Chủ tịch U&I Mai Hữu Tín: Việt Nam chỉ là 'Vịnh tránh bão' trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung?

Trong khi nhiều doanh nghiệp đang hào hứng làn sóng đầu tư sẽ chuyển dịch sang Việt Nam khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng gay cấn, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Tập đoàn U&I lại đưa ra cảnh báo: Liệu Việt Nam sẽ chỉ là 'Vịnh tránh bão' rồi qua cơn bão họ lại bỏ đi hay không?

Kinh tế thế giới năm 2019 nằm trong chu kỳ suy giảm toàn cầu, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ẩn chứa những rủi ro tiềm ẩn như những quả bom nổ chậm không thuần túy chỉ trong thương mại và tài chính: Điều đó ảnh hưởng thế nào đến những ngành nghề? Doanh nghiệp cần cẩn trọng ra sao với những quyết định đầu tư? Điều gì quan trọng nhất cần thay đổi để biến họa thành phúc?...

Đầy ắp thông tin với những phân tích cực kỳ sâu sắc, thẳng thắn mà luôn giữ được sự ấm áp, chân thành, những chia sẻ của ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Tập đoàn U&I trong hội thảo Vietnam Business Outlook 2019 do Group Quản lý doanh nghiệp và TheLEADER tổ chức đã khiến cho hơn 300 doanh nhân tham dự cảm thấy hứng thú từ đầu đến cuối buổi hội thảo để tận dụng cơ hội, biến nguy thành cơ.

Chủ tịch Tập đoàn U&I Mai Hữu Tín chia sẻ với hơn 300 doanh nhân tại Hội thảo Vietnam Business Outlook 2019

Chia sẻ về tầm nhìn 2019, trong khi nhiều doanh nghiệp đang hào hứng làn sóng đầu tư sẽ chuyển dịch sang Việt Nam khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng gay cấn, ông Mai Hữu Tín đưa ra cảnh báo liệu Việt Nam chỉ là “Vịnh tránh bão” rồi qua cơn bão họ lại bỏ đi hay không?

“Quan sát rất kỹ sự chuyển dịch đầu tư trong ngành nội thất của thế giới, tôi thấy những doanh nghiệp lớn trong ngành nội thất của thế giới đều có nhà máy tại Trung Quốc. Với mức thuế mới mà Mỹ đang áp với Trung Quốc, họ đang tìm cách di chuyển. Tổng thống Trump đã có cuộc nói chuyện rất tốt với Tập Cận Bình, nhưng tôi tin, như chuyên gia Vũ Thành Tự Anh phân tích, cuộc chiến này còn kéo rất dài…

Một doanh nghiệp của Malaysia chuyên cung cấp nội thất cho các nhà hàng lớn ở thế giới có nhà máy ở Quảng Đông. Khi tôi hỏi vị chủ doanh nghiệp rằng ông sẽ chuyển đi đâu khi Mỹ áp thuế 25% cho hàng nội thất từ Trung Quốc? Ông cho biết sẽ chuyển nhà máy sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Một thương hiệu nội thất cao cấp của Ý, vị chủ tịch tập đoàn 78 tuổi, có nhà máy lớn ở Thượng Hải cũng cho tôi biết rằng ông sẽ đóng cửa và dọn nhà máy đến Mexico.

Một thương hiệu nội thất của Mỹ một năm đặt hàng rất lớn ở Trung Quốc để xuất đi các nước, khi tôi hỏi ông chủ tịch với mức thuế 25%, ông sẽ làm gì? “Tôi sẽ không mua hàng từ Trung Quốc nữa và đang chuẩn bị đặt hàng ở Indonesia”, ông trả lời tôi.

Một doanh nghiệp nội thất Canada khác rất lớn, đã chủ động gặp tôi và đề nghị: Tôi ngừng nhà máy ở Trung Quốc rồi. Anh giúp tôi lập nhà máy ở Việt Nam nhé!

