Chủ tịch UBND TP.HCM thăm bệnh nhân 91

Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết khả năng sống của bệnh nhân 91 đang ở mức cao và có thể hy vọng vào việc phi công người Anh quay trở lại cuộc sống bình thường.

Chủ tịch TP.HCM thăm bệnh nhân phi công người Anh Đến thăm BN91, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong bày tỏ sự cảm phục trước đội ngũ y bác sĩ trong cuộc chiến chống Covid-19.

Chiều 17/6, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, tới thăm bệnh nhân 91 nhiễm Covid-19 đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Sáu chữ "trân trọng bằng cả tấm lòng" được người đứng đầu chính quyền TP.HCM nhắc lại nhiều lần dành cho những nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ để giành lại hy vọng cho bệnh nhân mắc Covid-19 phải điều trị lâu nhất cả nước.

"Với tư cách lãnh đạo chính quyền thành phố, bằng cả tấm lòng, tôi xin bày tỏ sự cảm phục đối với đội ngũ y bác sĩ cả nước nói chung và đội ngũ y bác sĩ trên địa bàn TP.HCM thời gian qua. Mỗi người đều là một chiến sĩ tiêu biểu trên mặt trận phòng, chống đại dịch Covid-19", ông Nguyễn Thành Phong bày tỏ.

Sự kỳ diệu của y học

"Trong khoảng thời gian tình trạng của bệnh nhân 91 diễn biến xấu, ngay cả những bác sĩ, y tá lạc quan nhất cũng không dám hy vọng vào kết quả như hôm nay. Đó là sự kỳ diệu của y học, của cả quá trình điều trị", Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh nhận định.

 Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tới thăm bệnh nhân số 91. Ảnh: BV Chợ Rẫy.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tới thăm bệnh nhân số 91. Ảnh: BV Chợ Rẫy.

Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết khi bệnh nhân 91 chuyển từ Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM sang bệnh viện Chợ Rẫy, tình trạng của bệnh nhân chuyển nặng, 4 bác sĩ của khoa hồi sức cấp cứu phải túc trực toàn thời gian để ứng trực khi có sự cố phát sinh.

Tại thời điểm trên, bệnh nhân 91 phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở, ECMO, cùng hệ thống lọc máu. Bệnh nhân có dấu hiệu suy hô hấp tăng dần, diễn tiến ngày càng xấu dù mới 43 tuổi và không bệnh nền. Phổi đông đặc, mẫu bệnh phẩm nhiều lần âm tính rồi dương tính trở lại.

Trong suốt quá trình điều trị, nhiều nhóm chuyên môn gồm các y, bác sĩ đầu ngành, trưởng khoa các bệnh viện từ Trung ương đến địa phương, được thành lập và hội chẩn. Các bác sĩ đầu ngành cả nước đã tìm mọi nguồn lực, phương án tốt nhất để giúp bệnh nhân nâng cao chỉ số sinh tồn.

Tới hiện tại, bệnh nhân đã có thể tự thở với liều lượng oxy hỗ trợ giảm dần còn 1,5 l/phút (những ngày trước đó 3 l/phút, sau đó giảm xuống 2 l/phút). Nam phi công người Anh cũng tỉnh táo, giao tiếp tốt và bày tỏ cảm xúc với đội ngũ y, bác sĩ chăm sóc.

"Mấu chốt của thành công kỳ diệu này là do trí tuệ của các chuyên gia ngành y cả nước đã được tập trung cho ca bệnh. Những buổi hội chẩn cấp quốc gia của tiểu ban điều trị được thực hiện liên tục, đội ngũ y, bác sĩ tại chỗ đã giành hết kinh nghiệm, chuyên môn để giúp bệnh nhân hồi phục", ông Nguyễn Tri Thức chia sẻ.

Tại thời điểm Chủ tịch UBND TP.HCM tới thăm chiều 17/6, nam phi công người Anh đã tỉnh táo, có thể nói chuyện, giao tiếp. Bệnh nhân cũng có thể bắt tay, nói lời cảm ơn khi nhận quà tặng từ lãnh đạo UBND TP.HCM.

Cuộc vận chuyển ngoạn mục

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh nhận định công đoạn vận chuyển bệnh nhân người Anh từ Bệnh viện Nhiệt đới sang Bệnh viện Chợ Rẫy là một trong những thời điểm khó khăn, quan trọng nhất trong quá trình điều trị.

"Đó là một cuộc di chuyển ngoạn mục, thành công. Với tất cả máy móc kèm theo, chỉ cần một sơ suất nhỏ, hậu quả sẽ khó lường", ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho hay.

Bệnh nhân 91 được chuyển từ Bệnh viện Nhiệt đới sang Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: B. Huệ.

Chia sẻ với Zing về lần di chuyển bệnh nhân, ông Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết công đoạn di chuyển đã được chuẩn bị kỹ lưỡng từ 2 phía bệnh viện với sự chuyên nghiệp cao nhất. Đội ngũ vận chuyển của Bệnh viện Chợ Rẫy được điều động sang hỗ trợ phía đầu Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM.

"Lúc đó, nam phi công người Anh hôn mê sâu, số lượng dây dẫn, truyền dịch, máy móc kèm theo là rất lớn. Chỉ cần một bước trục trặc nguy cơ tử vong của bệnh nhân là cực cao", ông Nguyễn Tri Thức cho hay.

Trên quãng đường di chuyển, xe đưa bệnh nhân 91 được sự giúp sức của lực lượng CSGT cùng lực lượng an ninh. Tại 2 cổng bệnh viện, cơ quan chức năng cũng bố trí người để đảm bảo thông thoáng, tạo điều kiện tốt nhất rút ngắn thời gian, quãng đường di chuyển.

"Ngay khi vận chuyển tới Bệnh viện Chợ Rẫy an toàn, đội chuyên gia đặc biệt đã trực sẵn để hội chẩn và bắt tay điều trị xuyên suốt từ đêm 22/5 đến nay", Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy nói với Zing.

Ông Nguyễn Tri Thức cho biết thêm đến hôm nay, bệnh nhân 91 đã tỉnh táo hoàn toàn, ngưng thở máy và có thể ăn uống bình thường. Thời gian tới, bệnh nhân sẽ được chuyển từ giai đoạn điều trị sang điều dưỡng.

Cụ thể, bệnh nhân sẽ được tập trung hồi phục các cơ, chức năng vận động và chế độ dinh dưỡng để tránh những vết loét do nằm lâu. Quan trọng nhất, đội ngũ y, bác sĩ sẽ làm mọi cách để bệnh nhân ổn định tinh thần sau quãng thời gian nằm viện rất dài.

"Chúng ta có thể hy vọng bệnh nhân có thể trở lại cuộc sống bình thường. Hiện tại, có thể nói khả năng sống sót là rất cao, đó là điều tối quan trọng", ông Nguyễn Tri Thức nhận định.

Quang Huy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chu-tich-ubnd-tphcm-tham-benh-nhan-91-post1096874.html