Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Đinh Văn Điến: Đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch Hà Nội - Ninh Bình

Có thể nói, trong vùng Đồng bằng sông Hồng, duyên hải Bắc bộ và tỉnh Ninh Bình hội tụ đầy đủ những yếu tố về tài nguyên du lịch thiên nhiên - văn hóa, là tiềm năng to lớn có thể phát triển mạnh hoạt động du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh và sinh thái.

Ninh Bình có rất nhiều thế mạnh, tiềm năng phát triển du lịch. Ảnh minh họa: Zing.vn.

Nhiều khó khăn trong khai thác tiềm năng du lịch

Trong giai đoạn vừa qua, Đảng bộ và chính quyền địa phương các tỉnh trong vùng đã chủ động khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa - xã hội, thu hút đầu tư và tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương nhằm tập trung phát triển du lịch của mỗi địa phương. Kết quả là ngành du lịch của toàn vùng và từng địa phương đã có sự trưởng thành và lớn mạnh không ngừng về hệ thống doanh nghiệp du lịch; cơ sở hạ tầng, các trung tâm, điểm đến du lịch, khu nghỉ dưỡng, khách sạn, khu giải trí; các tuyến du lịch, loại hình du lịch đa dạng… tạo nên diện mạo mới và có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, sự phát triển của ngành du lịch vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng; chưa có bước phát triển đột phá để khẳng định du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và toàn vùng. Để từng bước giải quyết những vấn đề trên, ngành du lịch với tính chất là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, sự phát triển du lịch không chỉ nằm trong một vùng lãnh thổ, trong một tỉnh mà luôn phải vươn ra khỏi phạm vi hành chính địa phương, một quốc gia.
Do đó, bên cạnh những giải pháp đồng bộ trong nội tại các địa phương thì việc tăng cường mở rộng liên kết giữa các tỉnh, liên kết vùng là giải pháp hữu hiệu góp phần bổ sung, đa dạng hóa, tạo ra sức hấp dẫn chung cho các sản sản phẩm du lịch chất lượng cao mang nét đặc trưng của địa phương và vùng miền đóng, qua đó góp phần quan trọng việc mở rộng và nâng cao chất lượng phát triển ngành du lịch.

Lễ ký kết quảng bá, xúc tiến du lịch giữa Ninh Bình với các tỉnh trong vùng

Tăng cường liên kết hợp tác với Hà Nội và các tỉnh
Tại hội nghị "Hà Nội 2018 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển" diễn ra ngày 17/6, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Đinh Văn Điến đề xuất một số giải pháp tăng cường hợp tác liên kết phát triển du lịch giữa tỉnh Ninh Bình với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng trong thời gian tới:
Thứ nhất, tăng cường trao đổi, phối hợp tạo sự thống nhất trong việc xây dựng và thực thi chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch của từng địa phương và của cả vùng, nhằm phát huy tính hợp lý, kinh nghiệm và hạn chế sự ganh đua, trùng lắp trong quá trình phát triển du lịch của địa phương, qua đó tạo nên định hướng phát triển rõ ràng trên cơ sở tiềm năng, lợi thế riêng có của từng địa phương.
Thứ hai, đẩy mạnh liên kết trong triển khai nghiên cứu thị trường và xúc tiến quảng bá du lịch với trọng tâm xây dựng thương hiệu du lịch cho toàn vùng, xác định tour du lịch mẫu, điển hình của từng địa phương và toàn vùng; kết nối các sự kiện, lễ hội riêng của từng tỉnh/thành phố để tạo ra chuỗi sự kiện du lịch nhằm thu hút và tận dụng tối đa các nguồn khách du lịch; thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin về tài nguyên du lịch, giới thiệu tuyến, điểm du lịch, các sản du lịch đặc trưng của từng địa phương, tình hình phát triển du lịch... trên cơ sở cơ sở thực hiện kết nối các Website du lịch của các địa phương trong vùng.
Thứ ba, liên kết trong kiểm tra, giám sát thực thi chính sách, quy định, tiêu chuẩn của ngành như: giám sát thực hiện quy hoạch, kiểm soát chất lượng dịch vụ, an ninh an toàn và môi trường, liên kết xử lý những vi phạm và tôn vinh những điển hình có hiệu ứng chung cả vùng. Trong đó, chú hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong bảo vệ môi trường tại các điểm du lịch, bảo đảm thực hiện nguyên tắc phát triển bền vững, tránh tác động tiêu cực từ con người trong khai thác, kinh doanh du lịch, không để bị 'thương mại hóa' hoặc bị lạm dụng cho các mục đích khác khi đầu tư, đặc biệt là trong bảo vệ môi trường, cảnh quan tại các khu di tích lịch sử, sinh thái và du lịch biển.
Thứ tư, liên kết tăng cường thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, trong đó tập trung xây dựng và thực hiện chính sách thu hút đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo sự kết nối liên vùng, trước mắt là tuyến đường bộ ven biển ven biển, tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, quốc lộ 38B, tuyến đường Bái Đính - Mỹ Đình; Phối hợp trong chính sách khuyến khích đầu tư kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, đặc biệt là các khu vui chơi giải trí, các khu mua sắm đặc trưng và chất lượng cao, trên cơ sở có sự thống nhất trong quy hoạch sản phẩm du lịch dựa vào lợi thế của mỗi địa phương trong vùng.
Thứ năm, tăng cường liên kết đa phương và song phương giữa các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch trong lĩnh vực xây dựng và thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, nhất là kinh nghiệm phối hợp giữa Nhà nước với doanh nghiệp và nhân dân trong huy động vốn đầu tư, cùng chia sẻ hài hòa lợi ích trong quá trình đầu tư, khai thác kinh doanh; liên kết hỗ trợ phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội để phục vụ du lịch, trong đó chú trọng liên kết đào tạo và phát triển nhân lực có trình độ cao về nghiệp vụ, phong cách và thái độ giao tiếpđồng thời chú trọng tuyên truyền và giáo dục ý thức cộng đồng cho nhân dân, đặc biệt là cư dân trực tiếp tham gia các hoạt động liên quan đến du lịch trong các khu du lịch trọng điểm về văn hóa giao tiếp, văn minh du lịch, thái độ ân cần niềm nở, giữ gìn cảnh quan môi trường.

Lê Nam

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/chu-tich-ubnd-tinh-ninh-binh-dinh-van-dien-day-manh-lien-ket-phat-trien-du-lich-ha-noi-ninh-binh-319661.html