Các doanh nghiệp quốc tịch khác nhau đang làm ăn ở Trung Quốc đang có kế hoạch sang các nước, chúng ta không phải là nơi để các doanh nghiệp nước ngoài đến tránh bão. Vậy phải làm sao để Việt Nam trở thành cái vịnh sạch đẹp, an toàn, để họ đến rồi ở lại?

Từ đó tôi xác định lại, Việt Nam chưa hẳn là nơi được hưởng lợi duy nhất từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Coi chừng cái mất còn lớn hơn, chắc chắn các ngành sử dụng nhiều nhân công sẽ tiếp tục khó khăn hơn nữa khi những doanh nghiệp mới đến trả lương cao hơn, mất lao động chắc chắn xảy ra, vì họ từng trả gấp 3 lần so với Việt Nam mà. Chắc chắn các nước lân cận như Việt Nam sẽ bị coi là mục tiêu của hàng Trung Quốc, những hàng hóa đang thoi thóp đối đầu với hàng Trung Quốc làm sao sống?

Ngược lại, những KCN gần thành phố không còn chỗ nữa, giá đất đang đắt hơn gấp đôi. KCN là nơi hưởng lợi đầu tiên, tiếp theo là những doanh nghiệp xây dựng được hưởng lợi.

Chúng ta sẽ sống thế nào trước những thay đổi đó? Khi mức thuế sẽ không là 25% nữa mà cao hơn, đó chính là câu hỏi với chính tôi nữa”.

Vậy theo ông, những ngành liên quan đến công nghệ như thiết bị điện tử, máy móc, công nghệ ô tô… liệu có điều kiện phát triển không?

Ông Mai Hữu Tín:Riêng công nghiệp ô tô tôi không nghĩ vậy. Chúng ta chưa có nền tảng cơ sở để cung cấp phụ tùng cho ngành ô tô Việt Nam, ngoài một số phụ tùng chủ yếu là nội thất cho ngành ô tô THACO đang làm và làm khá tốt. THACO đang xuất khẩu ghế ô tô cho Hàn Quốc nhưng để đi tới Mỹ thì tôi chưa thấy và cũng chưa đủ niềm tin.

Các doanh nghiệp làm hàng tiêu dùng Trung Quốc khi bị chặn đường sang Mỹ họ sẽ đẩy hàng sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam, vậy chúng ta đối phó với điều đó thế nào?

Ông Mai Hữu Tín: Với đất nước 90 triệu dân, chắc chắn doanh nghiệp Việt cùng ngành sẽ phải đối diện với thách thức đó, để chủ động đối phó, yếu tố tinh thần và sự chuẩn bị là rất quan trọng.

Liên quan đến chủ đề này, có thể các chuyên gia kinh tế chưa nhìn thấy, bản thân tôi hoạt động doanh nghiệp hàng ngày, tôi nhận thấy các hoạt động M&A đang diễn ra rất ráo riết.

Không chỉ Trung Quốc mua doanh nghiệp Việt Nam, vì thực sự chúng ta có rất ít doanh nghiệp đủ tầm để họ mua. Họ đang mua rất nhiều doanh nghiệp Đài Loan đã có mặt ở Việt Nam từ nhiều năm nay. Có vài chục vụ M&A đã diễn ra trong khu vực phía Nam mà tôi trực tiếp nhìn thấy điều đó.

Theo ông, tại sao Trung Quốc chấp nhận làm hàng chất lượng chấp nhận được với giá cực tốt?

Ông Mai Hữu Tín: Có nhiều yếu tố, đầu tiên là khả năng quản trị của họ rõ ràng tốt hơn chúng ta. Yếu tố thứ hai so với chúng ta khó hơn nhiều là họ có toàn bộ chuỗi cung ứng tốt hơn, nguyên vật liệu cũng vậy. Nhưng một điểm quan trọng tôi muốn chia sẻ với các anh chị sản xuất là sự linh hoạt của họ.

Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam có nhà máy lại chọn con đường dễ nhất là làm gia công với những đơn hàng lớn, vì nó dễ làm, để chạy đầy công suất.

