Chủ tịch WEF kì vọng vào Việt Nam trong Cách mạng công nghiệp 4.0

Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab ngày 11/9 đã có những chia sẻ về con đường phát triển của Việt Nam trong cuộc CMCN 4.0.

Trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) về ASEAN, sáng 11/9 diễn ra cuộc họp báo phát hành phiên bản tiếng Việt của cuốn sách mang tên “Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư” của nhà sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Klaus Schwab.

Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab (bên phải) chia sẻ tại cuộc họp báo phát hành sách sáng ngày 11/9.

Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về những kỳ vọng đối với Việt Nam trong sự kiện này và sự chuẩn bị của Việt Nam cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ôngKlaus Schwab nhấn mạnh sự hợp tác tuyệt vời giữa WEF với Việt Nam và bày tỏ, “Hơn 1.000 khách mời tham gia là hội nghị lớn nhất mà chúng tôi từng có ở các quốc gia ASEAN. Điều này cho thấy sự tin tưởng, sự tự tin cũng như tiềm năng của Việt Nam, của khu vực ASEAN”.

Chia sẻ về kì vọng đối với sự chuẩn bị của Việt Nam cho cuộc Cách mạng 4.0, ông Klaus Schwab nói: Tôi kỳ vọng từ ASEAN và chính phủ Việt Nam. Tôi nghĩ để nhận thức được không chỉ sức mạnh mà các tiềm năng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và để tạo ra những điều kiện cần thiết để thành công trong cuộc cạnh tranh quốc tế để làm chủ được cách mạng 4.0 có nghĩa là tạo ra khí hậu mang tinh thần doanh nhân và hệ sinh thái doanh nhân.

Chúng ta cần thấy mối đe dọa của cuộc cách mạng 4.0, nhiều công việc hiện nay sẽ biến mất. Chúng ta không nên bi quan mà phải rất lạc quan, những công việc sẽ biến mất nhưng những công việc mới sẽ được tạo ra. Các chính phủ sẽ có các chính sách cần thiết để thúc đẩy, tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi sang kỷ nguyên mới. Đó là mong muốn của tôi để tác động đến tư duy, không chỉ là tư duy của chính phủ mà còn đối với mọi người. Đây đều là những thách thức lớn để chuẩn bị cho thời gian chuyển đổi, thay đổi, như cách chúng ta sản xuất, tiêu dùng, liên lạc và giải trí, theo ông Klaus Schwab.

Trước đề nghị cho biết nhận định rằng Việt Nam có tạo thể ra sự thần kỳ trong cuộc Cách mạng 4.0 hay không, ông Klaus Schwab chia sẻ, trong việc sử dụng thuật ngữ “sự thần kỳ”, tôi nghĩ cần phải có một quá trình lâu dài, rất nỗ lực để tạo ra cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta không tìm kiếm kết quả ngắn hạn mà chúng ta tìm kiếm một sự chuyển đổi, và sự chuyển đổi này cần có thời gian.

Việc giáo dục đào tạo cho thời kì 4.0 cũng cần phải thích ứng để đảm bảo giới trẻ cần được chuẩn bị với những công nghệ mới như mã lập trình, mã hóa hoặc những gì mà thanh niên cần học để chuẩn bị với kỷ nguyên mới. Không nên kỳ vọng bật công tắc mà đòi hỏi phải có chính sách định hướng dài hạn để có thể thành công trong cuộc cách mạng 4.0, Chủ tịch WEF nhấn mạnh.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/chu-tich-wef-ki-vong-vao-viet-nam-trong-cach-mang-cong-nghiep-40-363019.html