Chủ tịch TP.HCM: 'TP tự tin kết nối tất cả các trung tâm tài chính trên thế giới'

'Những yếu tố này cùng nhau làm giảm sức hấp dẫn, tác động tiêu cực đến triển vọng phát triển TP thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Tuy nhiên những hạn chế đó không làm TP chùn bước mà càng thôi thúc mơ ước và khát vọng cao hơn...'

Chủ tịch UBND TP.HCM:“Với ý chí kiên cường, tinh thần năng động sáng tạo, thành phố tự xác định trách nhiệm của mình phải nỗ lực nhiều hơn”

Chủ tịch UBND TP.HCM:“Với ý chí kiên cường, tinh thần năng động sáng tạo, thành phố tự xác định trách nhiệm của mình phải nỗ lực nhiều hơn”

Đây là khẳng định của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại diễn đàn Kinh tế TP.HCM đang được tổ chức sáng nay (18/10).

Tham dự diễn đàn có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, lãnh đạo một số bộ ngành và hơn 500 đại biểu là lãnh đạo doanh nghiệp, các tổ chức tài chính quốc tế.

Mở đầu bài phát biểu, ông Phong cho biết đây là cơ hội để TP lắng nghe các ý tưởng mới, tiếp thu các góp ý, phản biện nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế “đã ấp ủ cách đây gần 20 năm”.

Đưa ra dẫn chứng dịch vụ tài chính đang chiếm tỷ lệ gia tăng cao trong trong nền kinh tế các thành phố lớn hiện nay (tại NewYork là 46%, London là 42%, tại Thượng Hải là 27%...), ông Phong nhận định “việc hình thành một Trung tâm tài chính quốc tế là xu thế tất yếu của thời đại, là quá trình bắt buộc phải trải qua khi trở thành thành phố toàn cầu”.

Cũng theo ông Phong, ngay từ năm 2002, TP đã có khát vọng biến mình trở thành Trung tâm tài chính của khu vực và từng bước hội nhập toàn cầu. Do đó, ngay từ năm 2001, thị trường tài chính đã được xác định là một trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu của TP.

Tuy vậy ông nhìn nhận việc này là một quá trình phức tạp, khó khăn do TP có điểm xuất phát thấp, trong số 400 nghìn doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn, có hơn 98% doanh nghiệp vừa và nhỏ; đồng thời, bình quân cứ 5 năm dân số thành phố tăng thêm 1 triệu người, trong khi mật độ đường giao thông, nhà ở không theo kịp. Không những thế, tỷ lệ ngân sách thành phố được giữ lại giảm từ mức 26% giai đoạn 2007 - 2010 xuống còn 18% giai đoạn 2017 - 2020.

“Những yếu tố này cùng nhau làm giảm sức hấp dẫn, tác động tiêu cực đến triển vọng phát triển TP thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Tuy nhiên những hạn chế đó không làm TP chùn bước mà càng thôi thúc mơ ước và khát vọng cao hơn, đó là khát vọng mãnh liệt để TP phát triển nhanh và bền vững hơn” – ông Phong nói.

Các đại biểu tham dự diễn đàn

Người đứng đầu chính quyền TP nhìn nhận, khi TP.HCM tiến lên thì các đô thị khác cũng tiến lên. Do vậy, “với ý chí kiên cường, tinh thần năng động sáng tạo, thành phố tự xác định trách nhiệm của mình phải nỗ lực nhiều hơn”.

Ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, TP xác định mục tiêu trên là chìa khóa để đưa kinh tế TP phát triển đột phá trong thời gian tới, vì vậy thành phố cam kết sẽ nỗ lực hết sức mình để trở thành địa phương thực hiện thành công nhất mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh thể chế thuộc nhóm ASEAN 4.

“Thành phố nhận thức sâu sắc rằng, một môi trường đầu tư tốt đối với các tổ chức tài chính, định chế tài chính không chỉ dừng lại ở các chính sách ưu đãi, mà quan trọng hơn, đó là sự đồng hành và hỗ trợ kịp thời của chính quyền thành phố” – Chủ tịch TP.HCM khẳng định.

Ông cũng cam kết TP.HCM sẽ làm hết sức mình để bảo đảm môi trường chính trị - xã hội ổn định, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tài chính, định chế tài chính hoạt động ổn định, lâu dài tại thành phố.

“Thành phố không đặt tham vọng trở thành trung tâm tài chính lớn nhất khu vực, nhưng thành phố mong muốn là bạn để kết nối tất cả trung tâm tài chính trên thế giới, thành phố có đủ tự tin để làm điều đó” – ông Nguyễn Thành Phong cho hay.

Hiện diễn đàn đang tiếp tục với tham luận của các đại biểu.

Phong Vũ

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/chu-tich-tphcm-tp-tu-tin-ket-noi-tat-ca-cac-trung-tam-tai-chinh-tren-the-gioi-post317153.info