Chủ tịch Yeah1 nói về sự cố với Youtube: Trả giá đắt khi xây nhà trên đất của người khác

Sau sự cố chấm dứt Thỏa thuận lưu trữ nội dung với Youtube từ 01/04/2019, lần đầu tiên trong 12 năm thành lập, ban lãnh đạo Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 (Yeah1, mã: YEG) đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu thuần chỉ 19%. Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch HĐQT Yeah1 gọi đây là bài học đắt giá và mất ít nhất 6 tháng để Yeah1 có thể vượt qua.

Youtube đã chấm dứt Thỏa thuận lưu trữ nội dung với các công ty đầu tư tài chính/công ty con có hoạt động kinh doanh đến mảng Youtube AdSense của Yeah1 sau ngày 31/03/2019.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 của Yeah1 được tổ chức sáng nay (8/5), ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống thừa nhận, khi phát triển quá nhanh, rủi ro sẽ phát sinh hệ thống với vấn đề mà họ chưa thể lường trước.

Youtube cáo buộc, SpringMe Pte.Ltd. – hệ thống đa kênh (MCN) mà Yeah1 gián tiếp nắm gần 17% cổ phần khi đó đã quản lý tuyển chọn kênh chưa phù hợp với quy trình của Youtube. Điều này dẫn đến việc Youtube áp dụng chính sách tương tự với các công ty khác liên quan đến hoạt động Youtube AdSense trực thuộc của Yeah1 là Yeah1 Pte Ltd và ScaleLab LLC.

“Lượng nội dung mới tải lên mỗi ngày của chúng tôi khoảng 400 giờ, bằng tất cả các đài truyền hình tại Việt Nam cộng lại. Khi phát triển nhanh quá, rủi ro xuất hiện. Sự cố vừa rồi Youtube cho Yeah1 một bài học là muốn đi ra thế giới thì những bài học này phải vượt qua. Bài học đó trả giá cực kỳ đắt. Học mà phải trả phí thì độ thẩm thấu sẽ phải cao”, ông Tống nói và cho biết, hiện vẫn tiếp tục đàm phán với Youtube về sự cố trên nhưng với bài toán này, sẽ phải mất ít nhất 6 tháng để YEG vượt qua.

Việc YouTube chấm dứt Thỏa thuận lưu trữ nội dung với Yeah1 được dự đoán có thể khiến công ty trực tiếp mất đi nguồn thu từ quản lý quảng cáo cho đối tác, hoạt động đã đóng góp 16% doanh thu và 13% lợi nhuận sau thuế năm 2018.

Đây cũng là lý do, năm 2019, Ban lãnh đạo Yeah1 chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 19%, trong khi hàng năm đều ở mức 60%.

“Đừng xây nhà trên đất người khác, đó là bài học với Yeah1 khi sự cố đó không chỉ ảnh hưởng hệ thống đa kênh mà còn khiến các đối tác ở mảng khác quan ngại. Yeah1 sẽ đầu tư vào nền tảng riêng của mình mà việc vừa vào công ty xây dựng mạng xã hội trên app là một ví dụ”, Chủ tịch Yeah1 nói về kế hoạch dần tự chủ về nội dung.

Theo đánh giá của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt, trong trường hợp không còn giấy phép Mạng đa kênh từ YouTube, YEG sẽ mất đi phần chia sẻ doanh thu quảng cáo từ kênh YouTube của các đối tác, cùng với đó sẽ phải tìm hướng đi khác để phát triển mảng YouTube thay vì mở rộng MCN thông qua sáp nhập và có thể ảnh hưởng gián tiếp đến doanh thu quảng cáo trực tiếp vì network bị thu nhỏ.

Hiện tại, nội dung YEG tự sản xuất chưa nhiều, và mới chỉ phục vụ người xem Việt Nam. Để có người xem từ các nước có CPM cao hơn, YEG cần các nội dung mang tính toàn cầu và phi ngôn ngữ như phim giải trí cho trẻ em, dạy nấu ăn, clip hài, review game...

Theo đó, YEG đang hợp tác với chủ sở hữu của Something Big (Pháp) để sản xuất các nội dung hoạt hình cho trẻ em. Công ty cũng hợp tác với Viacom (Mỹ) để phân phối độc quyền các nội dung hoạt hình thương hiệu Nickelodeon trên YouTube và Facebook của YEG tại thị trường Việt Nam và Thái Lan.

“Chúng tôi cho rằng YEG sẽ theo xu hướng chung trên thế giới đó là M&A giữa Kênh phân phối nội dung và Bên làm nội dung. Sau M&A, sẽ là mô hình kinh doanh nội dung kỹ thuật số, với đa dạng các hoạt động từ sản xuất nội dung, phát triển tài năng và quảng cáo. Sở hữu nội dung của riêng mình và tận dụng mạng lưới đa nền tảng để đưa tới người dùng, đây là mô hình bền vững hơn là một MCN đơn thuần với nguồn thu phụ thuộc lớn vào các chính sách của YouTube”, Rồng Việt phân tích.

Trước mắt, YEG sẽ cung cấp nội dung YEG sở hữu/mua bản quyền cho các kênh YouTube có nhu cầu, đổi lại 50%-60% doanh thu quảng cáo từ đối tác – tỷ lệ cao hơn nhiều so với từ 5%-30% doanh thu theo mô hình MCN.

Dù vậy, Rồng Việt cho rằng, các nội dung YEG tự sản xuất hiện không quá nổi bật. Đối với các nội dung YEG mua bản quyền, được nhận xét đều là các thể loại đang thịnh hành và có nhu cầu lớn như âm nhạc, nội dung trẻ em. Tuy nhiên, trong bối cảnh số lượng nội dung trên thị trường là rất lớn, rất khó để đánh giá khả năng cạnh tranh của các nội dung này.

Do đó, việc thương mại hóa các nội dung của YEG đạt hiệu quả đến đâu vẫn là một dấu hỏi.

“Việc YEG đầu tư sản xuất nội dung sẽ cần nhiều nguồn lực và thời gian để phát triển đội ngũ. Tóm lại, tiềm năng mảng YouTube đối với YEG vẫn còn, nhưng câu chuyện tăng trưởng hiện không thật sự rõ ràng”, theo báo cáo của Rồng Việt.

Hồng Phúc

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/chu-tich-yeah1-noi-ve-su-co-voi-youtube-tra-gia-dat-khi-xay-nha-tren-dat-cua-nguoi-khac-d99952.html