Chủ tịch Tôn Đông Á: '25 năm qua tôi chỉ biết sản xuất tôn, thép'

Xuất thân từ khối kỹ thuật, ông Nguyễn Thanh Trung nói 25 năm qua dành trọn vẹn cho lĩnh vực là sản xuất tôn, đưa Đông Á từ một cơ sở nhỏ thành doanh nghiệp hàng đầu trong ngành.

Chậm rãi, từ tốn, ông Nguyễn Thanh Trung - Chủ tịch Tôn Đông Á nói về cách điều hành doanh nghiệp 25 năm qua cũng như đứng vững trước đại dịch Covid-19 nhẹ nhàng như chất giọng Huế của người đàn ông ngoài 60 tuổi này.

- Năm 2020 làn sóng của đại dịch Covid-19 đã tác động đến hầu hết doanh nghiệp. Với Tôn Đông Á, đây là một năm như thế nào, thưa ông?

- Bước sang năm 2020, khi tất cả sự đầu tư của Tôn Đông Á đã đi vào ổn định và cơ bản có thể phát huy được hết nguồn lực thì Covid-19 xuất hiện. Nhưng may mắn, nhờ dư địa từ năm 2019 và khả năng kiểm soát thị phần trong và ngoài nước, kết quả kinh doanh của chúng tôi nhìn chung vẫn khá tốt, công suất hoạt động đạt gần như 100%, tạo công ăn việc làm đầy đủ cho nhân viên với mức thu nhập ổn.

Tôi không có bí quyết gì, tôi nghĩ mình có trái tim luôn nóng bỏng với nghề và tập trung vào công việc, dù lúc thuận lợi hay khó khăn. Những lúc thuận lợi nhất, tôi nắm bắt cơ hội để phát triển, nhưng đồng thời cũng dự phòng các rủi ro. Những lúc khó khăn nhất, tôi tính toán để nhìn thấy cơ hội. Làm ăn thì phải dám dấn thân, nhưng đương nhiên không thể bất chấp.

Thực tế, xuyên suốt nhiều năm qua, đặc biệt trong 5 năm gần đây, Tôn Đông Á liên tục đầu tư để tăng tốc với tôn chỉ duy nhất là chất lượng. Ngành thép lá mạ của Việt Nam những năm trước chưa được biết đến, nhưng những năm gần đây có vị thế khá lớn, nhất là trong khu vực Đông Nam Á. Kinh tế phát triển, các doanh nghiệp FDI đổ vào thị trường đẩy nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thép lá mạ chất lượng ngày càng tăng cao. Đồng thời, người tiêu dùng cuối cũng đòi hỏi nhiều về chất lượng.

Chúng tôi may mắn có cơ hội tận dụng sự phát triển chung của ngành nhờ công suất lớn và sản phẩm phù hợp để cạnh tranh. Tôn Đông Á đứng thứ 2 tại Việt Nam về quy mô, nhưng có thể tự tin dẫn đầu về chất lượng.

Chúng tôi chủ yếu sử dụng công nghệ từ châu Âu, Nhật Bản và Mỹ, trước nay phục vụ cho ngành xây dựng, mới đây đã bước chân vào thị trường cung cấp nguyên liệu đầu vào cho ngành thiết bị gia dụng. 30% sản lượng dành để xuất khẩu, chúng tôi cũng mang đến các thị trường khắt khe như Mỹ, châu Âu và một phần là các nước Đông Nam Á.

- Vậy cái Tết vừa qua của nhân viên Tôn Đông Á có khác mọi năm vì Covid-19 không?

- Năm 2020, tôi thấy doanh nghiệp nào giữ được mức lương như 2019 là mừng lắm rồi, chứ đa số phải giảm 20-30%. Nhưng tại Tôn Đông Á, chúng tôi vẫn tăng lương cho anh em.

Kết thúc năm 2019, ban giám đốc đánh giá thấy nền tảng công ty đã hoàn thiện, hoạt động sản xuất kinh doanh dần đi vào ổn định, dự kiến biên lợi nhuận tiếp tục tăng lên, nên có kế hoạch tăng lương cho toàn công ty từ tháng 4.

Nhưng Covid-19 xảy ra, chúng tôi buộc phải rà soát, xem xét lại để cân chỉnh cho chính xác. Đến tháng 6 thì công ty điều chỉnh tăng lương gần 20% cho toàn hệ thống. Tiền thưởng Tết năm nay cũng tăng rất nhiều so với Tết năm ngoái. Đây là điểm nổi bật nhất của Tôn Đông Á trong năm 2020.

