Chủ tịch xã xuyên lũ dữ đi cứu dân

Trong chuyến cùng đoàn công tác của Quỹ TLV Lao Động cứu trợ nhân dân vùng lũ Hương Khê - Hà Tĩnh cách đây mấy hôm, tôi nghe phong thanh câu chuyện ông Lê Ngọc Bích - Chủ tịch xã Gia Phố đi cứu dân chạy lũ suýt lật thuyền trong dòng nước xoáy. Kết thúc đợt cứu trợ khẩn cấp và trở về từ rốn lũ, ngay lập tức, tôi liên lạc cho vị Chủ tịch xã hẹn sáng hôm sau lên xin nghe lại câu chuyện thoát chết trong lũ của ông.Qua điện thoại, ông nói, “Tui bận lắm, lịch ngày mai vẫn có mấy đoàn về trao quà”. Lặng im một chút rồi ông nói, “Thôi thì chú cứ lên, gặp được lúc mô thì rồi ta tranh thủ...”.

Việc tổ chức cấp phiếu nhận quà ở xã Gia Phố rất bài bản, được người dân hài lòng. Ảnh: T.TUẤN

“Hú vía luôn”

Sáng 23.10, hơn một tuần sau cơn lũ lịch sử đêm 14 rạng sáng 15.10 khiến 1.200/1.540 ngôi nhà của toàn xã Gia Phố bị ngập trong lũ, công việc của các cán bộ xã Gia Phố vẫn còn quá bận rộn với việc tiếp nhận, phân phát hàng cứu trợ cho dân. Tôi có mặt tại trụ sở xã Gia Phố lúc 9 giờ sáng của ngày chủ nhật, lúc này đã có rất đông người dân chờ sẵn để nhận quà, một số người chờ hơi lâu, có người nóng ruột vì phải còn về đi lễ ở nhà thờ thì một người đàn ông thấp nhỏ ra căn dặn “bà con phải bình tĩnh, chịu khó chờ đợi, người ta góp tiền, góp gạo còn lặn lội từ Hà Nội, Sài Gòn đến cho mình, nên mong bà con thấu hiểu”. Hỏi ra, đó là Chủ tịch Bích.

Ông Bích kể, đêm 14.10, nước lũ về rất nhanh, sáng hôm sau nhiều nhà dân đã bị ngập sâu đến 2m, nhà ông lúc đó cũng đang ngập, nhưng việc đầu tiên là ông gọi điện bảo mấy anh em cán bộ xã đánh xuồng máy đến đón ông rồi cùng đi cứu dân đang bị cô lập. “Tôi cùng anh Chữ - Bí thư Đoàn xã, anh Lâm - Xã đội phó, anh Thiện - công an viên đánh xuồng máy đi sơ tán dân ở thôn Phố Thượng, sau khi đưa được một số gia đình sang nhà khác cao hơn, chúng tôi tiếp tục đi qua đoạn Cồn Đảo để sơ tán dân chạy lũ. Lúc xuồng ra đến đoạn sâu nhất khoảng 4- 5m thì chân vịt bị cỏ, rác quấn chặt mất tác dụng nên xuồng bị nước xiết đánh quay vòng, chao đảo liên tục. Phải mất gần 20 phút, cho đến khi anh Thiện công an viên khỏe nhất đoàn, tay bám mạn xuồng dùng chân đạp cho rác quấn ở chân vịt ra hết rồi khi đó nổ máy, xuồng mới vượt qua được dòng nước lũ. Nói thật, lúc đó anh em đều sợ hú vía, tôi cũng đã nghĩ đến cái chết. Bởi chỉ cần xuồng úp xuống thì khó mà thoát được”. “Thế các anh không mặc áo phao à?”, tôi hỏi. Ông Bích nói “mặc rồi, trên xuồng còn dư phao nữa, nhưng với dòng nước xiết đó, bị rơi xuống thì áo phao cũng chịu”. Câu chuyện ông Bích kể liên tục bị gián đoạn bởi các đoàn cứu trợ gọi điện hỏi, rồi chỉ đạo từ trên xuống. Thế rồi, một xe tải lớn chở gạo của một đoàn cứu trợ từ Hà Nội vào, ông Bích phải xin lỗi để ra đón đoàn, tổ chức cấp phát cho bà con nhân dân.

Hiện trường nơi Chủ tịch xã Gia Phố (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) cùng 3 cán bộ dùng xuồng đi cứu dân thì gặp sự cố nguy hiểm.

