Chủ tịch Triều Tiên nhấn mạnh tầm quan trọng của 'răn đe hạt nhân' với vận mệnh quốc gia

Ngày 28/7, truyền thông nhà nước Triều Triều đưa tin Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã có tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của năng lực 'răn đe hạt nhân' đối với sự an toàn và an ninh quốc gia của nước này về dài hạn.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un (giữa) phát biểu tại cuộc họp ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un (giữa) phát biểu tại cuộc họp ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, phát biểu tại hội nghị toàn quốc có sự tham dự của các cựu chiến binh diễn ra ngày 27/7 nhân dịp kỷ niệm 67 năm ngày khép lại cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), Chủ tịch Kim Jong-un nhấn mạnh răn đe hạt nhân sẽ giúp bảo vệ an ninh quốc gia về lâu dài.

Phát biểu trước các cựu chiến binh, nhà lãnh đạo Triều Tiên nêu rõ: “Nhờ khả năng răn đe chiến tranh mang tính phòng vệ một cách đáng tin cậy và hiệu quả của chúng ta, sẽ không còn chiến tranh trên mảnh đất này, đồng thời an ninh quốc gia và tương lai của chúng ta sẽ được đảm bảo vững chắc về lâu dài… Hãy ghi nhớ một điều rằng chúng ta cần có sức mạnh để bảo vệ vận mệnh quốc gia và nhân dân, chúng ta sẽ không bao giờ ngừng rèn giũa năng lực quốc phòng hùng mạnh nhất mà không ai có thể sánh bằng”.

Chủ tịch Kim Jong-un, người đồng thời là Chủ tịch Quân ủy Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên cầm quyền, lưu ý rằng đất nước vẫn trải qua các cuộc đấu tranh khốc liệt với kẻ thù kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên và sức ép từ các lực lượng đế quốc cũng ngày càng gia tăng. Theo Yonhap, pháp biểu này dường như ám chỉ tới Mỹ.

Theo nhà lãnh đạo Triều Tiên, áp lực đó chính là lý do vì sao Bình Nhưỡng theo đuổi chương trình hạt nhân, với niềm tin rằng đó sẽ là công cụ răn đe để bảo vệ đất nước trước các thế lực thù địch bên ngoài.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (thứ 7, trái sang, hàng sau) chụp ảnh chung với các sĩ quan quân đội cấp cao tại lễ kỷ niệm 67 năm ngày ký thỏa thuận đình chiến, kết thúc cuộc chiến tranh liên Triều (1950-1953), tại Bình Nhưỡng, ngày 26/7/2020. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2015 Chủ tịch Kim Jong-un có bài phát biểu nhân dịp kỷ niệm cuộc Chiến tranh Triều Tiên. Cuộc chiến này khép lại vào ngày 27/7/1953 bằng một thỏa thuận đình chiến. Do các bên chưa ký hiệp ước hòa bình, nên về mặt kỹ thuật, hai miền Triều Tiên hiện vẫn trong tình trạng chiến tranh. Phía Triều Tiên gọi đây là Cuộc chiến tranh Giải phóng Tổ quốc và coi ngày ký thỏa thuận đình chiến là Ngày Chiến thắng.

KCNA cho biết thêm, trước đó cùng ngày, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đến thăm nghĩa trang quốc gia và trao tặng súng cho các quân nhân nước này nhân kỷ niệm 67 năm ngày ký thỏa thuận đình chiến.

Ông Kim Jong-un cho rằng khẩu súng lục thể hiện sự tin tưởng và kỳ vọng to lớn của đảng Lao động cầm quyền đối với các sĩ quan chỉ huy thế hệ mới. Theo KCNA, ông Kim Jong-un đã tới thăm nghĩa trang liệt sĩ ở ngoại ô thủ đô Bình Nhưỡng, nơi chôn cất người tử trận trong Chiến tranh Triều Tiên.

Chỉ huy Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc (UNC), Tướng Robert Abrams (trái, phía trước) tại lễ kỷ niệm 67 năm ngày ký kết thỏa thuận đình chiến nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh liên Triều (1950-1953) ở làng đình chiến Panmunjom, ngày 27/7/2020. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Cũng trong ngày 27/7, Tư lệnh Bộ chỉ huy do Liên hợp quốc đứng đầu (UNC) trên Bán đảo Triều Tiên, Tướng Robert Abrams, đã tái khẳng định cam kết “không lay chuyển” của lực lượng này đối với việc thúc đẩy nền hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

Tướng Abrams, cũng là Tư lệnh Các lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc (USFK), đã đưa ra cam kết trên tại buổi lễ diễn ra ở làng đình chiến liên Triều Panmunjom nhân dịp kỷ niệm 67 năm ngày ký kết thỏa thuận đình chiến. Lễ kỷ niệm diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ lạnh nhạt giữa hai miền Triều Tiên và các cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều bị đình trệ.

Phát biểu tại buổi lễ, Tướng Abrams nêu rõ: “Năm ngoái vào ngày này, khi tôi đứng trước các bạn ngay tại Nhà Tự do (của Hàn Quốc), có một không khí lạc quan thận trọng khi thế giới chứng kiến sự giảm căng thẳng đáng kể giữa hai miền Triều Tiên. Hôm nay, sự lạc quan thận trọng này đã phần nào chuyển sang không khí bất ổn".

Tuy nhiên, ông khẳng định một nền hòa bình lâu dài vẫn là "mục tiêu mong mỏi nhất" của UNC, cho biết trách nhiệm của lực lượng này là thực thi thỏa thuận đình chiến cho đến khi đạt được mục tiêu đó. Ông nhấn mạnh: “Cam kết của UNC đối với mục tiêu này, 67 năm sau, không hề lay chuyển”.

Chỉ huy Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc (UNC), Tướng Robert Abrams (trái, phía trước) phát biểu tại lễ kỷ niệm 67 năm ngày ký kết thỏa thuận đình chiến nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh liên Triều (1950-1953), ở làng đình chiến Panmunjom, ngày 27/7/2020. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Trong khi đó, thành viên của Ủy ban Đình chiến thuộc UNC (UNCMAC), Thiếu tướng Kang In-Soon, thừa nhận vẫn còn những thách thức tồn tại trong hành trình xây dựng hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, đề cập việc Bình Nhưỡng gần đây đã phá hủy văn phòng liên lạc liên Triều ở thị trấn biên giới Kaesong của Triều Tiên.

Song quan chức này bày tỏ tin tưởng “cuộc khủng hoảng và thách thức này sẽ biến thành cơ hội nếu chúng ta tiếp tục nỗ lực xây dựng một nền hòa bình lâu dài”. Ông cũng bày tỏ sự biết ơn tới tất cả các thành viên của UNC vì những nỗ lực của họ trong việc thực thi đình chiến.

UNC được thành lập theo Nghị quyết 84 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào ngày 7/7/1950, tức 12 ngày sau khi Chiến tranh Triều Tiên nổ ra. Lực lượng quân sự này phụ trách việc quản lý các vấn đề tại Khu phi quân sự (DMZ) ở biên giới liên Triều và giám sát việc thực thi Thỏa thuận đình chiến giữa hai miền Triều Tiên.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/chu-tich-trieu-tien-nhan-manh-tam-quan-trong-cua-ran-de-hat-nhan-voi-van-menh-quoc-gia-20200728072524021.htm