Chú trọng công tác an toàn thực phẩm

Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện nay, toàn tỉnh có 59.789 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Thời gian qua, các cơ quan chức năng, các địa phương trong tỉnh luôn chú trọng công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trên địa bàn. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra VSATTP tại cửa hàng Phương Dung (thị trấn Ba Chẽ, huyện Ba Chẽ). Ảnh: Nguyễn Hoa

Đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra VSATTP tại cửa hàng Phương Dung (thị trấn Ba Chẽ, huyện Ba Chẽ). Ảnh: Nguyễn Hoa

Trong tháng 8/2019, Nhà hàng của Công ty TNHH Vương Dũng ở phường Bãi Cháy, TP Hạ Long đã bị cơ quan chức năng xử phạt 4 triệu đồng vi phạm về VSATTP bởi người chế biến thực phẩm không đội mũ, đeo khẩu trang khi trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm chín, thức ăn ngay. Hay trong tháng 9/2019, Công ty TNHH MTV Minh Đức Quảng Ninh ở Yên Thọ, Đông Triều chuyên sản xuất nước uống đóng chai Purifii, nước đá dùng liền Purifii cũng bị xử phạt 35 triệu đồng do sản xuất, kinh doanh thực phẩm mà không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đây chỉ là 2 trong rất nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm vi phạm VSATTP bị xử phạt hành chính.

Thời gian qua, vấn đề ATTP luôn được các cơ quan chức năng trên địa bàn chú trọng. Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP ban hành 30 văn bản chỉ đạo điều hành công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn; tổ chức nhiều hội nghị nhằm tiếp tục tăng cường nhận thức của lãnh đạo các cấp, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp đối với công tác này.

Hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục về ATTP cũng được đẩy mạnh với nhiều hình thức, như: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên trang Web của các sở, ngành, địa phương; tuyên truyền miệng, tuyên truyền qua băngzôn, tờ gấp, tờ rơi; tổ chức lễ phát động “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019”... Bên cạnh đó, công tác tập huấn, phổ biến kiến thức về ATTP cũng được các đơn vị, địa phương quan tâm. Trong năm 2019, các ngành thành viên Ban chỉ đạo tỉnh và 14 địa phương đã tổ chức 453 lớp tập huấn cho gần 32.000 người; thực hiện lồng ghép 1.090 buổi tọa đàm, nói chuyện, phổ biến kiến thức ATTP cho gần 57.000 người; ngoài ra còn tổ chức các buổi thảo luận, các cuộc thi, phổ biến kiến thức ATTP cho hàng trăm nghìn người...

Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh và TP Hạ Long kiểm tra việc thực hiện ATTP của các hộ kinh doanh thức ăn chế biến sẵn tại chợ Hạ Long 1. Ảnh: Nguyễn Dung

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, các ngành cũng chủ động hướng dẫn các doanh nghiệp, người dân trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn, như: Xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, hướng dẫn các cơ sở thực phẩm áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, quản lý chắc đầu vào... Trong năm, toàn tỉnh có 41 cơ sở áp dụng hệ thống quản lý chất lượng VSATP theo tiêu chuẩn thực hành tốt (GMP), thực hành vệ sinh tốt (GHP), phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (vietGAP); 31 cơ sở được cấp chứng nhận VietGAP với diện tích sản xuất hơn 749 ha...; duy trì phát triển 14 chuỗi thực phẩm an toàn; tư vấn hướng dẫn, hỗ trợ 33 cơ sở tham gia chuỗi thực phẩm an toàn... Các ngành đã cấp 2.715 thủ tục về ATTP.

Cùng với đó, hệ thống kiểm nghiệm ATTP các cấp tiếp tục được đầu tư nâng cao năng lực kiểm nghiệm nhằm phát hiện nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm... Riêng ngành y tế đã trang bị test kiểm nghiệm nhanh ATTP tại 14 trung tâm y tế cấp huyện và y tế cấp xã, trang cấp 84 bộ test kiểm nghiệm nhanh về ATTP cho các địa phương. Ngành NN&PTNT cấp phát 54 bộ test kiểm nghiệm nhanh thực phẩm cho các đơn vị và phòng chuyên môn. Các địa phương cũng chú trọng đầu tư cho hệ thống kiểm nghiệm ATTP. Nhờ vậy, năm 2019, toàn tỉnh đã thực hiện kiểm nghiệm 51.084 mẫu thực phẩm, qua đó phát hiện 1.246 mẫu không đạt yêu cầu.

Việc giám sát phòng chống ngộ độc thực phẩm cũng là một trong các nhiệm vụ mà ngành chức năng chú trọng. Riêng UBMTTQ tỉnh đã tiến hành giám sát 143 trường học, cơ sở cung ứng thực phẩm, bữa ăn sẵn trên địa bàn tỉnh. Còn ngành Y tế đã thực hiện giám sát 983 cơ sở dịch vụ ăn uống. Hoạt động của đường dây nóng tiếp nhận thông tin về an toàn thực phẩm cũng được tăng cường. Sau tiếp nhận thông tin, các ngành chức năng vào cuộc kiểm tra, xác minh và xử lý vi phạm VSATTP kịp thời.

Bên cạnh đó việc kiểm tra, xử lý vi phạm về VSATTP cũng được chú trọng. Năm 2019, toàn tỉnh tổ chức 874 đoàn thanh tra, kiểm tra định kỳ và đã thanh, kiểm tra được 19.726 lượt cơ sở. Qua đó, 2.013 cơ sở bị xử phạt với số tiền hơn 4,853 tỷ đồng. Thời gian này, các ngành, địa phương tiếp tục tăng cường kiểm tra VSATTP nhằm đảm bảo cho người dân đón một cái tết vui tươi, an toàn, bảo đảm sức khỏe.

Cầm Khuê

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201912/chu-trong-cong-tac-an-toan-thuc-pham-2466141/