Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: 'Nhất định thoát lũ cho Tam Kỳ'

Sáng ngày 15/10, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có buổi họp báo thông tin về định hướng phát triển tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó ông Thanh có trả lời câu hỏi của Đại Đoàn Kết về vấn đề ngập lụt ở Hội An và TP Tam Kỳ.

Tại đây, ông Thanh đã dành thời gian nói về nhiều lĩnh vực và chiến lược phát triển bền vững của tỉnh Quảng Nam trong thời gian tới và khẳng định: “Phát triển nhanh, bền vững nhưng không đánh đổi môi trường. Như môi trường văn hóa, xã hội cũng như nhiều lĩnh vực khác”.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.

Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Đại Đoàn Kết, làm thế nào để giải quyết bài toán ngập lụt triền miên và bảo vệ phố cổ Hội An cũng như ngập sâu ở vùng Đông Tam Kỳ?

Ông Lê Trí Thanh cho biết, Hội An nằm ở vùng hạ lưu sông Thu Bồn lại là vùng trũng, là nơi chịu tác động lớn của ngập lũ, sự nhiễm mặn do nước biển dâng cao, đó là điều không tránh khỏi. Do đó từ bao đời nay Hội An đã phải sinh sống với lũ lụt.

Tuy nhiên cách đây 3 năm Chính phủ đã ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, nó đã phát huy tác dụng, mùa mưa các thủy điện đã tham gia giảm lũ cho hạ du.

“Nhưng cho dù có quy trình vận hành liên hồ chứa thì cũng không thể nào hoàn hảo hết được khi công nghệ dự báo vẫn còn nhiều hạn chế. Vì thế cần phải tích cực đổi mới công nghệ, nhất là công nghệ dự báo, để biết được chính xác lượng mưa, xác định được đỉnh lũ theo thời gian thực mà điều hành hệ thống kết nối đảm bảo an toàn cho vùng hạ du, đồng thời đảm bảo an toàn cho hồ đập, cho các công trình”, ông Thanh nói.

Mưa lớn là nhiều nơi của Hội An chìm trong biển nước.

Ông Thanh cho biết thêm, cùng với việc phát triển hạ tầng đô thị thì sẽ giãn dân, vì Hội An cũng có những vùng đất cao, để giảm mật độ dân cư tập trung tại trung tâm phố cổ.

Ngoài ra, để bảo vệ phố cổ Hội An, hiện nay chính quyền hỗ trợ kinh phí để các nhà cổ ở Hội An được tu sửa giảm thiểu các thiệt hại xảy ra. Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý chủ trương sử dụng nguồn kinh phí Trung ương để Quảng Nam trùng tu, nâng cấp khu phố cổ và phòng cháy, chữa cháy.

Còn đối với thành phố Tam Kỳ, ông Thanh nhận định, có mấy nguyên nhân chính khiến mùa mưa nội đô thường bị ngập. Thứ nhất, việc thoát nước của thành phố ra khu vực Cửa Lở, cửa An Hòa cự ly quá xa, phía Bắc cũng vậy. Thứ 2, dòng sông chảy theo hướng Bắc-Nam, do đó độ chếch không nhiều, tốc độ dòng chảy không lớn, nếu như lượng mưa tập trung ở khu vực này nhiều thì hệ thống thoát lũ rất khó khăn. Thứ 3, nếu trường hợp hồ Phú Ninh xả lũ để đảm bảo an toàn cho công trình cộng với lượng mưa lớn ở khu vực thì chắc chắn sẽ gây ngập úng nội đô.

Còn nữa, việc xây dựng hệ thống đê bao ở đường Bạch Đằng, Điện Biên Phủ, các tuyến đường từ Khu công nghiệp Tam Thăng ra Quốc lộ 1A cần phải nghiên cứu đánh giá lại khẩu độ hệ thống thoát nước, để đảm bảo thoát nước khu vực nội đô Tam Kỳ ra sông Bàn Thạch.

Người dân Khối phố Trường Đồng-Tam Kỳ phải dung ghe trong mùa mưa lũ.

Một vấn đề nữa cần lưu ý, nước sông Bàn Thạch dâng cao do lưu lượng mưa lớn ở khu vực Nam huyện Thăng Bình, lưu lượng nước đổ về sông Tam Kỳ không thoát kịp qua Cửa Lở sẽ chảy ngược lại vào khu vực nội đô Tam Kỳ. Tuy nhiên, trong trường hợp nước sông dâng cao hơn mực nước bên trong nội đô thì sẽ cho đóng các cửa thoát nước lại để hạn chế và sẽ sử dụng hệ thống bơm chuyên dụng để giải quyết tình trạng ngập cục bộ ở TP Tam Kỳ.

“Trước thực tế này, tỉnh đã giao cho Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với 5 cơ quan chủ trì là các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu đề án giải pháp thoát lũ khẩn cấp cho hệ thống sông Bàn Thạch Tam Kỳ. Nhất định thoát lũ cho Tam Kỳ, việc này sẽ được tính toán khoa học sao cho hợp lý nhất”, ông Thanh nói.

Tấn Thành - Chí Đại

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chu-tich-ubnd-tinh-quang-nam-nhat-dinh-thoat-lu-cho-tam-ky-520495.html