Chủ tịch Trung Quốc gặp Thủ tướng Ấn Độ: Tại sao lại là thời điểm hiện nay?

Đây là hội nghị thượng đỉnh không chính thức đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Trung - Ấn, trong đó Thủ tướng Narendra Modi và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ không ký bất kỳ thỏa thuận hay ra tuyên bố chung nào.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ gặp Chủ tịch Tập Cận Bình vào hôm nay (27-4). Ảnh: AP

Trong khi Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều vẫn đang thu hút nhiều sự chú ý của thế giới, một cuộc họp tương tự khác sẽ diễn ra tại Trung Quốc trong cùng ngày 27-4, với kết quả có thể ảnh hưởng hơn 1/3 dân số thế giới.

Với tư cách là hội nghị thượng đỉnh “không chính thức”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp gỡ Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại thành phố Vũ Hán vào ngày 27 và 28-4, dấu hiệu rõ ràng nhất về mối quan hệ vẫn chưa tan rã giữa hai cường quốc Châu Á, sau những cuộc đụng độ quân sự căng thẳng vào mùa hè năm ngoái ở khu vực biên giới tranh chấp Doklam.

Dấu hiệu tan băng

Năm ngoái, Ấn Độ và Trung Quốc “bị nhốt” trong cuộc khủng hoảng biên giới nghiêm trọng nhất trong 3 thập kỷ qua. Phương tiện truyền thông hai nước liên tục đưa ra các mối đe dọa chiến tranh gần như hàng ngày, khi cả hai bên xây dựng các lực lượng ở rìa Vương quốc Bhutan nhỏ bé.

Có vẻ như không thể tin được rằng, chỉ 8 tháng sau, ông Modi và ông Tập sẽ gặp nhau tại một hội nghị thượng đỉnh không chính thức như thế này. Nhưng đây chính xác là những gì sẽ xảy ra ở thành phố Vũ Hán, nơi hai nhà lãnh đạo không đưa ra chương trình nghị sự phức tạp mà dành nhiều thời gian để thảo luận về những khác biệt và hàn gắn rạn nứt.

Tất nhiên, đường đến cuộc họp lần này không chỉ trải toàn hoa hồng. Sau vụ tranh chấp biên giới đã được giải quyết vào tháng 8, ông Modi và ông Tập đã nỗ lực phá băng ở hội nghị thượng đỉnh BRICS vào tháng 9. Một loạt các chuyến thăm cấp cao diễn ra tiếp theo sau đó. Ngoài ra, còn có một số cành ô-liu khác. Vào tháng 2, chính phủ Ấn Độ gửi lưu ý riêng, yêu cầu các quan chức tránh xa các sự kiện đánh dấu kỷ niệm 60 năm Dalai Lama lưu vong từ Tây Tạng. New Delhi lặng lẽ thông báo cho Bắc Kinh về điều này. Vào tháng 3, ông Modi chúc mừng ông Tập được tái bầu cử chức Chủ tịch.

Trung Quốc đã đáp lại. Bắc Kinh tiếp tục chia sẻ dữ liệu thủy văn trên các con sông chảy vào Ấn Độ và đề nghị tái khởi động các cuộc diễn tập quân sự cấp thấp, những hoạt động đã bị đình chỉ trong cuộc khủng hoảng năm 2017.

Có nhiều lý do

Theo CNN, đây là hội nghị thượng đỉnh không chính thức đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Trung - Ấn. Thủ tướng Modi và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ không ký bất kỳ thỏa thuận hay ra tuyên bố chung nào. Câu hỏi đặt ra là vì sao Thủ tướng Modi quyết định đến Trung Quốc để gặp Chủ tịch Tập Cận Bình vào thời điểm này? Có nhiều lý do dẫn đến quyết định này.

Thứ nhất, Ấn Độ tin rằng, cuộc khủng hoảng Doklam đánh dấu một giai đoạn nguy hiểm trong mối quan hệ giữa hai nước và căng thẳng cần phải được kiểm soát - đặc biệt là khi các cuộc bầu cử quốc gia vào năm 2019 đang đến gần. Thứ hai, Ấn Độ hy vọng sẽ đảm bảo sự hợp tác của Bắc Kinh về một số vấn đề mà vai trò của Trung Quốc là rất quan trọng, như gây áp lực lên các nhóm khủng bố ở Pakistan và đảm bảo việc Ấn Độ gia nhập Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân (NSG). Và cuối cùng, Ấn Độ đang đối mặt với một giai đoạn ở vị thế không chắc chắn trong chính trị thế giới. Mối lo ngại của Ấn Độ là Bắc Kinh sẽ cải thiện quan hệ cả với Washington, vì cuộc khủng hoảng Triều Tiên, và với Moscow, vì rạn vỡ trong quan hệ Nga- phương Tây, tất cả đều khiến New Delhi bị ảnh hưởng lớn.

Tất nhiên, cũng có những lợi thế cho Trung Quốc. Năm ngoái, Ấn Độ là nước duy nhất công khai bác bỏ dự án “Một vành đai, một con đường” (BRI), một mạng lưới đầu tư cơ sở hạ tầng kéo dài từ Châu Á đến Châu Âu của Trung Quốc. Vì vậy, Bắc Kinh giờ đây rất hồ hởi đón nhận sự thân thiện từ New Delhi. Hơn nữa, Trung Quốc cũng rất lo ngại về mối quan hệ gần gũi hơn của Ấn Độ với Mỹ Nhật Bản và Australia.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_182369_chu-ti-ch-trung-quo-c-ga-p-thu-tuo-ng-a-n-do-ta-i-sao-la-i-la-tho-i-die-m-hie-n-nay-.aspx