Những ai sai phạm liên quan dự án Thủ Thiêm sẽ bị xử lý đích đáng

'Chúng tôi xác định rất rõ giải quyết vấn đề Thủ Thiêm trên cơ sở lợi ích của người dân Thủ Thiêm. Những cá nhân sai phạm liên quan dự án sẽ bị xử lý đích đáng', Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói.

Người dân Thủ Thiêm trao đổi với ông Nguyễn Hồng Điệp sau buổi tiếp xúc - Ảnh: ẢNH: Độc Lập

07:21

Nguyễn Độc Lập

Nhiều người dân đến sớm

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, ngay từ sáng sớm, nhiều người dân Thủ Thiêm đã tập trung về Trung tâm bồi dưỡng chính trị (Q.2, TP.HCM) để trực tiếp hoặc dự khán buổi tiếp xúc giữa ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM với đại diện các hộ dân Thủ Thiêm.

Đường vào Trung tâm bồi dưỡng chính trị Q.2, nơi diễn ra buổi tiếp xúc giữa lãnh đạo TP.HCM với người dân Thủ Thiêm - Ảnh: Độc Lập

Bên ngoài hội trường, nơi diễn ra buổi tiếp xúc giữa người dân Thủ Thiêm với Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, được lắp đặt màn hình để người dân không vào được hội trường có thể theo dõi - Ảnh: Độc Lập

Người dân trình giấy mời cho lực lượng bảo vệ để vào hội trường - Ảnh: Độc Lập

07:47

Trung Hiếu

An ninh chặt chẽ

Tình hình an ninh tại nơi Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong gặp người dân Thủ Thiêm được kiểm soát rất chặt chẽ.

Ban tổ chức lập ba chốt kiểm soát: Một chốt lập từ bên ngoài khuôn viên trường Chính trị Q.2. Chỉ những ai có giấy mời hay phóng viên có thẻ nhà báo mới được vào.

Ngay tại cổng trường Chính trị Q.2, lại thêm một chốt kiểm tra nữa và những người muốn vào phải trình thêm giấy tờ.

Một cổng kiểm soát cuối cùng được đặt ở cầu thang lên lầu nơi diễn ra cuộc gặp gỡ. Chỉ những người trực tiếp liên quan, được mời mới được lên còn người dân không có thư mời ngồi theo dõi qua các màn hình được lắp đặt phía dưới.

07:58

Trung Hiếu

Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban tiếp dân TƯ gặp gỡ người dân

Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban tiếp dân TƯ tới nơi gặp gỡ người dân. Khi thấy ông, người dân vây quanh để đề đạt nguyện vọng của mình.

Ông Nguyễn Hồng Điệp gặp gỡ người dân - Ảnh: Độc Lập

08:00

Độc Lập

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM đã có mặt tại Hội trường - Trung tâm Chính trị Q.2 sẵn sàng cho buổi tiếp xúc với đại diện các hộ dân Thủ Thiêm.

Ông Nguyễn Thành Phong đến hội trường, nơi tiếp xúc với đại diện các hộ dân Thủ Thiêm - Ảnh: Độc Lập

08:04

Đình Phú

"Nếu bảo lưu chính sách cũ thì vấn đề Thủ Thiêm khó giải quyết"

Trong số hàng trăm người dân các P.An Lợi Đông, An Khánh và Thủ Thiêm đến dự buổi tiếp dân của Chủ tịch UBND TP.HCM, có ông Phạm Xuân Tâm ở phường An Lợi Đông.

Ông Tâm năm nay 72 tuổi, là thương binh, 40 năm tuổi đảng. Ông Tâm cho hay nhà ông tạo lập ở P.An Lợi Đông vào năm 1998, nhưng khi triển khai quy hoạch Thủ Thiêm, thuộc diện giải tỏa. Ông nhận tiền hỗ trợ, giải tỏa được 780 triệu đồng, và đã di dời. Ông tự lo chỗ ở và hiện ở với con tại Q.Bình Tân.

