Chủ tịch Tôn Đức Thắng- Tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời

Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 – 20/8/2018) là chiến sĩ cách mạng kiên trung, mẫu mực, là người con ưu tú của dân tộc Việt Nam, nhà yêu nước vĩ đại, người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch Tôn Đức Thắng với tên gọi thân thương Bác Tôn còn là hình mẫu về lối sống, nhân cách, đạo đức cách mạng cần kiệm, liêm chính, suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.

Quang cảnh khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Ảnh: Kim Luận

Chủ tịch Tôn Đức Thắng sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân khá giả ở Cù lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên (nay là thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang). Năm 1907, Tôn Đức Thắng rời làng quê lên Sài Gòn học làm thợ, hòa mình vào cuộc sống của giai cấp công nhân, càng thấu hiểu sâu sắc những nỗi đau của người dân mất nước phải làm nô lệ. Trước những áp bức, bóc lột, bất công của chế độ thực dân, phong kiến, Tôn Đức Thắng tham gia vào các cuộc bãi công, bãi khóa của công nhân Ba Son và học sinh trường Bá Nghệ và luôn là người đứng mũi, chịu sào, dũng cảm, kiên cường, đòi tự do, cơm áo cho mọi người.

Thời gian bị tù đày ở Côn Đảo – “địa ngục trần gian”, Tôn Đức Thắng đã tỏ rõ bản lĩnh của một chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, tin tưởng vào con đường đi đến thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc đi lên CNXH. Bác tham gia thành lập chi bộ đặc biệt, phụ trách đường dây liên lạc giữa chi bộ và cơ sở đảng các ban, các sở tù, bảo đảm đường dây liên lạc với đất liền và các thủy thủ Pháp, Việt chạy tàu viễn dương. Nhờ đó, chi bộ vừa chuyển được thư từ, tài liệu ở đảo về Sài Gòn, vừa nhận được nhiều sách lý luận gồm những tác phẩm kinh điển của C. Mác – Ăng ghen, Lê nin và tài liệu của Đảng ta, biến nhà tù thành trường học. Bác sắp xếp cách làm việc ở hầm “xay lúa”, bỏ lối cai quản người tù bằng roi vọt, phân công mọi người làm việc theo điều kiện sức khỏe; tổ chức “Hội cứu tế tù nhân”…

Đại biểu về dự đại hội Đại hội Ba sẵn sàng toàn miền bắc quây quần bên Bác Tôn Đức Thắng. Ảnh: Tư liệu

Trong suốt cuộc đời mình, Bác Tôn đã đem hết sức lực, nhiệt tình và trí tuệ của mình cống hiến cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, góp phần quan trọng vào việc thu hút trí, lực của toàn dân tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc. Bác luôn bàn bạc, trao đổi với cán bộ, đối thoại với các giai cấp, dân tộc, tôn giáo khác nhau, làm cho họ thấy rõ vai trò, sức mạnh của toàn dân tộc. Đồng thời nhắc nhở các thành viên trong Mặt trận phải tôn trọng tự do tín ngưỡng của nhân dân, thực hiện đời sống mới, bảo vệ quyền lợi của người lao động, bảo trợ người già yếu, tàn tật, phụ nữ, trẻ em, chú trọng quyền lợi của đông đảo người dân vì họ là nền tảng của Mặt trận. Như cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Bác Tôn là con người vô cùng giản dị, vẫn là người công nhân, vẫn giữ cái búa, cái kìm... và tự chữa lấy xe đạp của Bác. Bác Tôn của chúng ta là một con người như thế, một người công nhân tiêu biểu cho tinh thần cách mạng, đạo đức cách mạng cao quý nhất của giai cấp công nhân, của dân tộc Việt Nam, của Đảng ta, của dân tộc Việt Nam chúng ta”.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng còn là một tấm gương về lòng nhân ái, thủy chung, khoan dung, nhân hậu, một người con hiếu thảo. Trong xưởng máy, Bác luôn luôn chăm sóc, giúp đỡ bạn thợ gặp khó khăn. Đối với bạn cùng chiến đấu, Bác quan tâm chu đáo. Sống ở nước ngoài, Bác ngày đêm nghĩ về Tổ quốc. Ra ngoài Bắc, Bác luôn thương nhớ đồng bào miền Nam. Đối với gia đình, vợ con, Bác Tôn là người chồng, người cha có trách nhiệm, rất mực yêu thương và thủy chung.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng đến thăm công nhân làm việc tại Nhà máy Ba Son. Ảnh: Tư liệu

Chủ tịch Tôn Đức Thắng còn là một tấm gương tiết kiệm mẫu mực. Bác sống liêm khiết, trong sạch, ngay thẳng, chân thành, không tham quyền, cố vị, luôn đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết. Sau khi ở tù Côn Đảo về, Bác Tôn được giới thiệu vào Ban Chấp hành Xứ ủy - Đảng bộ Nam bộ trong Hội nghị cán bộ Nam bộ mở rộng nhưng Bác kiên quyết từ chối. Bác cho rằng mình mới ra tù chưa đảm đương được nhiệm vụ. Nhưng trong hội nghị có ý kiến đề nghị Bác yên tâm vì bên cạnh Bác còn có Đảng và nhân dân nên Bác nhận nhiệm vụ và được phân công làm Cố vấn cho UBND Nam bộ. Rất tin tưởng ở đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư của Bác, Hội nghị thành lập Ủy ban kháng chiến miền Nam và ba Quân khu 7, 8, 9 đã bầu Bác làm Chủ nhiệm hậu cần của Ủy ban kháng chiến miền Nam nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Năm 1958, chúc mừng Bác Tôn thọ 70 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: suốt đời cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”.

Thời kỳ làm Chủ tịch nước, sau khi người vợ thân yêu qua đời, Bác Tôn bảo hai cô con gái ra phố ở, để sau này khi Bác không làm việc nữa thì dễ trả nhà cho Chính phủ. Một hành động nhỏ nhưng hàm chứa một đạo lý nhân sinh, mục đích sống cao đẹp, mà một người bình thường khi có chức, có quyền dễ mấy ai làm được. Trong nhân dân ta vẫn còn sáng mãi hình ảnh một vị Chủ tịch nước cao tuổi về thăm quê trong bộ quần áo bạc màu với yêu cầu hết sức hạn chế xe đưa, người đón vì “sợ hao phí tiền của và công sức của Nhà nước và nhân dân”. Chủ tịch Tôn Đức Thắng sống thật khiêm tốn, bình dị. Ăn những món ăn giản dị như các món ăn của quê nhà; mặc như những người bình thường.

Để ghi nhận những công lao đóng góp xuất sắc của Bác Tôn đối với dân tộc, Bác Hồ đã đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét phê chuẩn trao tặng Bác Tôn Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam. Chủ tịch Tôn Đức Thắng là người Việt Nam đầu tiên được nhận phần thưởng cao quý này.

Chiến Khu

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/chu-tich-ton-duc-thang-tam-guong-dao-duc-cach-mang-sang-ngoi/