Quan điểm của công ty là vấn đề lương thưởng phải được đặt lên hàng đầu. Rõ ràng không thể cân đo đong đếm như dùng cân tiểu ly, nhưng đương nhiên phải cố gắng hài hòa nhất, công bằng nhất, như vậy mới thuyết phục được anh em về môi trường làm việc ở Tôn Đông Á, cho người ta niềm tin để cống hiến.

Tôi luôn tự hào là mình đã tạo nên một môi trường tốt đẹp cho anh em làm việc, mọi người đều yên tâm được sống dưới một mái nhà an toàn. Tôi nghĩ điều đầu tiên phải là xây dựng thương hiệu với nội bộ, chứ cứ ra ngoài nói cho hay mà anh em trong nhà còn không tin tưởng thì không được.

- Nói vậy có lẽ yếu tố con người rất được chú trọng ở Tôn Đông Á?

- Ai cũng nghĩ con người là nguồn lực chính, nhưng làm sao để trở thành một tổ chức mạnh và phát huy được nguồn lực đó lại rất khó khăn. Doanh nghiệp nào cũng muốn có người giỏi, nhưng nếu hệ thống và môi trường làm việc không phù hợp thì người giỏi cũng không có đất dụng võ.

Do đó, yếu tố tiên quyết là hệ thống. Hệ thống làm việc không minh bạch, rõ ràng thì dù được trả lương cao, người giỏi cũng chán. Phải là sự tổng hòa của nhiều yếu tố về quy chế, quy định, quy trình, quản trị, hệ thống để con người vào trở thành một tập thể mạnh, trong đó có những nhân tố giỏi. Nếu môi trường tốt thì những người chưa giỏi vẫn có thể cùng nhau tạo nên một doanh nghiệp lớn mạnh.

- Vậy Tôn Đông Á sẽ lớn mạnh đến đâu trong năm 2021?

- Thực ra, các ngành dịch vụ, thương mại đang chịu tác động nặng nề, ảnh hưởng đến ngành sản xuất phía sau. Xa hơn nữa, tôi nhìn thấy những rủi ro tiềm ẩn vào năm 2021. Năm 2020 dù sao cũng còn dư địa của 2019 nên một số doanh nghiệp vẫn có thể tiếp tục phát huy, nhưng sang 2021 thì không như vậy.

Tôn Đông Á cố gắng dự phòng và lên kế hoạch đối phó với những rủi ro tiềm ẩn này, nhưng bên cạnh đó vẫn duy trì và phát triển thị phần dựa trên những ưu thế và vị thế đã dày công xây dựng.

Năm 2021, tôi kỳ vọng vaccine Covid-19 sẽ giúp kinh tế toàn cầu phục hồi, có thể từ quý III, IV sẽ phát triển tốt, như chúng ta thấy nền kinh tế sau khi đã xuống sâu thì lúc bật dậy sẽ tăng trưởng mạnh mẽ như lò xo. Tôn Đông Á đang chuẩn bị để đón đầu xu hướng này.

- Cụ thể, ông có sự chuẩn bị như thế nào?

- Một thuận lợi của Tôn Đông Á là có nền tảng vững chắc về nội bộ. Đương nhiên, tôi cũng hiểu xung quanh, hiểu thị trường và đối thủ ở trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp lớn trong ngành thép lá mạ như chúng tôi không thể chỉ dựa vào thị trường nội địa. Ngành xây dựng ở Việt Nam trong khoảng quý III, IV/2020 chưa thuận lợi, có thể kéo dài sang quý I, II/2021.

Nhưng nhìn xa hơn, khi kinh tế phát triển như xu hướng hiện nay, các ngành xây dựng và thiết bị gia dụng sẽ còn phát triển hơn nữa. Ngành thiết bị gia dụng tại Việt Nam đến nay gần như đều nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, nhưng Tôn Đông Á hiện đã là nhà sản xuất thép lá mạ đầu tiên của Việt Nam cung cấp cho Samsung. Chúng tôi tự tin có thể là nhà cung cấp chính cho ngành thiết bị gia dụng ở cả phân khúc nội địa và xuất khẩu.

Ngoài ra, ngành thép lá mạ còn nhiều tiềm năng khác, đơn cử như ngành ôtô còn rất sơ khai ở Việt Nam trong tương lai chắc chắn sẽ phát triển.