Người dân Thủ Thiêm đang đọc lại những bài báo viết về vấn đề này - Ảnh: Ngọc Dương

Khi hay tin TP xem xét có chính sách giải quyết về bồi thường, giải tỏa, ông Tâm cho hay ông đến dự tiếp dân để theo dõi tình hình. Ông cho rằng "nếu bảo lưu chính sách cũ thì vấn đề Thủ Thiêm khó giải quyết".

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, rất nhiều trường hợp khác cũng mang tâm trạng như ông Tâm. Đa phần ý kiến đều mong muốn mọi chuyện giải quyết tốt đẹp, để có thể khép lại tình trạng khiếu nại kéo dài, vượt cấp.

Một cán bộ UBND Q.2 cho biết hiện có hơn 4.000 đơn kiến nghị của người dân Thủ Thiêm, chủ yếu về giải tỏa, đền bù..., sau khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận số 1483 vào ngày 7.9 vừa qua.

08:10

Trung Hiếu

Buổi tiếp dân bắt đầu. Ngoài người chủ trì là ông Nguyễn Thành Phong và ông Nguyễn Hồng Điệp cùng với sở ban ngành, buổi tiếp dân có sự tham gia của 50 hộ dân liên quan.

08:20

Trung Hiếu

Đầu buổi tiếp dân, ông Nguyễn Long Tuyền, Chánh thanh tra TP.HCM, trình bày kết luận của Thanh tra Chính phủ đã công bố và hướng giải quyết của UBND TP.HCM.

Khi ông Nguyễn Long Tuyền đang phát biểu, một số người dân tại hội trường tỏ ý bức xúc khiến cuộc tiếp xúc bị gián đoạn. Ông Nguyễn Thành Phong phải lên tiếng, nhấn mạnh nếu người nào không chấp hành nội quy của buổi tiếp xúc sẽ bị mời ra ngoài.

Người dân làm gián đoạn phần phát biểu của ông Nguyễn Long Tuyền và ông Nguyễn Thành Phong sau đó đã phải lên tiếng yêu cầu đảm bảo nội quy buổi tiếp xúc - Ảnh: Độc Lập chụp qua màn hình

08:37

Trung Hiếu

'TP.HCM trân trọng ý kiến của cô bác'

Ông Nguyễn Thành Phong cho hay việc tiếp xúc để nghe người dân phản ánh và xin ý kiến người dân về chính sách đền bù, tái định cư. Ông Phong khẳng định sẵn sàng nghe người dân phản ánh.

“Thành phố rất trân trọng ý kiến của cô bác chứ không chỉ đến để nói mà không cho cô bác phát biểu”, ông Phong nói.

Liên quan đến diện tích 160 ha tái định cư, ông Phong cho hay đã thành lập tổ công tác để giải quyết và có hướng xử lý.

Tiếp theo ông Phong đề nghị Chủ tịch UBND Q.2 trình bày 10 nội dung về hướng xử lý của TP đã được nêu trong cuộc tiếp dân trước đó.

08:59

Ngọc Lê

'Lời xin lỗi của chính quyền, bà con khó chấp nhận'

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, ông Hoàng Thăng Long (người dân tại khu phố 5, P.An Khánh) cho rằng chính việc "chần chừ né tránh" của cơ quan chức năng suốt thời gian dài đã khiến người dân bức xúc.

Ông Hoàng Thăng Long đề nghị Thủ tướng lập đoàn Thanh tra liên ngành để tiếp tục làm rõ vấn đề Thủ Thiêm - Ảnh chụp qua màn hình

Ông Long cũng cho rằng kết luận thanh tra gần đây "không phải kết luận thanh tra mà là kết quả kiểm tra nội bộ". Theo ông Long, kết luận này không làm rõ được nội dung khiếu nại, tố cáo của người dân thời gian qua.

Đối với lời xin lỗi của chính quyền, theo ông Long, bà con khó chấp nhận được.