Nhưng khuynh hướng chung của thế giới hiện nay, đối với các nước chịu sự cạnh tranh của Trung Quốc, bài học mà tôi nhìn thấy là sự thay đổi của họ. Họ không tiếp tục chạy theo đơn hàng lớn để làm đầy công suất nhà máy nữa, mà hơn 10 năm nay họ đã chuyển sang sản xuất theo nhu cầu khách hàng với số lượng lớn, và hiện nay chuyển tới bước kế tiếp là sản xuất theo nhu cầu của từng khách hàng, y như đi may đo quần áo vậy.

TS. Vũ Thành Tự Anh: Triển vọng kinh tế Việt Nam 2019 không quá tươi sáng

Một nhà máy thật lớn sản xuất mỗi tháng hàng ngàn container nhưng họ vẫn chấp nhận đơn hàng 1 bộ sofa. Họ làm được vì ứng dụng công nghệ, chuỗi cung ứng rất tốt. Chuỗi cung ứng thì ta chưa có nên phải tiếp tục mua từ Hàn Quốc, Đài Loan… nhưng còn học để thay đổi công nghệ sản xuất, trở nên linh hoạt hơn, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng tốt hơn với giá có thể cao hơn một chút thì chúng ta hoàn toàn có thể.

Ví dụ như trong ngành túi xách, nội thất, tại sao các doanh nghiệp Đức, Ý, Ba Lan… vẫn tiếp tục tồn tại, cạnh tranh được với hàng Trung Quốc là vì họ rất linh hoạt, đó là bài học cho những nhà sản xuất Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, với những hàng hóa của Mỹ khi bị Trung Quốc đánh thuế như thức ăn gia súc, đậu nành… từ Mỹ vào Trung Quốc với giá cao hơn liệu có mở rộng cơ hội cho Việt Nam không?

Ông Mai Hữu Tín: Người Trung Quốc nhập rất nhiều hàng nông nghiệp của Mỹ như bắp, đậu nành, thịt heo, thịt bò… Đó là những mặt hàng thực sự Mỹ có thế mạnh cạnh tranh trên toàn cầu vì họ sản xuất với quy mô cực lớn. Khi hàng rào thuế quan Trung Quốc chặn hàng của Mỹ vào thị trường họ thì đương nhiên hàng Mỹ sẽ chạy sang thị trường khác, trong đó có Việt Nam

Nhưng hãy nhớ một điều, trước cuộc chiến thương mại, bản thân người Việt Nam đã xài hàng Trung Quốc, hàng Mỹ rồi, như bắp Mỹ, đậu nành, thịt heo…Tôi không nghĩ người Việt Nam trong thời gian ngắn sẽ tăng lượng tiêu thụ lớn hơn.

Có một giải pháp khác, khi hàng Mỹ bị chặn lại thì người Trung Quốc đâu muốn trả giá cao hơn, doanh nghiệp Việt có thể nhập hàng Mỹ về Việt Nam để chế biến ra những sản phẩm khác, mang nguồn gốc xuất xứ Việt Nam để xuất sang Trung Quốc thì được. Nhưng chẳng đợi đến bây giờ, các công ty ép dầu Trung Quốc khi gặp khó khăn đã qua Việt Nam lập nhà máy rồi. Họ nhìn thấy cơ hội trước chúng ta.

Tỷ phú Jack Ma từng nói trong tương lai gần cuộc chơi sẽ thuộc về các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì họ tiếp cận được với công nghệ mới, khi chuỗi cung ứng và logistics được chia sẻ, họ uyển chuyển và linh hoạt hơn nhiều. Đối với một tập đoàn đa ngành, ông chia sẻ điều gì với nhận định đó của Jack Ma? Liệu điều đó có xảy ra ở Việt Nam?

