Chủ trại heo 'phân trần' chuyện dùng chất cấm

Ngày 2/4, Chi cục Thú y tỉnh Bình Dương đã ra quyết định xử phạt 40 triệu đồng đối với hai chủ trang trại nuôi lợn là ông Lê Long Hồ (quê Tiền Giang) và ông Lương Văn Dũng (SN 1970, quê Hải Dương) vì đã sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi đối với gần 400 con tại địa bàn phường Bình Nhâm, TX.Thuận An.Cả hai bị cấm xuất bán heo cho đến khi có xét nghiệm lại của cơ quan chức năng.

Chất cấm cao gấp 100 lần

Trước đó, vào ngày 24/3, đoàn liên ngành gồm Chi cục Thú y, chăn nuôi và thủy sản Bình Dương kết hợp Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Bình Dương kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm ba trang trại nuôi heo liền kề nhau ở khu phố Bình Hòa, phường Bình Nhâm, TX.Thuận An.

Ảnh minh họa.

Qua xét nghiệm, hai trang trại nuôi heo của ông Hồ và ông Dũng dương tính với chất cấm là một loại thuốc tạo nạc. Điều đáng nói, hai hộ này sử dụng chất tạo nạc cao gấp hàng trăm lần so với bình thường.

Chi cục thú y cho biết đây là hai trang trại sử dụng chất cấm trong chăn nuôi cao nhất tỉnh từ trước đến nay. Ngoài số tiền bị phạt, cơ quan chức năng buộc các hộ phải ngừng ngay việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, cam kết tạm giữ đàn heo có mẫu xét nghiệm dương tính với chất cấm để đoàn liên ngành sẽ tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm sau 10 ngày, các hộ chỉ được xuất bán khi kết quả xét nghiệm âm tính.

Sự việc thu hút sự chú ý của dư luận nên PL&TĐ đã tìm về địa phương, trực tiếp gặp hai chủ hộ để tìm hiểu sự việc. Cả hai trang trại đều nằm trong một con hẻm có tới hàng chục hộ nuôi heo. Con đường vào chỉ rộng chừng 2m.

Tất cả khuôn viên của khu vực đều có tường rào bằng tôn cao hơn 2,5m, tạo nên một sự biệt lập với bên ngoài. Nhà nào cũng nuôi rất nhiều chó, thấy người lạ chúng sủa ầm lên như cảnh báo cho chủ nhân. Chuồng heo được xây phía sau nhà, có cổng rào, khó tiếp cận.

Sau hơn 20 ngày xảy ra sự việc, toàn bộ số heo của hai hộ vẫn được giữ nguyên trong chuồng. Ông Hồ cho hay: “Dù khó khăn nhưng phải chờ sự cho phép của cơ quan chức năng mới dám xuất bán. Mình đã vi phạm một lần, nào dám vi phạm thêm lần thứ hai”.

Theo lời ông Hồ và ông Dũng: “Ở khu vực có rất nhiều trang trại nuôi heo từ hơn 5 năm qua. Mỗi năm đều chịu sự kiểm tra hàng chục lần của cơ quan chức năng. Cứ tầm 1 đến 2 tháng lại có kiểm tra đột xuất. Trong năm 2016, chúng tôi bị kiểm tra 3 lần nhưng đều không có chất cấm. Đây là lần đầu tiên và duy nhất. Ở đây chúng tôi sử dụng thức ăn có nguồn gốc đàng hoàng. Còn thuốc thú y thì đến trường Đại học Nông Lâm TP.HCM mua về sử dụng”.

Theo lời của cả hai, cách nay một tháng, có một người đàn ông đi xe máy rao bán chất tạo nạc. “Người này giới thiệu đây là chất tạo nạc nhưng “được phép lưu hành, sử dụng trong chăn nuôi”. Đó là chất bột màu trắng đựng trong bọc ni lông không có nhãn mác. Chất bột này được bán với giá 150 ngàn đồng/kg.

Người này quảng cáo rằng chỉ cần cho một ít chất này vào thức ăn sẽ tạo nạc, heo ăn khỏe, chóng lớn, bán được giá”. Ông Hồ mua 3kg, ông Dũng mua 1kg để dùng thử. Cả hai xin số điện thoại để liên lạc nhưng người này không cho và cho biết “sẽ trở lại”.

Ông Hồ cho biết mỗi ngày cho thêm vào thức ăn chừng nửa bát, heo ăn khỏe hơn bình thường. Ông Hồ cho heo ăn được 1 tuần, còn ông Dũng dùng được 3 ngày thì cơ quan chức năng ập đến kiểm tra. Ông Hồ cho rằng vì trình độ học vấn không nhiều, không biết đó là chất cấm nên mới sử dụng.