Từ đó, ông Long kiến nghị Thủ tướng thành lập đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra làm rõ đơn thư tố cáo của dân. “Người dân cần chính quyền TP.HCM giải quyết nhanh chóng, thấu tình đạt lý để người dân ổn định cuộc sống”, ông Long nói.

09:12

Trung Hiếu

'Ai là lãnh đạo TP.HCM thời kỳ đó chịu trách nhiệm về việc này?'

Bà Trần Thị Mỹ (77 tuổi, P.An Khánh) cho biết mình có “thâm niên” 14 năm khiếu nại về những bức xúc tại dự án Thủ Thiêm.

Bà Mỹ cho rằng kết luận gần đây của Thanh tra Chính phủ là "dũng cảm vì lần đầu tiên vạch ra sai phạm của UBND TP.HCM". Tuy nhiên, bà Mỹ mong muốn có cuộc thanh tra toàn diện.

"160 ha đất tái định cư ban đầu mất hút, ai là lãnh đạo TP.HCM thời kỳ đó phải chịu trách nhiệm về việc này?", bà Trần Thị Mỹ đặt câu hỏi - Ảnh chụp qua màn hình

“Sau kết luận thanh tra, người dân sẵn sàng góp ý giải quyết vấn đề Thủ Thiêm nhưng có vẻ lãnh đạo TP không sẵn sàng”, bà Mỹ nói.

Bà Mỹ cũng nêu 7 vấn đề về kiến nghị của người dân liên quan đến dự án Thủ Thiêm. Bà Mỹ cho rằng đất tái định cư của dân đã bị lấy mất, rồi UBND TP.HCM thời điểm đó đã chỉ đạo tìm kiếm 160 ha đất ở nhiều nơi đưa vào đất tái định cư.

“Điều này khiến 160 ha đất tái định cư ban đầu mất hút”, bà Mỹ nói. Bà Mỹ đặt câu hỏi "Ai là lãnh đạo TP.HCM thời kỳ đó chịu trách nhiệm về việc này?".

09:42

Trung Hiếu

Cảm thông và kỳ vọng vào lãnh đạo TP.HCM hiện tại

"Chính quyền nhắc tới tỉ lệ 99,4% giải tỏa, đền bù thành công. Nhưng tỉ lệ đó là kết quả đạt được từ việc quyết liệt cưỡng chế đẩy người dân vào đau khổ", bà Mỹ nói.

Bà Mỹ mong muốn lãnh đạo TP.HCM và người dân cùng nhau giải quyết vấn đề Thủ Thiêm cho đúng quy định pháp luật.

Sau khi phân tích về sai sót trước đây của TP.HCM, bà Mỹ cho biết người dân rất cảm thông và kỳ vọng vào lãnh đạo TP.HCM hiện tại, vì đây chỉ là những người dọn dẹp hậu quả.

“Nếu như chúng ta chung tay cùng giải quyết thì tôi tin rằng bác Võ Văn Kiệt (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - PV) sẽ ngậm cười ở nơi chín suối”, bà Mỹ tâm sự.

Cuối cùng bà Mỹ nêu ra trường hợp cụ thể của mình để chứng minh việc dự án đã làm khổ người dân Thủ Thiêm, trong đó có trường hợp của bà, suốt nhiều năm qua như thế nào. Từ đó, bà Mỹ đề nghị Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong giải quyết ngay trường hợp của bà.

09:43

Trung Hiếu

'Quy hoạch kiểu gì mà dân không có nhà để ở'

Bà Nguyễn Thị Cẩm Mỹ (P.An Lợi Đông) phản ánh chuyện nhà của mẹ bà là bà Lê Thị Hồng bị cưỡng chế, nhưng không được bồi thường vì chính quyền thời điểm đó cho rằng là "nhà không số". Điều này đã đẩy gia đình bà Cẩm Mỹ hiện phải sống trong chòi lá, con cái không được học hành đầy đủ.

