Chủ tịch Trung Quốc thăm Ý, mời gọi Vành đai- Con đường

Ý sẽ là điểm đến mới cho các dự án theo sáng kiến Vành đai- Con đường của Trung Quốc.

Trang tin tức IlPosst của Italia cho biết, chuyến bay đưa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng phu nhân ngày 21/3 (giờ địa phương) đã chính thức đáp xuống sân bay Fiumicino cho chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Ý của ông Tập.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng phu nhân chính thức đến Ý. Ảnh: IlPost

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng phu nhân chính thức đến Ý. Ảnh: IlPost

Ông Tập dự định sẽ ở lại Ý cho đến ngày 23/3 với nhiều hoạt động nổi bật, phô trương các giá trị tốt đẹp từ dự án hạ tầng liên kết nằm trong chuỗi sáng kiến Vành đai- Con đường (BRI).

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau cuộc gặp Tổng thống Ý Matt Mattarella sẽ cùng dự Diễn đàn doanh nghiệp, Diễn đàn văn hóa và Diễn đàn hợp tác ở các nước thứ ba. Đây được cho sẽ là nơi cho phép các nhà đầu tư của hai nước có cơ hội gặp gỡ giao lưu và xúc tiến các dự án.

Ông Tập cũng có cuộc gặp Chủ tịch Thượng viện Ý Maria Elisabetta Casellati, Chủ tịch Hạ viện Ý Roberto Fico.

Ngày 23/3, ngày cuối cùng ông Tập Cận Bình ở Ý, ông sẽ có cuộc họp với Thủ tướng Ý Giuseppe Conte và tham dự chương trình ký kết. Số thỏa thuận được ký kết thể hiện thành công của toàn bộ chuyến thăm.

Ý sẽ là cường quốc toàn cầu đầu tiên - một thành viên trong nhóm G7 - tham gia các sáng kiến BRI của Trung Quốc.

Dù là một trong 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới - nhưng Rome đang ở trong một tình trạng khá rối ren.

Thứ trưởng Bộ Thương mại và Đầu tư của Ý, Michele Geraci trước chuyến thăm của ông Tập đã cho biết những kế hoạch tốt đẹp mà nhà đầu tư Trung Quốc và Ý có thể hợp tác.

"Theo cách chúng tôi nhìn nhận, đó là cơ hội để các công ty của chúng tôi tận dụng sức ảnh hưởng, tầm quan trọng ngày càng tăng của Trung Quốc trên thế giới. Chúng tôi cảm thấy rằng trong số các đối tác châu Âu, Ý đã bị bỏ rơi" - ông Geraci cho biết.

Tuyến con đường tơ lụa mới của Trung Quốc. Đồ họa: BBC

Theo Peter Frankopan, giáo sư Lịch sử Toàn cầu tại Đại học Oxford cho biết, động thái của Ý khi lựa chọn Trung Quốc để hợp tác đầu tư và tham gia vào sáng kiến Vành đai- Con đường, chủ yếu mang tính biểu tượng.

"Sự tham gia của Ý cho thấy vai trò toàn cầu của Trung Quốc" - Giáo sư Frankopan nói.

Đáng nói là sự hợp tác mang tính quốc gia này lại đến vào thời điểm nhạy cảm đối với châu Âu và EU, trong bối cảnh họ đang chịu sức ép từ Mỹ khi lựa chọn Trung Quốc làm đối tác tiềm năng.

"Động thái dường như vô hại của Ý đến vào thời điểm nhạy cảm đối với châu Âu và EU, nơi không chỉ có những mối lo về Trung Quốc mà còn băn khoăn về cách thức phải thích nghi và phản ứng với một thế giới đang đổi thay" - Giáo sư Frankopan nhận xét.

Một mối lo ngại nữa là các dự án BRI của Trung Quốc đã từng mang tới các lo ngại về bẫy nợ, chất lượng công trình và làn sóng người Trung Quốc di cư.

Các dự án BRI liên quan đến làn sóng đầu tư của Trung Quốc vào hàng loạt dự án tàu trạm, đường xá và cầu cảng trên khắp thế giới, do các công ty xây dựng của Trung Quốc thực hiện thông qua các hợp đồng béo bở kết nối cảng và thành phố, với nguồn vốn là khoản nợ từ các ngân hàng Trung Quốc.

Sự hợp tác giữa Ý và Trung Quốc cho phép thực hiện quy tắc: nguyên liệu Trung Quốc sản xuất tại Ý nhằm có được sản phẩm với chi phí thấp với nguồn nguyên liệu của Trung Quốc nhưng mang chất lượng từ thương hiệu "Made in Italia".

Việc kết nối giữa đầu vào là các nguyên liệu thô giá rẻ từ Trung Quốc - và đầu ra là sản phẩn hoàn chỉnh ở Ý - có thể khiến cái mác "Made in Italia" trở thành sự phóng đại.

Trong những năm gần đây, các nhà máy Trung Quốc, sử dụng lao động Trung Quốc cho những cơ sở tại Ý đã thách thức thương hiệu chất lượng này.

Kim Hoa

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/chu-tich-trung-quoc-tham-y-moi-goi-vanh-dai-con-duong-3376755/