Ông Mai Hữu Tín: Tôi không thể đọc suy nghĩ của Jack Ma 100% để có thể giải thích câu nói của chính ông ấy nhưng tôi nghĩ có thể Jack Ma nói câu đó trong ngữ cảnh đặc biệt với các startup thôi, vì doanh nghiệp lớn có lợi thế cực kỳ lớn về quy mô. Với các startup, thách thức là điều rất tốt để vươn lên, để trưởng thành nhưng không thể loại hẳn các doanh nghiệp lớn ra khỏi cuộc chơi được.

Các doanh nghiệp lớn khi biết trở mình sẽ nguy hiểm, vì họ có quá nhiều tiềm lực.

Trong nội bộ U&I, tôi áp dụng suy nghĩ của Jack Ma theo cách riêng. Tôi sở hữu 50 công ty, nhưng cố tình làm cho nó nhỏ lại vì khi nhỏ thì mới nhanh được. Khi nhỏ thì người đứng đầu mới có cảm giác sống còn, luôn phấn đấu liên tục, lo lắng cho đồng lương của người lao động. Còn thông thường, một doanh nghiệp lớn mạnh, nhiều tiền thường dễ chủ quan, khả năng tò mò, nhìn xa, chịu thách thức giảm đi rất nhiều. …

Chính vì vậy mà khi nào một doanh nghiệp của tôi lớn lên tôi lại cố tình chia nhỏ nó ra, thứ nhất là để tạo tâm lý càng nhỏ càng phải cố gắng, thứ hai là cho nhiều bạn trẻ có cơ hội cống hiến, trở thành người đứng đầu.

Theo tôi, thời của các doanh nghiệp nhỏ là có chuyên môn cao, chứ không phải nhỏ mà tự nhiên thành công được. Tôi rất thú vị với câu nói của anh Đặng Văn Thành, trải qua ba chục năm làm kinh doanh, khi chúng tôi nhìn doanh nghiệp, không đánh giá họ lớn hay nhỏ, mà giỏi hay không giỏi, tốt hay xấu, chứ lớn hay không không có ý nghĩa gì cả

Vậy khi cạnh tranh với các doanh nghiệp nhỏ, ông “ngại” họ ở điểm nào?

Ông Mai Hữu Tín: Nếu gặp các doanh nghiệp nhỏ và vừa mà rất giỏi của Việt Nam, thì điều đầu tiên tôi sẽ vỗ tay. Càng nhiều bạn làm được vậy càng tốt, càng quý cho đất nước. Tôi không coi đó là cạnh tranh, thị trường đủ lớn cho tất cả mọi người tham gia cuộc chơi. Ngại chăng là những doanh nghiệp nhỏ nước ngoài mà họ quá giỏi, thì lúc đó chúng ta phải tính cách hợp lực cùng nhau để… xử họ.

Ông nhận định thế nào về thách thức môi trường khi Trung Quốc đã nâng chuẩn môi trường lên cao hơn, và các ngành như ngành nhựa ở Trung Quốc đang tìm nơi khác để đậu? Liệu nguy cơ tàn phá môi trường có xảy ra với Việt Nam trước làn sóng này?

Ông Mai Hữu Tín: Điểm lại, có thể thấy ba làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Đầu tiên là do giá nhân công bắt đầu cách đây 7 đến 8 năm. Làn sóng thứ hai là các doanh nghiệp gây ô nhiễm ở Trung Quốc bắt buộc phải đóng cửa đã chuyển sang Việt Nam khoảng 2 năm nay, trong đó rất nhiều doanh nghiệp ngành giấy, ngành nhựa. Bây giờ chính là làn sóng thứ ba do thuế quan của Mỹ.

Tôi không thể trả lời thay cho chính quyền, các nhà quản lý của Việt Nam được, nhưng tôi thấy sự áp dụng không đồng đều các quy định về quản lý môi trường ở Việt Nam. Có nơi chính quyền địa phương kiểm soát rất tốt để giữ cho môi trường, không cho phép những dự án gây ô nhiễm. Nhưng có địa phương cũng sẵn sàng mở cửa đón nhận tất cả dự án đó, thậm chí không quan tâm đúng mức đến việc xử lý nguồn chất thải gây ô nhiễm đó.