“Quy hoạch kiểu gì mà người dân đang yên lành bỗng không có đất có nhà để ở”, bà Mỹ nói và đề nghị Chủ tịch UBND TP.HCM xem xét, giải quyết.

Bà Nguyễn Thị Cẩm Mỹ phát biểu ý kiến - Ảnh chụp qua màn hình

09:45

Thanh Niên Media

10:20

Ngọc Lê - Trung Hiếu

Căng thẳng chuyện trong ranh, ngoài ranh

Ông Nguyễn Đình Đảng (P.An Khánh) cho biết mình không đồng tình với kết luận thanh tra vì kết luận này không toàn diện. Ông Đảng đặt câu hỏi: 160 ha (đất tái định cư ban đầu - PV) đang nằm ở đâu?

Ông Nguyễn Đình Đảng kiến nghị trả lại đất cho người dân 5 khu phố phải di dời giải tỏa vì '160 ha đất tái định cư ban đầu biến mất' - Ảnh chụp qua màn hình

Theo ông Đảng, UBND TP.HCM thời điểm đó đã tự ý thay đổi diện tích, điều chỉnh ranh quy hoạch đô thị mới Thủ Thiêm. Còn trong kết luận Thanh tra Chính phủ lần này không đưa ra được những bằng chứng thể hiện 5 khu phố ở trong ranh hay ngoài ranh, trong khi người dân có bằng chứng, đủ căn cứ pháp lý, để chứng minh 5 khu phố này nằm ngoài ranh quy hoạch.

Từ đó, ông Đảng kiến nghị TP.HCM phải nhìn thẳng vào sự thật để giải quyết cho người dân, đồng thời kiến nghị trả lại đất của 5 khu phố cho người dân.

Người dân theo dõi buổi tiếp xúc qua màn hình đặt bên ngoài phòng - Ảnh: Độc Lập

Ông Phạm Ngọc Hậu (P.Thủ Thiêm) cho rằng chính sach đền bù Thủ Thiêm trái với nghị quyết 18 do Bí thư Thành ủy thời bấy giờ là ông Trương Tấn Sang, là đảm bảo quyền lợi cho người dân tái định cư.

Điều này làm cho 45.000 hộ dân điêu đứng hơn 20 năm qua vì không có chỗ ở đàng hoàng. Có người dân khiếu nại khi tóc còn xanh mà nay bạc trắng. Từ đó ông Hậu đề nghị xem xét chính sách tái định cư.

11:24

Ngọc Lê

Mong bà con rộng lòng tha thứ cho chính quyền

Ông Nguyễn Hồng Điệp cho biết không thể dựa vào một vài tiếng tiếp xúc với người dân Thủ Thiêm là có thể nghe hết toàn bộ ý kiến. Theo ông Điệp, bản thân ông cũng đã 3 lần dự các buổi tiếp xúc người dân Thủ Thiêm.

Mong bà con rộng lòng tha thứ cho chính quyền

Ông Điệp nói: Chúng tôi ghi nhận bà con đề nghị thành lập đoàn thanh tra để thanh tra toàn diện dự án Thủ Thiêm. TP.HCM sẽ báo cáo Thủ tướng những nội dung phát sinh như bà con nêu hôm nay. Cụ thể, bà con cho rằng có 5 khu phố của 3 phường nằm ngoài ranh quy hoạch; bà con đề nghị những hộ dân có đất nằm ngoài ranh quy hoạch thì phải đền bù thỏa đáng; hiện nay một số hộ dân cho rằng hồ sơ phải lập lại và xem xét từng trường hợp.

Ông Điệp "mong muốn bà con rộng lòng tha thứ được điều gì thì hãy tha thứ để chính quyền cùng người dân giải quyết, đảm bảo ổn định cuộc sống cho bà con".

"Tôi mong bà con tha thứ cho chính quyền TP.HCM để cùng chính quyền TP.HCM giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho bà con”, ông Điệp nói.