Thoát hiểm xong tiếp tục đi cứu dân

Tôi được anh Lê Ngọc Lâm - Xã đội phó xã Gia Phố, là người có mặt trên chiếc xuồng máy suýt bị lật hôm trước dẫn đến hiện trường hôm gặp nạn. Trên đường đi, anh kể, từ mờ sáng hôm đó, Chủ tịch Bích đã cùng 3 anh em dùng xuồng đi sơ tán được khoảng 20 nhà dân, khi tiếp tục đến sơ tán dân ở thôn Phố Thượng thì xuồng gặp sự cố nguy hiểm. “Khi đó ai nấy hú vía hết, nghĩ xuồng lật cái là chết hết. Rứa mà rồi may mắn thoát được”, anh Lâm vẫn còn run khi kể lại. Hiện trường nơi chiếc xuồng máy bị nạn mà anh Lâm chỉ là dòng sông Ngàn Sâu rộng chừng 50m, cây cối hai bên vẫn còn dính bùn đất, ngã xuôi theo dòng nước lũ trước đó. “Thế khi thoát được, nước chảy xiết nguy hiểm thế mà các anh vẫn đi tiếp à?”. Anh Lâm chỉ tay sang thôn Phố Thượng nói: “Phải đi chứ, bên đó có mấy chục hộ đang bị cô lập mà”. Thế rồi 4 cán bộ trên xuồng máy tiếp tục đi sơ tán được 15 hộ neo đơn, ông già, bà lão... nhà bị ngập nặng đến nơi cao hơn, xong nhiệm vụ thì cũng đã 19 giờ, mọi người mới trở về nhà.

Ông Bích - Chủ tịch xã Gia Phố (đội mũ bảo hiểm) đang giải thích sau khi từ chối phát quà cho chị Huyền vì nhà vừa qua không bị ngập. Ảnh: TRẦN TUẤN

Ông Nguyễn Hữu Thái (73 tuổi, thôn Phố Thượng), người được anh em cán bộ xã đưa xuồng đến sơ tán lên cao vào sáng 15.10, kể “sáng đó, nhà tui nước ngập quá đầu, mà nước vẫn đang tiếp tục dâng nhanh, tui lo sợ nên cùng vợ leo lên chạn (gần nóc nhà) nằm cầu khấn nước đừng dâng nữa. Rứa rồi may mà có Chủ tịch Bích cùng mấy anh em cán bộ xã đánh xuồng máy đến chở đi lên trú ở nhà ông Liệu cao hơn. Tôi vẫn thầm cảm ơn cán bộ đến kịp thời, nếu không thì...”. Anh Nguyễn Văn Hứa - con trai ông Thái nhà cách bố mẹ chưa đầy 100 mét, kể trong bất lực “hôm đó theo dọn dẹp, cất đặt đồ lên cao, dọn xong thì nước đã ngập vào nhà, nước mạnh chảy xiết nên dù nhà em có sắm 2 chiếc thuyền nhỏ nhưng cũng không dám chèo sang để đưa bố mẹ đi sơ tán được. Nếu dùng thuyền nhỏ đưa đi còn nguy hiểm hơn cả trú trên chạn”, - anh Hứa nhớ lại.

“Không chê ông Bích điểm chi cả...”

Tại xã Gia Phố khi trời đã gần đứng bóng. Thế nhưng, việc cấp phát quà vẫn đang diễn ra khi vừa có thêm một đoàn khác về cứu trợ. Trong lúc phát quà, một phụ nữ bị tật đến ngả 2 tay xin chủ tịch cho suất quà. Ông Bích nhẹ nhàng “chị thông cảm chứ không có mô. Đây là quà cho bà con lũ lụt nên chỉ dành cho ai nhà bị ngập. Chị khó khăn, chúng tôi biết, nhưng vừa rồi nhà chị ở trên cao không bị ngập thì không có quà đâu, cho chị thì nhiều hộ khác khiếu nại, tôi biết ăn nói răng đây”. Chủ tịch xã dứt lời thì anh Lê Ngọc Lâm - Xã Đội phó lại bảo người phụ nữ đó ra về. Hỏi ra, chị đó là Lê Thị Huyền - chị gái của anh Lâm - Xã Đội phó. Tôi hỏi Lâm, anh làm ở xã mà không xin chủ tịch “linh động” cho chị gái bị tật được suất quà cứu trợ à? Anh Lâm cười, rồi giọng nhỏ nhẹ “không được đâu anh. Tính ông Bích em hiểu, cứ phải công bằng hết. Thậm chí, nhà cán bộ thì phải chịu thiệt nhiều hơn”. Nghe vậy, tôi càng thấm thía hơn từ “công chính” mà một số bạn bè tôi là người Đạo thường hay nói.