Ông Dũng thừa nhận: “Việc sử dụng chất tạo nạc trong thức ăn mà cơ quan chức năng xử phạt là có thật. Tôi chấp nhận việc xử phạt đó. Họ lấy nước tiểu và xét nghiệm ngay tại chỗ, có sự chứng kiến của tôi”.

Thế nhưng ông Dũng cho rằng: “Chính tôi và ông Hồ là người bị bán hóa chất lừa. Nếu biết đó là chất cấm, chúng tôi không bao giờ dám sử dụng. Heo của chúng tôi bán ra, biết đâu lại quay về chợ và chính chúng tôi là người tiêu thụ sản phẩm đó. Chúng tôi già rồi không nói làm gì, còn thế hệ con cháu mình thì sao. Chúng tôi cũng ý thức được điều đó nên trước giờ không sử dụng. Đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng”.

“Một lần là sợ cả đời”

Mình sai thì mình phải chịu, không chối cãi gì cả. Nhưng cũng mong mọi người thông cảm. Chúng tôi nuôi heo mất 6 tháng mới xuất bán được. Lời lãi không bao nhiêu nhưng từ trước giờ không dám sử dụng chất kích thích, chất cấm để thu lợi nhiều. Lần này, nghe người ta quảng cáo, lại không biết đó là chất cấm nên mới sử dụng. Mọi người có trách móc, tôi cũng đành nhận hết. Coi như đây là một bài học kinh nghiệm”, lời ông Hồ.

Còn ông Dũng cho rằng: “Chăm sóc 1 con heo cho đến lúc xuất chuồng chỉ lãi được 700.000 đồng. Cực khổ lắm, suốt ngày ở chuồng heo, hít bao nhiêu chất xú uế. Vợ ở nhà nấu thức ăn, tắm cho heo 2 lần/ngày. Còn tôi phải chạy đi mua cơm thừa về làm thức ăn bổ sung. Nhiều người vì lợi nhuận có thể sử dụng chất cấm liên tục nhưng chúng tôi mới sử dụng lần đầu. Khi đoàn kiểm tra cho kết quả xét nghiệm dương tính, chưa biết bị phạt bao nhiêu nhưng nguyên cả đêm tôi mất ngủ vì lo lắng, vì sự vô ý của mình”.

Ông Dũng cho biết khi các cơ quan truyền thông đưa tin, bạn bè, người thân biết chuyện đã gọi điện trách móc “tại sao lại sử dụng chất cấm, gây độc hại cho người tiêu dùng”. Ông Dũng phải giải thích nhiều lần để những người này hiểu và thông cảm. Còn đối với người đã bán thuốc cho mình, ông Dũng nói: “Nếu hôm đó xin được số điện thoại, bây giờ tôi sẽ trình báo công an để xử lý. Từ khi bán cho chúng tôi, người này không quay trở lại nữa nên chúng tôi không rõ là ai, ở đâu để cung cấp thông tin”.

Cả ông Hồ và ông Dũng đều cam kết sẽ không tái phạm, không sử dụng thức ăn, thuốc không có nguồn gốc rõ ràng, nhất là nghe đến những chất tạo nạc. “Một lần là sợ tới cả đời. Bị phạt mấy chục triệu là coi như nuôi heo mấy tháng không có lãi. Tôi nghe nói sắp tới, người sử dụng chất cấm trong chăn nuôi thậm chí sẽ bị trách nhiệm hình sự. Thà lợi nhuận ít chứ tôi không muốn vào tù đâu”, ông Dũng chia sẻ.

Hỏi về việc có hay không chuyện bơm nước, sử dụng thuốc an thần trong việc tăng ký cho heo trước khi xuất bán. Ông Dũng cho rằng: “Việc đó, chỉ có những thương lái mua heo từ trang trại về bán lại cho người giết mổ mới thực hiện. Thương lái tới trang trại, chỉ cần thấy bụng heo hơi no, heo nằm mệt mỏi là họ không mua. Chính vì thế, việc bơm nước, tiêm thuốc an thần, thương lái sử dụng thường xuyên để tăng cân cấp tốc. Ở đây chúng tôi không làm thế”.

Ảnh minh họa.

Cuối câu chuyện, cả ông Hồ và ông Dũng đều một lần nữa nói “mong mọi người thông cảm”. Cả hai cho rằng số lượng heo sử dụng chất tạo nạc quá liều chưa được mang đi tiêu thụ. Hiện số heo này vẫn được nuôi trong chuồng chờ cơ quan chức năng đến xét nghiệm. Nếu đàn heo âm tính, chất tạo nạc đã bị tiêu hủy hết, cơ quan chức năng mới cho xuất bán.

Cả hai cũng mong muốn cơ quan chức năng sớm xét nghiệm lại để có thể bán heo trả nợ tiền vay nộp phạt.

Bùi Yên

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/chu-trai-heo-phan-tran-chuyen-dung-chat-cam-d10565.html