Trưởng ban tiếp dân TƯ Nguyễn Hồng Điệp giải đáp thắc mắc của người dân - Ảnh chụp qua màn hình

11:49

Trung Hiếu

Giải quyết vấn đề Thủ Thiêm trên cơ sở lợi ích của người dân

Ông Nguyễn Thành Phong: "Tổ chức, cá nhân sai phạm phải xử lý nghiêm khắc"

Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết TP.HCM hiểu và chia sẻ với những bức xúc của người dân Thủ Thiêm, mong muốn người dân hợp tác với TP giải quyết vấn đề Thủ Thiêm theo đúng pháp luật, bảo đảm quyền lợi cho người dân.

Ông Phong đúc kết một số vấn đề: Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giao cho TP.HCM thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ. Do đó TP.HCM phải lắng nghe người dân để hoàn chỉnh chính sách bồi thường, tái định cư, giải quyết quyền lợi cho người dân.

“Vừa qua TP.HCM có tổ công tác để đưa ra giải pháp nhưng vẫn cần tiếp xúc, lắng nghe thêm ý kiến của người dân. Mặc dù đã đề ra 10 chính sách nhưng nếu người dân chưa đồng ý thì cần lấy ý kiến để chính sách thêm phù hợp”, ông Phong nói.

Liên quan đến diện tích 160 ha tái định cư, ông Nguyễn Thành Phong khẳng định Thủ tướng Chính phủ đã giao lập tổ công tác, trong thành phần tổ công tác có đại diện TP.HCM, để rà soát lại các dự án, có hướng giải quyết, sau khi có kết luận sẽ thông báo cho người dân.

Về đề nghị thành lập đoàn thanh tra liên ngành thanh tra toàn bộ dự án Thủ Thiêm, ông Phong cho biết TP.HCM sẽ tiếp thu để báo cáo.

Về diện tích 4,3 ha ngoài ranh, ông Phong cho hay qua các cuộc tiếp xúc, người dân nêu còn có 4 khu phố nữa cũng ngoài ranh. Ông Phong khẳng định sẽ báo lại về ý kiến chưa đồng thuận của người dân; có thể sau khi nhận báo cáo, Thủ tướng sẽ giao đoàn công tác xem xét vấn đề này.

Ông Phong cũng cho biết sẽ rà soát lại 115 hộ dân, những hộ chưa nhận bồi thường, nhận bồi thường nhưng cho rằng chưa thỏa đáng. Bản thân ông Phong sau các cuộc họp sẽ tổng hợp báo cáo lại với Thường vụ Thành ủy.

“Khi có chỉ đạo của Thủ tướng, UBND TP.HCM triển khai ngay chứ không chần chừ. Dự án Thủ Thiêm kéo quá dài, ảnh hưởng rất lớn đến người dân. Hai năm làm Bí thư Quận ủy Q.2, tôi hiểu rõ điều này”, ông Phong nhấn mạnh.

Ông Phong khẳng định mọi việc cần phải giải quyết trên tinh thần tuân thủ pháp luật. Những ý kiến, hồ sơ mà người dân nêu ra trong buổi gặp hôm nay sẽ được UBND TP.HCM xem xét, giải quyết.

“Chúng tôi xác định rất rõ giải quyết vấn đề Thủ Thiêm trên cơ sở lợi ích của người dân Thủ Thiêm. Những cá nhân sai phạm liên quan dự án sẽ bị xử lý đích đáng”, ông Phong nói.

"Siêu dự án" qua 22 năm triển khai

Thủ Thiêm được xem là một "siêu dự án" về đô thị mới, khi có đến khoảng 15.000 hộ dân với khoảng 60.000 nhân khẩu có nhà đất trên địa bàn 5 phường: Bình An, Bình Khánh, An Khánh, Thủ Thiêm và An Lợi Đông (Q.2) thuộc diện di dời, giải tỏa.

