Chủ tịch VCCI: Cần thúc đẩy quan hệ đối tác công - tư

Theo ông Vũ Tiến Lộc, thúc đẩy quan hệ đối tác công - tư không chỉ trong phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội mà còn yểm trợ phát triển một số ngành công nghiệp quan trọng do các doanh nghiệp đầu tàu dẫn dắt.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc

Phát biểu mở đầu phiên Hiến kế của các khu vực kinh tế tư nhân tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 tổ chức ngày 2/5, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đã kiến nghị các vấn đề lớn bao gồm: Tiếp tục khẳng định vai trò động lực của khu vực kinh tế tư nhân, xác định trọng tâm chiến lược phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần nỗ lực đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng như triển khai đồng bộ các chính sách giải pháp thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp quy mô lớn, các tập đoàn kinh tế tư nhân, các tập đoàn kinh tế hỗn hợp.

Thúc đẩy quan hệ đối tác công - tư không chỉ trong phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội mà còn yểm trợ phát triển một số ngành công nghiệp quan trọng do các doanh nghiệp đầu tàu khu vực tư nhân dẫn dắt.

Đồng quan điểm, Bà Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietjet Air cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải cần ưu tiên tập trung xây dựng quy hoạch phát triển hạ tầng sân bay, nhà ga, tạo điều kiện cho các tập đoàn kinh tế tư nhân có tiềm lực được tham gia, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng sân bay. Doanh nghiệp tư nhân đầu tư nhiều dự án không đặt mục tiêu hiệu quả kinh tế.

Ngoài ra, bà Hà cũng bày tỏ mong muốn doanh nghiệp tư nhân được sự đối xử bình đẳng, công bằng, không để hình ảnh doanh nghiệp tư nhân bị bóp méo ảnh hưởng tới tinh thần khởi nghiệp của toàn xã hội, ý chí của những doanh nghiệp tiên phong.

Chọn lọc doanh nghiệp FDI

Người đứng đầu VCCI cũng kiến nghị rằng, cần sửa đổi luật doanh nghiệp với hai nội dung căn bản: Đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính, giảm bớt chi phí tuân thủ đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ đồng thời xác lập khung khổ pháp lý cho khu vực hộ kinh doanh cá thể có đăng ký, nâng cao năng lực, chất lượng doanh nghiệp.

Đặc biệt là thu hút chọn lọc các doanh nghiệp FDI, để vừa tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, vừa tạo dư địa cho phát triển kinh tế tư nhân.

Giám đốc khu vực cấp cao IFC Việt Nam, Campuchia và Lào - Kyle Kelhofer

Chuyên gia kinh tế, Kyle Kelhofer, Giám đốc khu vực cấp cao IFC Việt Nam, Campuchia và Lào cũng nhận định rằng, cho đến nay, Việt Nam chủ yếu tập trung vào sản xuất và lắp ráp linh kiện trung cấp. Điều này là hoàn toàn tốt, nhưng để đạt được giá trị trị thực sự và đầy đủ thì Việt Nam cần đầu tư vào các hoạt động tiền sản xuất như đầu tư vào khâu thiết kế, và thậm chí là cần đầu tư vào các hoạt động R&D cũng như các hoạt động sau sản xuất bao gồm cả dịch vụ và tiếp thị kỹ thuật số.

Chính phủ cần tập trung xây dựng một chiến lược FDI cập nhật hơn, bao gồm cả tăng cường chuỗi cung ứng. Cụ thể là. chủ động hướng tới mục tiêu khuyến khích, ưu đãi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư; chiến lược toàn diện để thu hút và phát triển doanh nghiệp dựa trên lợi thế cạnh tranh lâu dài; ưu đãi dựa trên hiệu suất và thậm chí nhắm mục tiêu cho doanh nghiệp; quản trị nền hành chính công, tạo chuyển đổi trong Chính phủ.

HẠ AN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/chu-tich-vcci-can-thuc-day-quan-he-doi-tac-cong-tu-3504799.html