Chúng ta phải khẳng định, trường PTDTNT phải là vườn ươm nguồn cán bộ có chất lượng ngày càng tốt hơn cho vùng đồng bào dân tộc miền núi, chứ không chỉ là nơi thực hiện chính sách” - ông Hòa nói.

Để làm được điều này, theo ông Hòa, đã là vườn ươm phải có cơ sở vật chất đảm bảo, thầy tốt, tuyển sinh phù hợp, phải chọn những học sinh ưu tú nhất xen kẽ học sinh dân tộc nghèo. Những em giỏi cùng những em học sinh đặc biệt khó khăn chưa giỏi cùng nhau học tập và tiến bộ. Nếu chỉ loay hoay với học sinh khó khăn sẽ khó có thể tiến bộ được. Cùng với đó, địa phương nào phải lo vườn ươm cho địa phương đó, Bộ GDĐT chỉ ra bộ khung để các địa phương chủ động xây dựng mô hình phù hợp với điều kiện thực tế.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Đức Minh - Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Lai Châu cho biết, các trường PTDTNT ở Lai Châu hiện nay đang đi theo hướng đào tạo nhân lực cho tỉnh chứ không phải nơi dàn trải chính sách. Nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thực của địa phương cũng được “ươm mầm” từ đây. Ông Hoàng Đức Minh nhấn mạnh: “Không lấy tiền của Nhà nước để nuôi người dốt”.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Từ khi hình thành đến nay, trải qua nhiều giai đoạn, mô hình trường PTDTNT có nhiều cách nhận thức và thực hiện khác nhau. Thời gian qua cũng có nhiều vấn đề bất cập trong phân cấp: Trường huyện, tỉnh, mô hình trường cấp vùng. Vấn đề hiện nay là xác định mô hình, tiêu chí để có quy hoạch, phân tầng chất lượng loại hình trường chuyên biệt này.

Các mô hình này đã và đang phát huy hiệu quả rất lớn, thực hiện được mục tiêu là nơi tạo nguồn đào tạo nhân lực cho đồng bào dân tộc thiểu số. Chất lượng nhiều trường không thua kém các trường THPT chuyên, trường đại trà. Tuy nhiên trong 10 năm tới phải có thay đổi để khắc phục những tồn tại hiện có đáp ứng tình hình hiện nay đối với giáo dục dân tộc.

Chú trọng giải quyết đầu ra

Theo Bộ trưởng Bộ GDĐT, đội ngũ giáo viên các trường PTDTNT hết sức quan trọng, ngoài việc đánh giá theo chuẩn chung về nghề nghiệp đạo đức, lối sống, các thầy cô trường dân tộc nội trú còn có yêu cầu khác do đặc thù khi học sinh vào học trường nội trú. Ngoài việc dạy, các thầy cô cũng có nhiệm vụ quản sinh 24/24h, vì thế hành vi ứng xử của các thầy cô hết sức quan trọng. Sự gương mẫu, chuẩn mục được đề cao ở đội ngũ giáo viên ở đây.

Ông Nhạ cho biết, Bộ GDĐT sẽ rà soát các văn bản, trong đó sẽ lưu ý đến việc xây dựng bộ tiêu chí để thành lập mới và duy trì các trường PTDTNT theo mô hình truyền thống. Người đứng đầu ngành giáo dục cũng lưu ý công việc cho sinh viên dân tộc miền núi sau khi tốt nghiệp.

“Nếu các địa phương có chủ trương cam kết sinh viên sư phạm giỏi là con em đồng bào dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp được tiếp nhận về công tác tại các địa phương thì sẽ rất thuận lợi cả về tri thức, ngôn ngữ và văn hóa sống, là tấm gương cho học sinh học tập và noi theo” - ông Nhạ trao đổi với đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành tại hội nghị.

HUYÊN NGUYỄN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/chu-trong-giai-quyet-dau-ra-cho-sinh-vien-dan-toc-mien-nui-sau-tot-nghiep-647525.ldo