Thủ Thiêm đã trải qua 22 năm thực hiện quy hoạch - Ảnh: ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt đến nay, Thủ Thiêm với mục tiêu xây dựng trở thành trung tâm tài chính, thương mại tầm cỡ và hiện đại đã trải qua 22 năm triển khai quy hoạch với 4 đời Chủ tịch UBND TP.HCM: ông Võ Viết Thanh (1996 - 2001); ông Lê Thanh Hải (2001 - 2006), ông Lê Hoàng Quân (2006 - 2015), và đương nhiệm là ông Nguyễn Thành Phong. Trong 22 năm triển khai quy hoạch Thủ Thiêm, việc phát sinh khiếu nại, tố cáo xảy ra gần 20 năm qua, khi TP.HCM tiến hành thu hồi đất.

Các khiếu nại, tố cáo phát sinh "đỉnh điểm" kéo dài từ giai đoạn 2004 đến nay, chủ yếu liên quan đến ranh quy hoạch, chính sách đền bù giải tỏa còn một số bất cập mà người dân cho là chưa thỏa đáng, vi phạm quy định pháp luật về đất đai.

Liên quan đến những khiếu nại, tố cáo của người dân Thủ Thiêm, trong một thời gian dài, Thanh tra Chính phủ đã có 4 báo cáo kết luận; các bộ, ngành cũng có hàng loạt văn bản đề nghị giải quyết. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã 14 lần có văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND TP.HCM giải quyết đúng pháp luật.

Tuy nhiên, cho đến ngày 7.9 vừa qua, khi Thanh tra Chính phủ ban hành thông báo kết luận số 1483, tái khẳng định nhiều sai phạm xảy ra ở Thủ Thiêm, việc khiếu nại của người dân "là có cơ sở", đồng thời kiến nghị giải quyết cụ thể nhiều nội dung, chính quyền TP.HCM mới chính thức triển khai kế hoạch "giải quyết vấn đề Thủ Thiêm" một cách có hệ thống.

Hai luồng ý kiến qua 2 lần tiếp dân

Để có thể xây dựng, hoàn chỉnh chính sách mới liên quan đến việc tái bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân có nhà đất bị thu hồi, giải tỏa từng chịu thiệt thòi do chính sách trước đây còn bất cập, đặc biệt là các hộ dân được xác định ngoài ranh quy hoạch Thủ Thiêm, trong kế hoạch giải quyết của TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong dự kiến tiếp dân 3 lần.

Lần 1 tiếp dân tổ chức vào ngày 18.10, chủ yếu tiếp các hộ dân trong phạm vi đất 4,3 ha thuộc khu phố 1, P.Bình An mà Thanh tra Chính phủ xác định ngoài ranh quy hoạch Thủ Thiêm.

Lần thứ 2 tiếp dân tổ chức vào ngày 7.11 vừa qua, chủ yếu tiếp các hộ dân có nhà đất bị thu hồi, giải tỏa trên địa bàn P.Bình An và P.Bình Khánh (giáp ranh giới khu vực 4,3 ha).

Lần tiếp dân này (lần thứ 3), chủ yếu tiếp các hộ dân P.An Khánh, P.Thủ Thiêm và P.An Lợi Đông - khu vực bị giải tỏa để làm vùng lõi Thủ Thiêm và khu tái định cư, hệ thống giao thông...

Trong 2 lần tiếp xúc đã diễn ra, chủ yếu có 2 luồng ý kiến từ phía các hộ dân nêu ra.

Theo đó, một luồng ý kiến tán đồng nội dung kết luận số 1483 của Thanh tra Chính phủ công bố ngày 7.9.2018, đồng thời bày tỏ thiện chí sẵn sàng hợp tác với chính quyền TP.HCM để hướng đến giải quyết dứt điểm "vấn đề Thủ Thiêm" một cách hợp tình, hợp lý "vì đã quá mệt mỏi khi phải đi khiếu nại triền miên".

