Chủ tịch xã đi cứu trợ vùng lũ bị nhiễm trùng tử vong: Cảnh báo bệnh nguy hiểm

Bác sĩ cảnh báo về bệnh nhiễm vi khuẩn ăn thịt người (bệnh whitmore) khiến Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình tử vong đã nhiễm phải khi đi ứng cứu người dân trong mưa lũ.

Vi khuẩn Whitmore.

Vi khuẩn Whitmore.

Vào khoảng giữa tháng 10/2020, ông Miên cùng các lực lượng về cơ sở tổ chức ứng phó với lũ lụt đã không may bị thương nhẹ ở đầu gối. Nhiều ngày sau đó ông vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ dầm mưa, lội nước cứu trợ người dân vùng lũ.

Ông Miên giúp dân trong mùa mưa lũ vừa qua. Ảnh: Quang Hà.

Tại Bệnh viện Trung ương Huế, bác sĩ chẩn đoán ông bị nhiễm một loại vi khuẩn từ nước lũ có tên là Burkholderia pseudomallei gây ra bệnh Melioidosis, hay bệnh Whitmore, thông qua tiếp xúc trực tiếp với đất và nước mặt bị ô nhiễm. Ông Miên bị nhiễm trùng rất nặng, phải thở máy, lọc máu liên tục nhưng vẫn không qua khỏi, ông qua đời vào ngày 11/11.

Cảnh báo về bệnh nguy hiểm này, TS Hoàng Công Tình – Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình có bài báo cáo về ca bệnh lâm sàng nhiễm bệnh Whitmore.

Theo BS. Hoàng Công Tính, BV ĐK Hòa Bình, bệnh Whitmore do trực khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei gây nên (chưa có vaccine dự phòng). Bệnh thường xảy ra vào mùa mưa, vi khuẩn này có trong đất và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc với đất nhiễm khuẩn hoặc bệnh nhân hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này.

Đối với những người có sẵn các bệnh lý mạn tính như: đái tháo đường, bệnh thận mạn tính, bệnh phổi mạn tính... dễ bị mắc Whitmore. Vi khuẩn này khi xâm nhập vào cơ thể có thể gây nhiễm khuẩn với các mức độ khác nhau: nhiễm khuẩn tại chỗ (khu trú), nhiễm khuẩn toàn thân (nhiễm khuẩn huyết), sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng.

“Vi khuẩn ăn thịt người” Whitmore sống rất lâu trong đất.

Các trường hợp tử vong thường do bệnh ở giai đoạn muộn, khi đã có tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng. Tuy nhiên, bệnh Whitmore hoàn toàn có thể phòng tránh và điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm, bằng các loại kháng sinh đặc hiệu.

Để phòng bệnh, BS. Tình khuyến cáo cần hạn chế tiếp xúc với đất hoặc bùn nước, đặc biệt là những nơi ô nhiễm. Cần đặc biệt trang bị đầy đủ giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên phải làm việc ngoài trời, tránh tiếp xúc trực tiếp với đất và nước nhiễm bẩn.

Người dân lưu ý, khi có vết thương hở trên da, vết loét hoặc bỏng, bệnh nhân cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có nguy cơ bị ô nhiễm và chứa vi khuẩn. Trường hợp bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.

Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, thăm khám để kịp thời xác định bệnh và điều trị tránh những biến chứng nguy hiểm đáng tiếc xảy ra.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/chu-tich-xa-di-cuu-tro-vung-lu-bi-nhiem-trung-tu-vong-canh-bao-benh-nguy-hiem-BT13CmTMg.html