Chủ tịch xã xử phạt vi phạm báo chí: Đừng hiểu sai, áp dụng không đúng!

Ông Ngô Huy Toàn, Trưởng phòng Thanh tra báo chí và Thông tin trên mạng giải thích về quy định 'chủ tịch xã phạt báo chí'.

Những nội dung về thẩm quyền xử phạt vi phạm trong hoạt động báo chí - xuất bản quy định trong Nghị định 119 không hề mới

Từ ngày 1/12/2020, Nghị định 119/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản có hiệu lực.

Nghị định đã quy định: Ngoài thanh tra chuyên ngành thông tin và truyền thông, các lực lượng như thanh tra ngoại giao, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan, quản lý thị trường, công an, chủ tịch UBND cấp xã, huyện, tỉnh... đều có thẩm quyền xử phạt hành chính đối với vi phạm trong hoạt động báo chí, xuất bản.

Theo đó, Chủ tịch UBND cấp xã có quyền phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 10 triệu đồng; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Và thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh cũng được mở rộng.

Trước thông tin cho rằng Nghị định 119 trao quá nhiều quyền cho các cơ quan chức năng khác, bất cứ đơn vị nào cũng có quyền xử phạt vi phạm báo chí, ông Ngô Huy Toàn, Trưởng phòng Thanh tra báo chí và Thông tin trên mạng (Bộ Thông tin và truyền thông) cho biết: "Đây là cách hiểu rất sai lầm".

Ông Toàn phân tích, thực tế việc quy định đơn vị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí – xuất bản không hề mới. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội đều đã được quy định chặt chẽ trong Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

"Nghị định 119/2020/NĐ-CP cũng phải áp dụng theo quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Theo đó, lĩnh vực báo chí – xuất bản không phải là ngoại lệ mà đều chịu sự điều chỉnh chung giống như các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục… Những vi phạm trong hoạt động báo chí – xuất bản bị phát hiện, các cấp có thẩm quyền xử phạt là bình thường", ông Toàn nói.

Ông Ngô Huy Toàn nêu ví dụ: Đối với lực lượng quản lý thị trường khi họ phát hiện một người có hành vi mua bán, phát hành những tờ báo, tạp chí đã bị thu hồi, họ hoàn toàn có quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này.

Một ví dụ khác là khi một nhà báo trong quá trình tác nghiệp tại địa phương, bị đối tượng khác hành hung, phá hoại phương tiện tác nghiệp thì UBND cấp xã, cấp huyện hoàn toàn có quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở báo chí tác nghiệp.

Đối với hành vi giả mạo báo chí cũng tương tự, khi phát hiện đối tượng giả mạo báo chí, tống tiền… lực lượng công an, chính quyền địa phương đều có quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí cơ quan công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

"Nếu một cơ quan, đơn vị nào đó cố tình xử phạt sai đối với báo chí thì cơ quan báo chí có quyền khiếu nại lại quyết định đó theo trình tự, thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng. Khi làm rõ quyết định đó là sai thì cơ quan, đơn vị ra quyết định sai đó phải chịu trách nhiệm", ông Toàn khẳng định.

Việt Hòa

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/chu-tich-xa-xu-phat-vi-pham-bao-chi-dung-hieu-sai-ap-dung-khong-dung-d487923.html