Luồng ý kiến còn lại tỏ ra chưa thật sự đồng ý với nội dung kết luận số 1483 của Thanh tra Chính phủ, vì cho rằng nhiều vấn đề mà họ khiếu nại, kiến nghị chưa được làm rõ. Luồng ý kiến này cho rằng, để giải quyết được trọn vẹn "vấn đề Thủ Thiêm" cần tiếp tục làm rõ những khiếu nại, kiến nghị của họ, từ đó mới xây dựng chính sách giải quyết thỏa đáng. Nếu không, theo luồng ý kiến này, khiếu nại Thủ Thiêm "sẽ không có điểm dừng".

Cầu thị lắng nghe ý kiến đa chiều

Trước ý kiến của các hộ dân, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định mục đích của các buổi tiếp dân, là thành phố cầu thị lắng nghe, cả ý kiến đồng thuận và chưa đồng thuận, trước khi có thể ban hành chính sách mới.

Những nội dung thuộc thẩm quyền của TP.HCM, thì thành phố tích cực, tập trung giải quyết theo hướng tốt nhất có thể. Những nội dung vượt thẩm quyền của TP.HCM thì TP.HCM kiến nghị, đề xuất TƯ cho chủ trương giải quyết, nhằm vừa đảm bảo quyền lợi chính đáng, ổn định cuộc sống của người dân có nhà đất bị thu hồi, và để chấm dứt khiếu nại kéo dài, vượt cấp; tạo điều kiện thuận lợi cho TP.HCM tiếp tục xây dựng, phát triển Thủ Thiêm nói riêng và TP.HCM nói chung.

Về xử lý trách nhiệm các cá nhân, tổ chức gây ra sai phạm, ông Nguyễn Thành Phong khẳng định TP.HCM đang tiến hành tổ chức kiểm điểm, giải quyết theo thẩm quyền được giao quản lý cán bộ, công chức trực thuộc. Riêng cán bộ lãnh đạo thuộc diện Trung ương quản lý, thì TP.HCM báo cáo TƯ xem xét, xử lý.

Nhiều năm đi khiếu nại, người dân Thủ Thiêm mong mỏi sự việc giải quyết sớm có kết quả - Ảnh: ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Về quy hoạch Thủ Thiêm, ông Nguyễn Thành Phong cam kết khi tiếp tục triển khai thực hiện, TP.HCM nhất quán quan điểm làm đúng theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, nhất quán không chấp nhận việc làm sai quy hoạch trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Thành Phong nhiều lần bày tỏ mong muốn người dân đồng hành, thiện chí hợp tác, chia sẻ cùng với chính quyền TP.HCM để cùng hướng đến kết quả tốt đẹp trong việc giải quyết "vấn đề Thủ Thiêm".

Vẫn nóng câu chuyện "bản đồ Thủ Thiêm"

Trong rất nhiều vấn đề hệ trọng liên quan đến Thủ Thiêm, những tưởng câu chuyện bản đồ quy hoạch cơ bản được sáng tỏ khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận 1483, tuy nhiên trong buổi tiếp dân ngày 7.11 vừa qua lại phát sinh tình tiết mới.

Nhiều ý kiến cho rằng nhà đất của họ cũng nằm ngoài ranh quy hoạch Thủ Thiêm, đồng thời lại đề nghị cung cấp bản đồ Thủ Thiêm để có thể xác định ranh giới quy hoạch.

Về vấn đề này, Chánh văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết TP.HCM có mười mấy bản đồ liên quan đến quy hoạch, hạ tầng Thủ Thiêm. Tuy nhiên, hầu hết các bản đồ đều làm từ hơn 20 năm trước, với nhiều yếu tố khách quan của thời điểm đó nên khá thô sơ, và đặc biệt là về ranh quy hoạch "không thống nhất nhau".

Nhóm PV Thanh Niên

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/chu-tich-ubnd-tphcm-nguyen-thanh-phong-lan-thu-3-tiep-nguoi-dan-thu-thiem-1023023.html