Chủ tịch TP.HCM trăn trở về tụt hạng chỉ số cạnh tranh

'Tại sao Quảng Ninh 4 năm liên tiếp giữ vị trí quán quân toàn quốc về chỉ số PCI mà TP.HCM lại tụt hạng?'- Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đặt vấn đề.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong trăn trở trong buổi làm việc với Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM về duyệt nội dung triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2021, chiều 19-4.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong có buổi làm việc duyệt kế hoạch năm của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM. Ảnh: THANH TUYỀN

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong có buổi làm việc duyệt kế hoạch năm của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM. Ảnh: THANH TUYỀN

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, chủ đề năm 2021 của TP.HCM là cải thiện môi trường đầu tư và xây dựng chính quyền đô thị. Để thực hiện mục tiêu đó, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu Viện Nghiên cứu phát triển tập trung vào những nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, cần nghiên cứu đáp ứng nhiệm vụ chính trị trước mắt mà TP đặt ra.

Cụ thể, Chủ tịch UBND TP yêu cầu Viện cần tập trung nghiên cứu và có tham mưu cho UBND TP để làm sao cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng chính quyền đô thị.

"Hôm nay, đọc bình luận trên một số trang, họ nói tại sao hai TP là TP.HCM và Hà Nội vẫn loay hoay ở chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)… Nguyên nhân do đâu?. Đứng về phía mình, mình phải nghĩ sao kỳ vậy?"

Ông cho rằng, việc các chỉ số đánh giá ở mức thấp là vấn đề TP phải suy nghĩ. “Tại sao Quảng Ninh 4 năm liên tiếp giữ vị trí quán quân toàn quốc về chỉ số PCI mà TP.HCM lại tụt hạng?”- ông nhấn mạnh.

Ông cũng đưa ra đánh giá về chỉ số PAPI (chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh), từ vị trí 31/36 (năm 2019) tụt xuống 46/63 (năm 2020). Chỉ sau một năm, TP.HCM giảm 15 bậc, nằm trong nhóm 15 địa phương có chỉ số PAPI trung bình thấp.

“Mình cũng đã nỗ lực nhiều rồi chứ đâu phải không cố gắng. Tất cả chúng ta đều phải suy nghĩ. Suốt cả thời gian vừa qua từ hạng 8 (năm 2016) tụt xuống hạng 14. Tại sao Quảng Ninh vẫn giữ ngôi quán quân.

“Vừa rồi báo cáo với tôi, đơn vị nào cũng xuất sắc. Xuất sắc tại sao tụt hạng? ”- người đứng đầu TP đặt câu hỏi.

Từ đó, ông yêu cầu phải đánh giá lại. “Hơn ai hết, không ai hiểu mình bằng mình đâu. Mình không tự đánh giá chính xác mình sẽ dẫn đến những cái chủ quan”- ông nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu Viện Nghiên cứu phát triển TP nghiên cứu, tham mưu cho TP các vấn đề về cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính... Ảnh: THANH TUYỀN

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhìn nhận, cải thiện môi trường đầu tư cũng là vấn đề cần phải cải thiện. Theo ông, hiện vẫn có những dự án kéo dài gây bức xúc cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư.

Ông dẫn chứng từ vụ việc một bệnh viện ở quận 7 từ chuyên khoa xin chuyển đổi sang đa khoa mà kéo dài gần 2 năm trời vẫn không nhận được câu trả lời. Ông cũng cho hay, trên bàn làm việc của ông có nhiều đề án, dự án khiến người dân, doanh nghiệp bức xúc vì kéo dài quá lâu.

Về xây dựng chính quyền đô thị, ông Nguyễn Thành Phong cho biết trọng tâm của đề án là không tổ chức HĐND quận, phường; nhưng đó không phải là tất cả của nội dung xây dựng chính quyền đô thị. Vấn đề quan trọng hiện nay là vấn đề phân cấp.

Ông nhấn mạnh, việc không tổ chức HĐND là để các quyết định sẽ nhanh nhạy, kịp thời hơn, rút ngắn được thời gian ở các đơn vị hành chính quận, phường. Vấn đề cơ bản ở đây là phân cấp, cùng đó là cơ chế đặc thù của TP Thủ Đức.

