Chủ tịch VCOSA lên tiếng về vụ việc tại FTM

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Ban chấp hành Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA) mới đây đã có công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) xác nhận những khó khăn trong kinh doanh của Công ty cổ phần Ðầu tư và Phát triển Ðức Quân (Fortex, mã chứng khoán FTM).

Ông Tuấn cho biết, ngày 6/9/2019, VCOSA nhận được công văn của FTM và trước đó, ngày 5/9/2019 nhận được bản sao công văn FTM gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an cùng UBCK kiến nghị xác minh, xử lý một số nội dung thông tin về FTM trên thị trường chứng khoán.

Theo ông Tuấn, thị trường Trung Quốc tiêu thụ đến 90% sản lượng sợi cotton của Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài.

Hiện toàn ngành kéo sợi có 9,7 triệu cọc với tổng sản lượng đạt 1,85 triệu tấn/năm, nhưng do khả năng hấp thụ thấp của ngành dệt trong nước, nên 2/3 lượng sợi làm ra phải xuất khẩu, trong đó có 0,8 triệu tấn là sợi cotton.

Nhiều năm qua, Trung Quốc là thị trường ổn định của sợi cotton với lượng nhập 2 triệu tấn/năm và chỉ có 3 nhà cung cấp chính là Ấn Ðộ, Pakistan, Việt Nam.

Sợi của Việt Nam có ưu thế hơn nên giành được 40% thị phần, điều này phần nào lý giải cho sự phát triển của một số doanh nghiệp sợi Việt Nam, trong đó có FTM.

Ngày 23/9/2019, UBCK đã vào làm việc tại FTM và công bố quyết định thanh tra doanh nghiệp này.

“Tuy nhiên, chiến tranh thương mại Trung - Mỹ đã làm thay đổi mọi thứ. Ngược với ngành may (vốn được xem là hưởng lợi từ chiến tranh thương mại, vì sản phẩm chủ yếu được xuất sang Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Canada, Úc), ngành kéo sợi của Việt Nam lại trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử phát triển của ngành.

Chiến tranh thương mại khiến xuất khẩu hàng may mặc của Trung Quốc vào Mỹ (chiếm 45% tổng nhập khẩu của Mỹ) giảm đáng kể, kéo theo nhu cầu mua sợi cotton của Trung Quốc giảm;

Chiến tranh thương mại khiến đồng Nhân dân tệ mất giá, tác động xấu lên giá bán sợi cotton của Việt Nam; đồng Rupee của Ấn Ðộ đột ngột mất giá 12%, cho phép các nhà bán sợi Ấn Ðộ giảm giá bán bình quân cho 1 kg sợi từ 3,5 USD xuống còn 2,8 USD.

Theo tính toán sơ bộ, kể từ khi thương chiến Mỹ - Trung xảy ra, ngành kéo sợi Việt Nam mất khoảng 400 triệu USD do bị giảm giá. Mức thiệt hại của FTM (6 tháng đầu năm 2019 lỗ 31 tỷ đồng) là dễ hiểu”, công văn của VCOSA viết.

Liên quan đến việc cổ phiếu FTM bị bán mạnh trên thị trường chứng khoán, Chủ tịch VCOSA cho rằng, việc các nhà đầu tư ồ ạt bán ra do lo ngại doanh nghiệp thua lỗ hoặc không đạt được lợi nhuận kỳ vọng là có thể hiểu được.

Những thông tin không có sự thấu hiểu về ngành, về doanh nghiệp, không có sự cảm thông, chia sẻ là đáng trách. Các thông tin sai lệch cần được loại bỏ, cơ quan hữu quan cần xác minh, xử lý những sai phạm.

Phía sau việc mã FTM bị bán tháo là nghi vấn cổ phiếu FTM bị làm giá, để nhóm cổ đông lớn vay tiền công ty chứng khoán và rút ra khỏi tài khoản

Trước đó, trong công văn giải trình về tình hình sản xuất - kinh doanh và thị trường chứng khoán của FTM gửi tới VCOSA, ông Ðỗ Văn Sinh, Tổng giám đốc FTM cho biết, kể từ thời điểm cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn ra (quý III/2018), ngành sản xuất sợi nói chung và FTM nói riêng đã bị tác động mạnh theo hướng rất tiêu cực.

Với sự cố gắng từ nội bộ, năm 2018, FTM vẫn cán đích kế hoạch lợi nhuận, nhưng sang năm 2019 thì không thể.

Theo ông Sinh, căng thẳng thương mại giữa 2 quốc gia lớn nhất và nhì thế giới đã làm giá sợi thành phẩm giảm mạnh, trong khi giá bông nguyên liệu giảm không đáng kể, dẫn tới việc FTM ghi nhận lỗ 31 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2019.

FTM đã báo cáo VCOSA rằng, kết quả kinh doanh thua lỗ, cộng với tâm lý nhà đầu tư bi quan và một số thông tin về nghi vẫn thao túng giá cổ phiếu tác động, khiến giá cổ phiếu lao dốc, Công ty rơi vào khó khăn chồng chất, đặc biệt là uy tín và điểm tín dụng giao dịch ngân hàng trong việc huy động vốn để duy trì sản xuất - kinh doanh. FTM cho biết, Công ty có gần 1.000 người lao động đang làm việc.

Câu chuyên tại FTM bắt đầu được dư luận quan tâm đặc biệt khi cổ phiếu của Công ty bị các công ty chứng khoán bán giải chấp liên tục trên sàn.

Phía sau câu chuyện này là nghi vấn cổ phiếu FTM bị làm giá, tạo thanh khoản để tạo thuận lợi cho một số nhân sự mang danh cổ đông nắm 60% vốn tại FTM vay tiền công ty chứng khoán và rút ra khỏi tài khoản.

Ðược biết, có hơn 10 công ty chứng khoán liên quan đến dòng tiền vay margin của FTM và tổng số tiền cho vay margin vào khoảng 200 tỷ đồng.

Báo Ðầu tư Chứng khoán sẽ tiếp tục thông tin khi có diễn biến mới.

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/doanh-nghiep/chu-tich-vcosa-len-tieng-ve-vu-viec-tai-ftm-280168.html