Nhưng tôi tin về lâu dài, những doanh nghiệp chọn con đường làm giàu nhờ … ăn gian phí xử ý môi trường thì chắc chắn không thể bền vững. Chúng ta còn lương tâm mà, chúng ta còn muốn người Việt Nam xung quanh chúng ta được sống, hít thở trong một môi trường tốt, thì lý do gì chọn con đường sống bằng cách gây hại môi trường để làm lợi cho mình?

Một doanh nghiệp sản xuất lụa tơ tằm chia sẻ đang hướng tới nội địa hóa 100%, tạo công ăn việc làm cho người Việt Nam, nhưng rất khó khăn vì hệ sinh thái của ngành nghề này rất ít, tìm người hợp tác cực kỳ khó, thứ hai là phải đối diện với đối thủ khủng khiếp là Trung Quốc. Theo ông, con số 100% nội địa hóa đó có lạc quan không hay là chỉ đâm đầu vào đá?

Ông Mai Hữu Tín: Bạn có đến hai đối thủ, thứ nhất là Trung Quốc, thứ hai là niềm tin sắt đá của chính bạn là làm nội địa hóa 100%. Bạn hãy xem lại, vì nghĩa vụ của doanh nhân trước hết là nuôi sống nhân viên của mình, không gây hại cho người khác, từ đó mới phát triển doanh nghiệp, lo cho cộng đồng. Nhưng nếu bạn có niềm tin sắt đá chỉ nội địa mà thua người khác dài dài, phải xem lại cái đầu của mình có vấn đề hay không?

Nếu chúng ta chấp nhận mình sống trong một thế giới phẳng, phải chấp nhận những nơi tổ chức sản xuất tốt hơn sẽ tạo ra những nguyên liệu tốt hơn với giá thành rẻ hơn. Chúng ta có thể sử dụng sức của người khác để tạo ra sức mạnh của chính mình.

Nếu tôi là bạn, tôi sẽ khát khao tạo ra một thương hiệu lụa của người Việt, trong đó có những thành phần lấy từ Việt Nam, nhưng tôi sẽ không ngại mua những nguyên liệu khác về để góp phần làm ra sản phẩm cuối cùng của tôi. Đương nhiên bạn không được ăn gian, không thể để chữ Khaisilk mà bán đồ Trung Quốc!

Bạn không nên giữ ý tưởng 100% nội địa đó đến lúc không thể sống được. Nên chăng tạo thành công cho thương hiệu trước, rồi đầu tư cho 1 làng nghề chuyên cung ứng tơ tằm cho bạn để làm ra sản phẩm 100% thì con đường đó dễ đi hơn, và mọi người sẽ cùng đi theo bạn dài lâu hơn.

Vậy theo ông, chữ “giỏi” của doanh nghiệp nhỏ được hiểu thế nào?

Ông Mai Hữu Tín: Giỏi với tôi đơn giản phải là chuyên gia, phải thật xuất sắc trong lĩnh vực mình đang làm, đứng đầu trong và ngoài nước.

Ông đánh giá thế nào về việc hiệp định CPTPP sắp được ký kết?

Ông Mai Hữu Tín: 5 nước lớn đã phê duyệt rồi, 30/12 sẽ thông qua, rất tiếc không có Mỹ. Nếu đánh giá những thị trường của các nước trong CPTPP, nên chú ý Nhật thôi, đương nhiên các nước khác cũng có thể trở thành thị trường mới, rất có lợi cho những doanh nghiệp đang làm xuất khẩu và tôi tin Mỹ ngày nào đó sẽ quay lại CP TPP này.

Vậy chiến lược của U&I trong năm 2019 là gì?

