Chủ tịch Tôn Đức Thắng: Câu chuyện về thế trận lòng dân

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, tháng 9/1969, đồng chí Tôn Đức Thắng được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao trọng trách là Chủ tịch Nước. Cùng với Trung ương Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã tham gia lãnh đạo toàn quân, toàn dân thực hiện di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội.

Vị Chủ tịch gần dân, sát dân và vì dân

Đồng chí Tôn Đức Thắng còn có bí danh Thoại Sơn, còn được nhân dân kính yêu gọi với cái tên thân mật là Bác Tôn sinh ngày 20 tháng 8 năm 1888 tại Cù lao Ông Hổ, làng Mỹ Hòa Hưng, tổng Định Thành, hạt Long Xuyên (nay thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang).

Chủ tịch Tôn Đức Thắng với các đại biểu tham dự Đại hội Ba sẵn sàng toàn miền Bắc. Ảnh: Tư liệu

Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Tôn Đức Thắng luôn tỏ rõ khí phách của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, mẫu mực, cống hiến trọn đời cho cách mạng, cho dân tộc. Người là bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước, một nhân cách lớn, cao thượng và trong sáng.

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, dù ở hoàn cảnh nào, Chủ tịch Tôn Đức Thắng luôn tỏ rõ rất mực trung thành, tận tụy đối với Đảng, nhân dân, luôn nêu cao tinh thần anh dũng, bất khuất, phẩm chất cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư.

Tháng 7/1960, Quốc hội nhất trí bầu đồng chí Tôn Đức Thắng làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đến năm 1969, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, đồng chí được bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tổng tuyển cử bầu Quốc hội thống nhất thắng lợi, ngày 3/7/1976, kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa IV đã thống nhất bầu đồng chí Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Ngoài ra, đồng chí còn được Trung ương Đảng, Chính phủ giao nhiều trọng trách khác như: Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Thanh tra đặc biệt toàn quốc, Trưởng Ban vận động thi đua ái quốc Trung ương, Chủ tịch danh dự Tổng LĐLĐ Việt Nam...

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh – người bạn, người đồng chí thân thiết nhất với Bác Tôn – đã khẳng định: “Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu về đạo đức cách mạng: Suốt đời cần, kiệm, liêm chính; suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”.

Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, người có may mắn được giao nhiệm vụ thư ký giúp việc cho Bác Tôn thời điểm từ cuối năm 1970 đến tháng 2/1977 còn nhớ như in nhiều kỷ niệm về Bác Tôn đáng kính.

Ông kể: Bác Tôn là người ít nói, nhưng rất quan tâm đến mọi người, nhất là những người giúp việc; và đặc biệt quan tâm đến những người đã từng ở tù với Bác ngoài Côn Đảo. Hồi đó, cứ 2 tháng 1 lần Bác Tôn giao đồng chí Hoàng Quốc Việt bố trí Bác đi địa phương gần để thăm, cùng ăn cơm, tâm sự với anh em, những người đã cùng bị tù đày ở Côn Đảo. Tình cảm với đồng chí, đồng đội của mình những ngày ở Côn Đảo đối với Bác Tôn đặc biệt sâu đậm.

Ấn tượng sâu đậm thứ hai của ông Nguyễn Túc khi nhắc đến Chủ tịch Tôn Đức Thắng – đó là người rất liêm khiết. Ông Túc kể: Ngày 18/12/1972, kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Liên bang Xô Viết, Đảng và Nhà nước mình cử 2 đoàn công tác, đoàn Đảng và Nhà nước do đồng chí Trường Chinh làm Trưởng đoàn và đoàn các tổ chức nhân dân do đồng chí Hoàng Quốc Việt làm Trưởng đoàn.

Theo yêu cầu khi đó có tổ chức Triển lãm, và đồng chí Hoàng Quốc Việt được phân công đến mượn Bác Tôn 1 cái mũ rơm với 1 áo tơi rơm – sản phẩm rất đẹp của nhân dân xã Trung Màu, huyện Gia Lâm đã biếu Bác Tôn. Nhưng khi đó Bác nghiêm mặt, bảo không được vì “Đây là tài sản người ta biếu Chủ tịch Nước, chứ không phải biếu riêng cá nhân Tôn Đức Thắng, tôi đã đưa vào tài sản Quốc gia rồi, anh muốn mượn thì mời anh Nguyễn Việt Dũng (Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước) sang đây làm giấy tờ”.

Bác Tôn cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư ngay từ những tặng phẩm nhỏ như thế. Đặc biệt khi đi công tác các địa phương, Bác Tôn nhắc đi nhắc lại không ai được nhận quà, nếu nhận quà về sẽ bị kỷ luật.

Ấn tượng sâu đậm thứ ba, ông Nguyễn Túc nhớ đến khi kể về chủ tịch Tôn Đức Thắng, đó là vào đầu năm 1978 khi đó Bác Tôn ở vào tuổi 90. Lo Bác Tôn đi xa nghỉ ngơi sẽ khó khăn nên Trung ương khi đó quyết định xây dựng cho Bác khu nhà nghỉ ngay tại Hà Nội, gần khuôn viên của chùa Trích Sài, sát bên Hồ Tây. Thiết kế đã xong, vật liệu xây dựng đã tập kết đầy đủ, chuẩn bị thi công thì 1 đồng chí cảnh vệ báo Bác.

