Chủ tịch UBND TP Yên Bái đột tử: Bị nhồi máu cơ tim xử lý thế nào?

Ông Hoàng Xuân Đán, Chủ tịch UBND Thành phố Yên Bái vừa đột tử do nhồi máu cơ tim. Căn bệnh này nguy hiểm thế nào, các dấu hiệu bệnh và cách xử trí ra sao?

Theo thông tin từ TTXVN, ông Nguyễn Hoàng Hà, Chánh Văn phòng Cấp ủy và Chính quyền TP Yên Bái (tỉnh Yên Bái) cho biết Chủ tịch UBND TP Yên Bái Hoàng Xuân Đán đã tử vong vào hồi 13 giờ ngày 15/8, nguyên nhân là do nhồi máu cơ tim dẫn tới đột quỵ.

Thực tế hiện nay tỷ lệ người bị nhồi máu cơ tim có xu hướng tăng cao, và ngày càng trẻ hóa. Đặc biệt ở người trẻ tuổi, tỷ lệ nhồi máu cơ tim ở nam cao gấp 3 lần so với nữ giới.

Nhồi máu cơ tim là hiện tượng một cục huyết khối đột ngột làm tắc động mạch vành (mạch máu nuôi xung quanh quả tim). Nguyên nhân thường gặp của nhồi máu cơ tim là do mảng xơ vữa bong tróc dẫn đến hình thành cục máu đông gây chít hẹp động mạch vành. Hiện tượng này làm cho máu không chảy đến nuôi được phần cơ tim và làm làm cơ tim không được cung cấp máu gây tổn thương, hoại tử cơ tim, hoặc một phần cơ tim bị chết đi. Tắc những mạch máu lớn có thể làm cho quả tim của bạn ngừng đập hoặc nó có thể gây ra một rối loạn nhịp chết người.

Điều đáng ngại là nhiều người chỉ có những cơn đau ngực rất nhẹ hoặc cảm thấy khó chịu ở dưới xương ức. Các dấu hiệu này có thể thoáng qua rồi lại bình thường ngay. Thậm chí, những người nhồi máu cơ tim có thể không nhận thấy triệu chứng này cho đến khi có những triệu chứng đau khác xảy ra.

Theo các nghiên cứu đã chứng minh được rằng, 95% người bị nhồi máu cơ tim đều cảm thấy một vài dấu hiệu bất ổn trước đó vài tháng.

Các dấu hiệu này bao gồm:

Mệt mỏi một cách bất thường

Đau quai hàm: Cảm giác khó chịu hoặc đau ở xương hàm. Bạn có thể thấy đau tức ở bên trong và xung quanh hàm trên/dưới, hoặc đau ở cả 2 bên hàm. Cơn đau này có thể xuất phát từ ngực lên đến quai hàm của bạn.

Bồn chồn, lo lắng một cách vô cớ. Càng gần đến cơn nhồi máu tim, tình trạng lo âu, hồi hộp càng tăng lên, khiến người bệnh trở nên sợ hãi.

Cảm giác khó chịu hoặc đau ở cổ, nghẹt thở hoặc nóng trong cổ họng. Sự khó chịu này có thể lan từ ngực lên vai rồi sang cổ. Ngoài ra, cảm giác đau và nhức bên trong hoặc xung quanh một hoặc cả hai bên vai.

Người bệnh cũng có thể cảm thấy đau lưng, âm ỉ ở phần giữa xương bả vai và cơn đau thường kéo từ trước ngực ra phía sau lưng; đau cánh tay, kèm theo cảm giác tê, ngứa ran và gây khó cử động tay; đau ngực, nặng ngực, cảm giác đau hoặc khó chịu ngay giữa ngực, trước vùng tim, có thể đau thắt ngực dữ dội hoặc chỉ nặng ngực, khó chịu hay nóng rát ở ngực. Khó thở, hụt hơi, chân tay rã rời.

Đầy trướng bụng, khó tiêu, buồn nôn, nôn ói hoặc ợ nóng, buồn đi cầu

Hoa mắt, toát mồ hôi lạnh

Cách xử trí ban đầu khi gặp nhồi máu cơ tim

Thông thường trong trường hợp bệnh nhân còn tỉnh táo, khi nhận được cuộc gọi cấp cứu, nhân viên điều phối cấp cứu bệnh viện sẽ hướng dẫn bạn cho người bệnh uống hoặc nhai ngay thuốc Aspirin 320mg (4 viên Aspirin 81mg) nếu có sẵn, trừ trường hợp gần đây hoặc đang có biểu hiện chảy máu đường tiêu hóa hoặc người bệnh dị ứng với thuốc Aspirin. Aspirin sẽ ngăn chặn sự hình thành cũng như ngăn chặn sự phát triển của cục máu đông gây tắc động mạch vành trong tim.

Ngược lại, khi người bị nhồi máu cơ tim bất tỉnh, bạn cần thực hiện kiểm tra theo các bước sau:

Quỳ gối ngang ngực bệnh nhân, bộc lộ áo ngoài của bệnh nhân.

1 tay đặt lên trán, 1 tay nâng cằm, khai thông đường thở, loại bỏ dị vật nếu có.

Bắt động mạch cảnh cùng bên trong 5 – 10 giây, tai áp vào miệng bệnh nhân nghe hơi thở, mắt nhìn ngực kiểm tra có nhấp nhô theo nhịp thở không.

Gọi cấp cứu để được hỗ trợ kịp thời

Nếu bệnh nhân không có mạch - tiến hành ép tim ngay, thực hiện liên tục cho đến khi đội cấp cứu y tế đến.

Khi bệnh nhân được đưa vào bệnh viện, sẽ được đưa vào phòng can thiệp mạch vành để tái thông động mạch vành bằng cách bơm bóng, lấy huyết khối và đặt stent. Stent là một khung kim loại dạng lưới để nong mạch vành tại vị trí bị hẹp tắc, làm cho dòng máu được tái lưu thông.

Các biện pháp để dự phòng nhồi máu cơ tim

Để dự phòng tránh xảy ra biến cố nhồi máu cơ tim, chúng ta cần phải điều chỉnh các yếu tố nguy cơ nếu có thể như: Tuổi tác; béo phì, thừa cân; lười vận động; hút thuốc lá; stress; và các bệnh lý nội khoa kèm theo như tiểu đường, tăng huyết áp, mỡ máu, bệnh lý mạch vành.

An Lê (TH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoe-dep/chu-tich-ubnd-tp-yen-bai-dot-tu-bi-nhoi-mau-co-tim-xu-ly-the-nao-1422969.html