Ông Mai Hữu Tín: Tôi luôn chiến đấu hàng năm chứ không phải chỉ 2019. Nếu chúng ta đợi có sự cố mới ngồi xử lý thì xong rồi. Tôi luôn chuẩn bị tinh thần phải cạnh tranh toàn cầu, phải là người giỏi nhất trong lĩnh vực của mình, chuẩn bị đối diện với đối thủ mà mình chưa biết

U&I đang bán gỗ xuất khẩu, bán chuối thương hiệu Dole, làm logistics… sản phẩm nào cũng phải đạt chuẩn cao nhất của thế giới, những vị giám đốc của tôi phải là người chuyên gia giỏi nhất trong lĩnh vực đó. Sự chuẩn bị này là liên tục, càng chấp nhận thế giới phẳng chừng nào càng phải biến mình thành số 1 thế giới.

Nếu ông có 20 tỷ, ông sẽ đầu tư vào lãnh vực nào?

Ông Mai Hữu Tín: Nhu cầu đầu tư trong nội tại của U&I rất lớn, nếu tôi có tiền rảnh rỗi, tôi sẽ cho nhân viên của mình đi học để phát triển công ty. Chúng ta thiếu rất nhiều về AI, IoT, nếu có tiền tôi sẽ đầu tư cho nhân viên đi học lãnh vực đó.

Vậy theo ông, nên tập trung khai thác loại cây trồng gì để có thể xuất khẩu?

Ông Mai Hữu Tín: Tôi nhập nhà kính của Israel, và học được rất nhiều bí quyết của 14 nước trên thế giới tiên tiến về nông nghiệp. Chính tập đoàn Dole danh tiếng chọn chúng tôi là đối tác độc quyền, trồng chuối cho chúng tôi để cung ứng hàng xuất khẩu đến các thị trường khác, không có chuyện dư thừa trên cánh đồng của tôi.

Anh Trần Bá Dương trồng 30 ngàn ha chuối trong cánh đồng của Hoàng Anh Gia Lai, đó là con số lớn nhất. Trái chuối, bơ tiêu thụ lớn nhất thế giới, thứ ba là trái lựu. Nếu bạn chọn ba loại cây trái đó thì nhu cầu của thế giới là mênh mông.

Theo chuyên gia Vũ Thành Tự Anh, doanh nghiệp cần đầu tư thận trọng năm 2019, hướng về nội bộ, doanh nghiệp nên đầu tư chuyên môn nào để nâng cao năng lực của mình?

Ông Mai Hữu Tín: Tôi rất tâm đắc với ý kiến của anh Đặng Văn Thành, không có đội ngũ hiền tài cơ hữu thì không thể phát triển được vì rủi ro của mọi rủi ro là con người. Muốn thế, phải có thời gian cấy trồng, chăm bón. Câu tôi băn khoăn hoài là “phát triển nhanh và bền vững”, tôi không làm được chuyện đó. Thế giới này đâu phải là của những siêu sao, đầu tư con người với tôi là yếu tố tiên quyết.

Ngay hôm nay, trước cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nếu không chuẩn bị là đối tác ngang hàng phải lứa với họ thì đâu có được chọn. Muốn thế, phải chuẩn bị đội ngũ, riêng tôi có thời gian cũng phải đi học, đi tham dự các diễn đàn quốc tế, mới nắm bắt được công nghệ mới nhất thế giới chứ.

Một điều sau cùng tôi muốn nhắn nhủ các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp đặt ở đâu mang quốc tịch ở đó, nhưng với từng doanh nghiệp, yếu tố dân tộc là không thể thay đổi. Cá nhân tôi hiểu giá trị dân tộc Việt theo nghĩa rất cụ thể: “ Nói sao làm vậy, biết giữ lời”. Nhưng rất tiếc tôi nghe rất nhiều người bạn nước ngoài nói “ Người Việt Nam nói vậy mà không phải vậy!”

Làm sao cho doanh nhân Việt giữ cho mình sự nghiêm túc, để doanh nhân thế giới đến đây làm ăn sẽ nghĩ doanh nhân Việt Nam là người “biết giữ lời”? Đó là điều tôi day dứt nhất.

Xin cám ơn ông!

Kim Yến

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/chu-tich-ui-mai-huu-tin-viet-nam-chi-la-vinh-tranh-bao-trong-cuoc-chien-thuong-mai-my-trung-1541387657517.htm