Chủ tịch VINPA Bùi Ngọc Bảo: Xây dựng cơ chế giá trần để quản lý thị trường xăng dầu

Phóng viên BNEWS/TTXVN đã phỏng vấn ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) về giải pháp để đảm bảo bình ổn thị trường xăng dầu trong nước.

Mặc dù thời điểm này nguồn cung xăng dầu trong nước không thiếu, nhưng nhiều đại lý bán lẻ xăng dầu lại đóng cửa hàng loạt, gây nhiễu loạn thị trường. Xung quanh vấn đề này, Phóng viên BNEWS/TTXVN đã phỏng vấn ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) về giải pháp để đảm bảo bình ổn thị trường xăng dầu trong nước.

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA). Ảnh: BNEWS/TTXVN

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA). Ảnh: BNEWS/TTXVN

BNEWS: Thưa ông, hiện có nhiều đại lý bán lẻ xăng dầu đóng cửa không bán hàng với lý do thù lao bán lẻ xăng dầu thấp hơn chi phí thực tế để hoạt động cây xăng suốt từ đầu năm đến nay. Vậy VINPA nhìn nhận vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Chủ tịch Bùi Ngọc Bảo: Tôi cho rằng đây là vấn đề giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp nên chính doanh nghiệp phải căn cứ theo các nội dung cụ thể trong hợp đồng đã ký kết giữa đầu mối xuất nhập khẩu hoặc thương nhân phân phối, tổng đại lý xăng dầu với đại lý bán lẻ để giải quyết. Còn cơ quan quản lý nhà nước nên để cho các doanh nghiệp tự giải quyết với nhau theo hợp đồng kinh tế, không nên can thiệp trong trường hợp này.

BNEWS: Thưa ông, nhiều đại lý bán lẻ xăng dầu đề xuất cơ quan quản lý cần đưa ra mức thù lao sàn, chi phí kinh doanh định mức với đại lý. Mức thù lao này có thể biến động trong một khoảng thời gian nào đó để các đại lý xăng dầu kinh doanh ổn định. Quan điểm của VINPA về đề xuất này như thế nào?

Chủ tịch Bùi Ngọc Bảo: Theo quy định hiện nay, có nhiều hình thức đảm bảo cho đại lý xăng dầu có thể hoạt động ổn định. Cụ thể, đại lý kinh doanh xăng dầu được thoải mái lựa chọn đối tác đầu mối xuất nhập khẩu, thương nhân phân phối hoặc tổng đại lý xăng dầu để làm đối tác cung cấp xăng dầu theo các điều khoản đàm phán cụ thể về hình thức hưởng thù lao kinh doanh, khối lượng xăng dầu cung cấp… Nếu đầu mối xuất nhập khẩu hoặc thương nhân phân phối, tổng đại lý xăng dầu vi phạm các cam kết hợp đồng như vậy thì các đại lý bán lẻ xăng dầu mới có căn cứ yêu cầu cơ quan chức năng xử lý.

Thực tế, các đại lý hiện nay thường chọn hình thức giá xăng dầu thả nổi khi ký hợp đồng với đầu mối xuất nhập khẩu, thương nhân phân phối hoặc tổng đại lý xăng dầu. Vì vậy, có thời điểm các đại lý có thể được hưởng thù lao hơn 1.000 đồng/lít, có thời điểm sẽ chẳng được hưởng đồng nào. Đây hoàn toàn là vấn đề thỏa thuận giữa các doanh nghiệp, còn nhà nước không can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

BNEWS: Một số đại lý bán xăng dầu đề xuất Bộ Công Thương cho phép đại lý được mở rộng quyền mua từ 2 nhà cung cấp thay vì quy định chỉ được mua từ một nguồn như hiện nay. Liệu đây có phải là đề xuất hợp lý với đặc thù thị trường Việt Nam hiện nay, thưa ông?

Chủ tịch Bùi Ngọc Bảo

: Tôi cho rằng đề xuất này là không hợp lý bởi như vậy khi giá xăng dầu biến động khó lường, chính đại lý bán lẻ xăng dầu sẽ không được đảm bảo nguồn cung vì không có sự ràng buộc trách nhiệm chặt chẽ với nhà cung cấp. Theo tôi, quy định một đại lý xăng dầu chỉ được ký hợp đồng kinh tế với một nhà cung cấp là hợp lý, nhưng quan trọng nhất là đại lý cần lựa chọn nhà cung cấp và hình thức đại lý như thế nào để đảm bảo hiệu quả hoạt động kinh doanh.

BNEWS: Cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp gì để đảm bảo bình ổn thị trường xăng dầu trong bối cảnh giá xăng dầu biến động khó lường như hiện nay, thưa ông?

Chủ tịch Bùi Ngọc Bảo: Giải pháp quan trọng nhất là thị trường hóa xăng dầu; trong đó, cơ quan quản lý nhà nước đưa ra mức giá trần giống như nhiều nước trên thế giới đang thực hiện.

Theo ghi nhận của VINPA, nguồn cung xăng dầu trong nước hiện nay vẫn đảm bảo do cả hai nhà máy lọc dầu là Dung Quất và Nghi Sơn vẫn hoạt động ổn định với dự kiến sản xuất 3,9 triệu m3 xăng dầu trong quý III này (chiếm 72% tổng nhu cầu) và sẽ tăng lên 4,4 triệu m3 xăng dầu trong quý IV. Về nhập khẩu xăng dầu hiện cũng không có khó khăn gì, tất cả chỉ là vấn đề giá cả.

Vì vậy, nếu các đại lý xăng dầu đóng cửa với lý do không chính đáng, cơ quan quản lý nhà nước có quyền kiểm tra, phạt hành chính, thậm chí rút giấy phép kinh doanh xăng dầu theo đúng quy định.

BNEWS: Nhiều đại lý bán lẻ xăng dầu đề xuất Liên Bộ Công Thương – Tài chính cần giữ đúng mốc điều chỉnh giá xăng dầu là ngày 1/9 tới đây thay vì mốc 5/9 như dự kiến để giảm khó khăn cho các thương nhân xăng dầu trong bối cảnh hiện nay. Quan điểm của VINPA ra sao đối với đề xuất này?

Chủ tịch Bùi Ngọc Bảo:

Trong văn bản kiến nghị gửi Bộ Công Thương ngày 29/8, Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho rằng: Nếu để kéo dài việc điều chỉnh giá tới ngày 5/9 thay vì vào ngày 1/9 như quy định sẽ khiến cho giá bán lẻ xăng dầu trong nước có độ trễ, không phản ánh đúng xu hướng tăng của giá xăng dầu thế giới, gây khó khăn cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu trong việc đảm bảo nguồn, đặc biệt tạo ra tâm lý găm hàng, đầu cơ gây bất ổn cho thị trường.

Trong những ngày gần đây, giá xăng dầu thành phẩm thế giới tiếp tục có chiều hướng tăng, nhất là những mặt hàng dầu diesel (tính đến ngày 25/8 đã tăng 16,6% so với kỳ điều hành ngày 22/8).

Vì vậy, VINPA đề nghị vẫn cho điều hành giá xăng dầu vào đúng kỳ điều hành 1/9 để vừa giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, vừa tạo thuận lợi cho các đơn vị này tạo nguồn nhằm phục vụ tốt nhu cầu tiêu thụ trong 4 ngày nghỉ Lễ.

BNEWS: Xin cảm ơn ông!

Anh Nguyễn (thực hiện)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chu-tich-vinpa-bui-ngoc-bao-xay-dung-co-che-gia-tran-de-quan-ly-thi-truong-xang-dau/256627.html