Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un sẽ thăm những điểm nào khi đến Việt Nam?

Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời giới quan sát cho rằng Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un có thể thăm nhà máy Samsung, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Viện Khoa học Nông nghiệp và Hải Phòng khi đến Việt Nam.

Ảnh chụp tại nhà máy Samsung Thái Nguyên tháng 4/2017. Nguồn: Yonhap News

Ảnh chụp tại nhà máy Samsung Thái Nguyên tháng 4/2017. Nguồn: Yonhap News

Theo báo điện tử Chính phủ, ông Kim Jong Un, Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên sẽ thăm hữu nghị chính thức Việt Nam trong những ngày sắp tới. Hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến diễn ra tại Hà Nội ngày 27-28/2.

Theo hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc), một điểm nhấn quan trọng trong chuyến thăm Việt Nam của ông Kim Jong Un là học hỏi kinh nghiệm từ chương trình cải cách “Đổi Mới” của Việt Nam. Các địa điểm mà Chủ tịch Triều Tiên có thể ghé thăm nhận được sự quan tâm lớn.

Suy đoán về chuyến đi của ông Kim nổi lên sau khi Triều Tiên công bố danh sách các quan chức tháp tùng ông Kim đến Hà Nội, trong đó có ông O Su Yong, Phó chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên đảm trách vấn đề kinh tế. Ông Kim Chang Son, quan chức cấp cao tại Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên, được cho là đã đến nhà máy Samsung tuần trước.

Ông Yang Moo Jin, Giáo sư Đại học Nghiên cứu Triều Tiên tại Seoul (Hàn Quốc), nhận định: “Thông qua ghé thăm nhà máy, Triều Tiên có thể gửi thông điệp đến thế giới rằng họ muốn đầu tư từ các công ty toàn cầu như Samsung”. Tới ngày 24/2, không có dấu hiệu bất thường nào tại nhà máy Samsung. Tuy vậy, một số nhà quan sát cho rằng khả năng còn bỏ ngỏ đến phút cuối cùng.

Ngoài ra, giới quan sát cũng nói ông Kim có thể thăm các địa điểm công nghiệp quan trọng tại Việt Nam như Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và thành phố Hải Phòng. Các chuyến thăm này nếu thành hiện thực sẽ phản ánh cam kết học hỏi chương trình cải cách “Đổi mới” của Việt Nam của ông Kim.

Chương trình cải cách “Đổi mới” được khởi xướng năm 1986. Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu từ chương trình này. Hãng Yonhap điểm qua một số thành công của Việt Nam như bình thường hóa quan hệ với Mỹ năm 1995, ký Hiệp định thương mại song phương với Mỹ năm 2000, trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2007.

Theo hãng thông tấn, Triều Tiên đang thúc đẩy phát triển kinh tế, giới thiệu chính sách mới tập trung vào kinh tế. Các chuyên gia nhận định Việt Nam cung cấp một trong những ví dụ tốt nhất để Bình Nhưỡng làm theo. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng thúc giục ông Kim đi theo mô hình của Việt Nam.

Du Lam (Theo Yonhap)

Nguồn ICTNews: https://ictnews.vn/cntt/chu-tich-trieu-tien-kim-jong-un-se-tham-nhung-diem-nao-khi-den-viet-nam-179289.ict