Chú trọng đến các kênh phân phối hiện đại

c coi là điểm tựa và tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế của Thủ đô, thị trường nội địa có vai trò quan trọng trong thúc đẩy mức tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội. Đặc biệt, việc kích cầu tiêu dùng nội địa được xem là giải pháp hiệu quả cho thương mại phát triển bền vững.

Vì thế, con số tăng trưởng tổng mức lưu chuyển hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm 2018 tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2017 là tín hiệu đáng mừng. Qua đây cho thấy các chủ trương, giải pháp của thành phố về kích cầu tiêu dùng hàng Việt đã khẳng định rõ hiệu quả.

Rõ ràng, đạt được kết quả này là bao gồm nhóm giải pháp đồng bộ, toàn diện của thành phố về đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, xuất nhập khẩu hàng hóa, phát triển thương mại, coi trọng hội nhập kinh tế quốc tế và tăng cường phát triển thương mại với các tỉnh, thành phố trên cả nước… Nổi bật có thể kể đến việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Ngoài ra, thành phố đã hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa, trong đó tập trung vào hàng nông sản thực phẩm thiết yếu của thị trường. Đặc biệt, với sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của ngành chức năng, địa phương, doanh nghiệp, thị trường nông thôn đã được coi trọng và thúc đẩy mạnh mẽ sức mua.

Một việc nữa cần phải kể đến là công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực công thương tiếp tục được tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Qua đó, nhiều vụ việc làm ăn gian dối của cá nhân, doanh nghiệp bị phát giác, tạo được niềm tin trong người tiêu dùng, đồng thời bảo đảm tính cạnh tranh công bằng, lành mạnh trên thị trường giữa các đơn vị sản xuất, kinh doanh.

Phát triển bền vững nền kinh tế vẫn đã, đang là mục tiêu tổng thể hướng tới, trong đó việc đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng có vai trò quan trọng, quyết định đến sự ổn định của thị trường nói chung.

Từ nay đến cuối năm, thị trường sẽ chịu nhiều tác động bởi các yếu tố ngoại cảnh. Vì vậy, các cơ quan chức năng, địa phương cần theo dõi sát sao diễn biến thị trường để có giải pháp ứng phó, can thiệp kịp thời. Đáng chú ý thời điểm cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán, hoạt động thương mại sẽ sôi động hơn nên rất cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, tăng cường kết nối các địa phương để hình thành thêm chuỗi cung ứng sản phẩm từ sản xuất tới phân phối, qua đó bảo đảm ổn định mặt bằng giá cả và tìm kiếm được nguồn hàng hóa chất lượng.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, nhất là ngành Công Thương thành phố cần tiếp tục có giải pháp hiệu quả, tăng cường thanh, kiểm tra để xây dựng niềm tin thị trường. Đồng thời tập trung tạo mọi điều kiện thuận lợi, giảm khó khăn, rủi ro cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh.

Đối với các doanh nghiệp trong nước, phải coi nâng cao chất lượng sản phẩm là nhiệm vụ sống còn, vừa mang lại niềm tin cho người tiêu dùng vừa mang đến hình ảnh phát triển lành mạnh cho nền kinh tế. Doanh nghiệp cũng nên có những chương trình quảng bá sản phẩm, hoặc cung cấp những sản phẩm mà người dân cần và đổi lại là thu mua những sản phẩm người dân có.

Ngoài ra, một yếu tố rất quan trọng mà các doanh nghiệp cần lưu ý, đó là cần bán và đem lại các giá trị mà người tiêu dùng đang tìm kiếm. Hiện nay, người tiêu dùng đang mong muốn có được sự tiện lợi nên thường tìm đến cửa hàng tiện lợi hoặc mua hàng trực tuyến (online). Đây chính là xu hướng thay đổi trong thị hiếu tiêu dùng của người Việt mà doanh nghiệp cần quan tâm.

Bảo đảm chất lượng hàng hóa, coi trọng thị trường nông thôn, thiết lập các kênh phân phối hiện đại ở thành thị là hướng đi tất yếu.

Chí Kiên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Luan-ban-Hanh-dong/907384/chu-trong-den-cac-kenh-phan-phoi-hien-dai