Chờ lúc phát xong quà, tôi vội kéo ông Bích vào để hỏi về công việc cấp phát quà. Ông Bích giọng mộc mạc nói: “Chú coi chớ sau lụt đến giờ, mới về ăn cơm trưa được với vợ 2 bữa. Cứ phát quà cho dân xong rồi tranh thủ ăn bát mì tôm để tiếp tục công việc. Có hôm phát quà tại thôn Phố Thượng đã 13h30 mà chưa được ăn trưa. Trưởng thôn là anh Dương chạy đi mua cho hộp sữa mà đói quá, lả đi không nuốt nổi nữa”. Cũng từ sau mưa lũ, ông Bích chưa hôm nào ngủ trước 12h đêm, thứ 7, chủ nhật lại càng phải làm việc nhiều hơn ngày thường, bởi khi đó, có nhiều đoàn cứu trợ đến. Mấy hôm nay, dầm mưa rồi lại dang nắng, ông Bích đang phải uống thuốc cảm để tiếp tục làm việc.

Xã Gia Phố có 1.540 hộ dân với gần 6.200 nhân khẩu. Trong đó, 80% dân theo đạo Thiên Chúa. Ông Bích cũng là người “có Đạo”. Từng làm trưởng thôn 20 năm, rồi sang làm dân số, khuyến nông, rồi Phó Trưởng Công an xã, Phó Chủ tịch xã, mới lên Chủ tịch xã từ tháng 6 năm nay. Trong đội ngũ lãnh đạo xã, và trong cả nhân dân ai cũng kính trọng về một con người vì nước, vì dân như ông Bích. “Anh Bích là vị chủ tịch nhiệt huyết lắm, tuyệt vời lắm” - anh Hòa - Phó Chủ tịch xã Gia Phố nói ngắn gọn về cấp trên của mình.

Tôi chứng kiến việc tổ chức phát quà cứu trợ tại xã Gia Phố thấy rất bài bản, thận trọng. Những người nằm trong diện được nhận quà của một đoàn nào đó sẽ được lập danh sách và in cho một tấm phiếu nhỏ, ghi rõ họ tên chủ hộ, nhận quà của đơn vị cứu trợ nào. Sau đó, khi đoàn cứu trợ đến, cán bộ đọc tên, hộ dân nộp phiếu mới được nhận quà nên không xảy ra lộn xộn. Ông Phan Quốc Trị (58 tuổi, xóm 7, là gia đình công giáo) đến nhận quà, chia sẻ “gia đình tui hôm nay nữa là lần thứ 3 được nhận quà. Tui thấy việc điều phối phát quà của xã rất công bằng, hợp lý”. Chị Nguyễn Thị Bình (49 tuổi, xóm 2) tiếp lời “Ông Bích làm việc rất tuyệt vời, nhiệt tình, công bằng, không chê được điểm chi cả”.

Tôi đến nhà Chủ tịch Bích khi trời đã 12h trưa, nhưng lúc này ông Bích vẫn đang làm việc với đoàn cứu trợ ở xã, nên ông không về nhà được, mà thông cảm và dặn về đó có vợ tiếp chuyện. Vào nhà, thấy vợ ông Bích là bà Nguyễn Thị Tuyết (50 tuổi) đang hong giàn bánh tráng giữa trưa nắng. Rót nước rồi bà Tuyết kể, từ sau hôm lụt đến nay, chồng mới về ăn cơm trưa 2 lần. Cơm tối thì mấy bữa đầu vợ cứ ngồi chờ. Sau đó gọi điện hỏi thì chồng bảo từ nay cứ ăn trước không phải chờ. Nên cơm tối mấy hôm nay bà cũng ăn một mình. Các con của ông bà hiện đi làm ăn và lập gia đình ở xa. “Đêm mô tui cũng ngủ trước, không biết ông về mấy giờ nữa”, - bà Tuyết kể. Hôm nước lũ rút, chồng cũng theo việc xã hội, mặc kệ bà Tuyết lau dọn. Một mình không làm xuể, bà phải chạy đi nhờ hàng xóm lau dọn, bê đồ đạc giúp. Ngôi nhà gỗ của vợ chồng bà Tuyết nhỏ xíu, chật chội để ngổn ngang đồ sau lũ. Gian nhà xây cấp bốn thì đang làm dang dở. “Làm 7 tháng rồi mà chưa xong đó chú, hết tiền nên cứ chờ vay được mới làm tiếp. Vừa rồi đã vay 100 triệu mà còn thiếu đó.”- bà Tuyệt ngại ngùng kể.

TRẦN TUẤN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phong-su/chu-tich-xa-xuyen-lu-du-di-cuu-dan-603984.bld