Chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học

Toàn tỉnh có 398.653,37ha diện tích đất có rừng (tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh là 55%); có 3 khu Bảo tồn thiên nhiên chiếm diện tích 33.659,8ha; 2 khu di sản thiên nhiên với diện tích 171,083ha. Số loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ là 224 loài và có 144 cây được vinh danh.

Để bảo vệ đa dạng sinh học, duy trì tính toàn vẹn của hệ sinh thái, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều hoạt động cụ thể. Trong đó, tỉnh đã lập, phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài và nguồn gen nguy cấp, quý hiếm, trên cơ sở đó từng bước khôi phục các hệ sinh thái gắn với quy hoạch khác cũng như định hướng phát triển của tỉnh.

Tỉnh cũng xây dựng hồ sơ đề cử, bảo vệ và được Bộ trưởng Môi trường các nước ASEAN công nhận khu bảo tồn thiên nhiên Vườn Quốc gia Bái Tử Long là Vườn Di sản ASEAN, góp phần đưa tên tỉnh Quảng Ninh trên bản đồ đa dạng sinh học của khu vực và trên thế giới.

Cán bộ, người dân thả giống thủy sản về môi trường tự nhiên tại vùng Vịnh Hạ Long nhân kỷ niệm ngày truyền thống ngành thủy sản Việt Nam 1/4 (1959-2021). Ảnh: Nguyễn Thanh

Cán bộ, người dân thả giống thủy sản về môi trường tự nhiên tại vùng Vịnh Hạ Long nhân kỷ niệm ngày truyền thống ngành thủy sản Việt Nam 1/4 (1959-2021). Ảnh: Nguyễn Thanh

Công tác bảo tồn, phục hồi, phát huy giá trị các nguồn gen quý hiếm được triển khai theo từng đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ. Theo đó, tỉnh đã triển khai 7 nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen tại Đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen tỉnh giai đoạn 2015-2020. Trong đó, ưu tiên thực hiện đối với các nguồn gen có giá trị kinh tế và phù hợp với điều kiện khoa học công nghệ của tỉnh. Đến nay việc triển khai các nhiệm vụ cơ bản đảm bảo tiến độ đề ra.

Tại Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng, Khu rừng Quốc gia Yên Tử, Vườn Quốc gia Bái Tử Long, vườn cây thuốc Yên Tử đã sưu tầm và bảo tồn 700 loại dược liệu đại diện của vùng Đông Bắc. Trong đó, lưu giữ nhiều bộ gen, như: Ba kích, kim ngân, trà hoa vàng; bộ gen các loại họ nghệ, sa nhân, riềng, gừng... Cùng với đó, tỉnh còn triển khai nhiều chuyên đề, chương trình, dự án nghiên cứu, sản xuất giống nhân tạo các loài có giá trị kinh tế, bản địa quý hiếm, như: Tu hài, ngán, sá sùng, cá chim vây vàng... Đồng thời, chú trọng phát triển nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo tồn gen, phát huy giá trị dược liệu quý hiếm tại các địa phương: Ba Chẽ, Tiên Yên, Bình Liêu, Đông Triều, Hoành Bồ, Uông Bí...

Đối với hệ sinh thái khác như san hô, thảm cỏ biển... cũng được các ngành chức năng của tỉnh nghiên cứu, giám sát, khoanh vùng để bảo vệ và thử nghiệm phục hồi. Trong đó, chú trọng phát triển các khu vực cư trú nhân tạo cho các loài thủy sản. Hằng năm, trên địa bàn tỉnh đã trồng phục hồi và thả rạn san hô, thảm cỏ biển nhân tạo từ 2-3ha. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2035 sẽ đạt 15ha san hô và thảm cỏ biển được trồng thả phục hồi.

Từ năm 2020 đến nay, Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT) đã bàn giao cho Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã trên 80 cá thể động vật rừng nguy cấp, quý hiếm để chăm sóc, cứu hộ trước khi tái thả về tự nhiên, trong đó chủ yếu là cá thể: Rùa, diều hâu, chim cu gáy, vẹt yến phụng, khỉ vàng...

Cán bộ Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long khảo sát hệ sinh thái rừng ngập mặn khu vực Vườn quốc gia Bái Tử Long.

Còn Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) cũng tiến hành cấp bổ sung 1 mã số cơ sở nuôi trồng các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, nâng tổng số được cấp phép toàn tỉnh lên 12 cơ sở. Đồng thời, tỉnh đang xem xét ban hành bộ thủ tục hành chính cấp tỉnh về cấp giấy phép mua, bán, trao, tặng, cho thuê loài nguy cấp, quý, hiếm, ưu tiên bảo vệ; giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; theo dõi, giám sát dự án Bảo tồn động thực vật trên đảo Soi Sim - Vịnh Hạ Long đảm bảo theo quy định.

Ngoài ra, việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo Chỉ thị số 18-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng được các đơn vị, địa phương tỉnh chú trọng. Trong năm 2020, tỉnh tổ chức thả tái tạo nguồn lợi với số lượng 1.052.381 con giống tôm, cá các loại về môi trường tự nhiên. Đối tượng giống thả là các loài bản địa, loài có giá trị kinh tế cao, nguồn lợi đang bị suy giảm. Riêng kỷ niệm 62 năm ngày truyền thống Ngành Thủy sản Việt Nam 1/4 (1959-2021), Sở NN&PTNT phối hợp với Hội Nghề cá tỉnh và UBND TP Hạ Long thả 2,1 triệu giống thủy sản xuống vùng biển Vịnh Hạ Long. Song song với đó, các địa phương có biển trong tỉnh cũng có nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng, góp phần quan trọng trong phục hồi nguồn lợi thủy sản, giảm nhẹ tác động của thiên tai và tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các hệ sinh thái trên địa bàn tỉnh phong phú và đa dạng, tuy nhiên hiện nay cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, chủ yếu từ các hoạt động KT-XH và những biến động của thay đổi khí hậu. Vì vậy, công tác quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học cần tiếp tục duy trì hiệu quả. Cùng với đó, cộng đồng cần nâng cao nhận thức, và có những hành động thiết thực trong bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường.

Nguyễn Huế

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202105/chu-trong-bao-ton-da-dang-sinh-hoc-2533222/