Ngay lập tức, Bác cho gọi đồng chí Hoàng Quốc Việt sang, nhưng rất may đồng chí Hoàng Quốc Việt đã được 1 đồng chí báo trước việc này. Khi đồng chí Hoàng Quốc Việt sang, câu đầu tiên Bác Tôn hỏi: “Anh có nghe gì về việc Trung ương xây nhà nghỉ cho tôi ở Hồ Tây không? Biết cụ rất nghiêm khắc, đồng chí Hoàng Quốc Việt báo cáo: “Trung ương xây nhà đó là nhà khách cho các đồng chí Ủy viên Trung ương đang công tác tại các địa phương, mỗi khi về Hà Nội họp có chỗ nghỉ”. Bác Tôn nghe thế, nói: “Thế thì được, chứ nếu định xây cho tôi thì xây xong, các anh đến mà ở, tôi không ở. Dân mình hiện nay đang khổ, nhiều người không có nhà, mình đủ nhà, còn xây làm gì”.

“Tôi kể mấy câu chuyện như thế để thấy với Bác Tôn, chuyện cần, kiệm, liêm chính thể hiện rất cụ thể, ở suy nghĩ, việc làm rất cụ thể, tỉ mỉ chứ không phải cao xa gì”, ông Nguyễn Túc nhấn mạnh.

Gần 70 năm hoạt động cách mạng liên tục, Chủ tịch Tôn Đức Thắng là nhà lãnh đạo nổi tiếng về sự mẫu mực, trong sáng và để lại tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời có ý nghĩa giác ngộ sâu sắc cho thế hệ hôm nay và mai sau. Đó là tinh thần kiên cường, bất khuất trước kẻ thù; vững vàng trong khó khăn, thách thức, đồng thời luôn trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, hết sức giản dị, khiêm tốn, nói ít, làm nhiều, tình nghĩa, gắn bó với đồng bào, đồng chí.

Suốt cuộc đời cách mạng vẻ vang phong phú của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, luôn đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích cá nhân và không công thần địa vị, không màng danh lợi cá nhân. Trên cương vị người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch vẫn giữ nếp sống mộc mạc, quý trọng lao động, luôn muốn tự mình làm việc cụ thể, tránh mọi phiền hà cho cán bộ phục vụ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu khẳng định: Đồng chí Tôn Đức Thắng là một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, suốt đời cần kiệm liêm chính, hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng và nhân dân.

Bài học về thế trận lòng dân

Nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan khi nhắc đến Chủ tịch Tôn Đức Thắng gợi mở: Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Tôn Đức Thắng chúng ta cần suy nghĩ về bài học quý báu: Xây dựng thế trận lòng dân trong cuộc cách mạng hiện nay của chúng ta, xuất phát từ tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

Theo bà Nguyễn Thị Doan, thế trận lòng dân là sức mạnh riêng có của dân tộc Việt Nam. Đây là sức mạnh “mềm” đã giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để phát động các cuộc cách mạng dẫn tới sự thành công của đất nước ta như hiện nay.

Nghiên cứu về Chủ tịch Tôn Đức Thắng, có thể thấy, thế trận lòng dân xuất phát từ tình yêu quê hương đất nước, từ sự tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, dẫn đến hành động, việc làm xây dựng đất nước ta thành công như hiện nay. Nếu không xây dựng được thế trận lòng dân, làm sao Bác Tôn có thể phát động được cuộc đình công ở Nhà máy đóng tàu Ba Son.

Cũng chính vì đã xây dựng được thế trận lòng dân, từ những việc làm gương mẫu của Bác Tôn mà công nhân tin tưởng đi theo. Vì là sức mạnh “mềm” nên cần phải khéo tổ chức thực hiện, mới xây dựng được thế trận lòng dân – sự tổ chức lòng dân, tập hợp lực lượng để phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong mỗi thời điểm cách mạng.

“Làm thể nào để củng cố, xây dựng được thế trận lòng dân – nằm ở trách nhiệm người xây dựng và dẫn dắt nhân dân. Bác Hồ, Bác Tôn là người đã xây dựng được thế trận lòng dân. Người dẫn dắt là Đảng Cộng sản Việt Nam, và cũng chính là từ những con người cụ thể ở các cấp ủy Đảng, chính quyền. Ôn lại lịch sử, học tập tấm gương đạo đức của Bác Hồ, Bác Tôn – chúng ta phải nghĩ rộng hơn đến vai trò của người dẫn dắt để dân tin, dân theo. Làm sao để dân tin tưởng, đi theo, tin tưởng từng người đứng đầu của tất cả các tổ chức là việc cần suy nghĩ, nhìn nhận một cách nghiêm túc”, nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan khẳng định.

Bảo Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/chu-tich-ton-duc-thang-cau-chuyen-ve-the-tran-long-dan-79307.html