Chủ tịch UBND TP yêu cầu Viện Nghiên cứu phát triển phải có sự kết nối, làm việc với TP Thủ Đức cùng các Sở, ngành TP để nghiên cứu, tham mưu thêm cho TP ở điểm này.

Thứ hai, phải tập trung vào chuyển đổi số và đô thị thông minh.

Theo ông Phong, Viện Nghiên cứu phát triển cần phối hợp với Sở Công thương để thiết kế các cơ chế chính sách để hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh, có như thế mới đủ sức nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế TP.

“Với tư cách là một trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam, không thể nói năng lực cạnh tranh đã yếu đi. Muốn vậy phải có những tập đoàn kinh tế mạnh, hình thành mối liên kết giữa những tập đoàn kinh tế với doanh nghiệp vừa và nhỏ trong từng lĩnh vực để cùng phát triển”- ông Phong nói.

Bên cạnh ba chương trình đột phá của TP về đổi mới quản lý, nhân lực và hạ tầng, ông Phong yêu cầu Viện Nghiên cứu phát triển TP cùng các sở, ngành tập trung thực hiện chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, sản phẩm chủ lực và đổi mới sáng tạo.

Ông cho hay, nếu không cải thiện môi trường đầu tư, không có điều kiện để thu hút nguồn vốn thì sắp tới sẽ rất khó khăn trong vấn đề về vốn. Chính vì vậy, TP phải bứt phá bằng cách tạo ra điều kiện thuận lợi để thu hút các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, từ trong dân, từ các doanh nghiệp.

Ông thông tin, TP cũng sẽ thực hiện hóa mục tiêu trở thành trung tâm tài chính của khu vực trong thời gian tới.

Ông cũng gợi mở, những vấn đề thuộc về quản trị TP trong tương lai là chủ đề mà Viện nên nghiên cứu vì có những cái hiện nay vẫn đang chậm nhịp so với yêu cầu phát triển.

“Quá trình điều hành TP của tôi năm năm qua, tôi cảm thấy có những cái mình chưa theo kịp thực tiễn. Chính cơ chế quản lý mở ra sẽ tạo ra điều kiện để TP tiếp tục phát triển mà trước hết là vấn đề cơ chế”- Chủ tịch UBND TP chia sẻ.

Từ đó, ông yêu cầu các đơn vị cùng nghiên cứu việc này. Cùng đó là làm sao để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, ngang tầm khu vực, quốc tế…

Cuối cùng, ông đề nghị Viện Nghiên cứu phát triển gấp rút triển khai ngay đề án tổ chức hoạt động, đề xuất cơ chế phát triển cho Viện, tạo động lực cho anh em nghiên cứu, tạo động lực để mời gọi các nhà nghiên cứu, chuyên gia cùng hợp tác. Phải làm sao để phát huy vốn con người, đội ngũ tri thức rất dồi dào, thậm chí tính cả việc tạo ra cơ chế để mời gọi các Việt kiều.

Tập trung nghiên cứu các đề án trọng tâm của TP

Năm 2021, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tập trung vào các kế hoạch trọng điểm như: tham gia thực hiện Dự án quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tổ chức nghiên cứu và tham mưu triển khai thực hiện một số đề án thuộc chương trình trọng điểm của TP như: đề án điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn 2026- 2030 và đề án Chính sách hỗ trợ kinh tế chia sẻ, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn giai đoạn 2020- 2025.

Viện cũng tổ chức thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác hội nhập quốc tế; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu phân tích, dự báo và mô phỏng; thực hiện ác nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và các cuộc khảo sát, điều tra như: đề án xác định chỉ số cải cách hành chính của sở, ban, ngành, UBND quận, huyện trên địa bàn TP.HCM; thực hiện các nhiệm vụ triển khai thực hiện chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2016- 2025…

Viện Nghiên cứu phát triển TP đề xuất có cơ chế đặc thù riêng về quản lý đề tài nghiên cứu khoa học của Viện. Theo đó, để chủ động triển khai nhiệm vụ do UBND TP.HCM giao đột xuất, Viện đề xuất không áp dụng quy định mỗi chủ nhiệm chỉ được đồng thời thực hiện một nhiệm vụ bằng nguồn kinh phí của TP.

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/chu-tich-tphcm-tran-tro-ve-tut-hang-chi-so-canh-tranh-979818.html