Còn tất nhiên, khi xuất khẩu ra thế giới, chúng tôi cũng chịu áp lực cạnh tranh từ các thương hiệu hàng đầu trên toàn cầu, chủ yếu đến từ Nhật Bản, Đài Loan và Trung Quốc. Mặc dù vậy, đây chính là cơ hội để chúng tôi học hỏi và nỗ lực vượt qua nhằm nâng cao vị thế.

Hơn 20 năm kinh nghiệm trên thương trường cho chúng tôi những bài học lớn về ngành và công nghệ trong ngành. Muốn duy trì chỗ đứng thì phải không ngừng phấn đấu và phát triển, dựa trên cơ sở học hỏi những bước tiến của ngành và phát huy nội lực của bản thân doanh nghiệp.

- Làm sao để ngành thép lá mạ Việt Nam tận dụng được những tiềm năng này?

- Xét tất cả công nghệ, ngành thép lá mạ Việt Nam có đến 50 nhà sản xuất, nhưng đạt quy mô lớn thì chỉ 3 thương hiệu. Riêng về chất lượng, tôi nghĩ chỉ vài cái tên.

Tỷ trọng nguồn cung sản phẩm thép lá mạ phổ thông rất lớn, chiếm khoảng 70-80%. Đa số nhà sản xuất đang đi theo hướng này, vì khâu sản xuất và làm dịch vụ dễ hơn, yếu tố tác động chính là giá. Phân khúc này dễ đầu tư quy mô lớn, dễ vận hành máy móc, thiết bị cũng như quản trị hệ thống, nhưng tôi cho rằng biên lợi nhuận thấp.

Trong khi đó, hàng chất lượng đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, hoạt động vận hành khó hơn, nhưng khi đã vận hành ổn định lại dễ kiểm soát và mang lại biên lợi nhuận cao. Tôi nghĩ đây cũng là mô típ chung của mọi loại hàng hóa.

Hiện nay sản lượng ngành thép lá mạ đang lớn hơn nhu cầu thị trường, do đó doanh nghiệp buộc phải xuất khẩu, nhưng thị trường xuất khẩu lại khắt khe. Do đó, ai nắm được chìa khóa về chất lượng, công nghệ, sản phẩm và quản trị sẽ có lợi thế.

Lấy ngành thép lá mạ là hình mẫu cho cả nền kinh tế, tôi cho rằng những doanh nghiệp nắm được chất lượng sẽ xây dựng được thương hiệu riêng. Nhiều thương hiệu gộp lại sẽ tạo thành thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Tôi nhớ vào thập niên 60, 70, hàng Nhật chưa có vị thế, nhưng sau một thời gian đi từ chất lượng, cái tên Nhật Bản đã trở thành thương hiệu toàn cầu. Tương tự, hồi thập niên 90 hay đầu những năm 2000, Hàn Quốc cũng chưa có tên tuổi về hàng hóa, nhưng từ năm 2010 đến nay, họ đã có chỗ đứng.

Tôi hy vọng Việt Nam cũng làm được như vậy. Đó mới là hướng đi bền vững, còn nếu chỉ chạy theo hàng hóa phổ thông thì có thể đạt quy mô lớn nhưng không có thương hiệu.

Sắp tới đây, với sự vận động chung của nền kinh tế và các doanh nghiệp, Việt Nam sẽ có nhiều thương hiệu chất lượng ở nhiều lĩnh vực khác nhau, tạo nên thương hiệu quốc gia uy tín. Khi đó, những sản phẩm khác cũng được hưởng lợi.

Muốn tạo ra giá trị gia tăng cao cho sản phẩm, ban đầu doanh nghiệp có thể tận dụng lợi thế sẵn có, tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, lâu dần học hỏi kinh nghiệm và tiêu chuẩn của họ, trên cơ sở đó sau này có thể làm ra sản phẩm cuối cùng.

- Ông nói nhiều đến hai từ “chất lượng”, vậy yếu tố này ảnh hưởng đến Tôn Đông Á thế nào?

- Tôn Đông Á đi lên từ một doanh nghiệp nhỏ. Nói thật, chúng tôi chỉ biết sản xuất tôn. 99% hoạt động tại đây là sản xuất, có thương mại nhưng chỉ rất ít, khi nhập nguyên liệu về mà không phù hợp thì mới bán lại. Tôi là dân kỹ thuật nên quan điểm trước nay vẫn là phải làm ra những sản phẩm chất lượng, có tên tuổi.

Tính từ ngày tôi khởi nghiệp một công ty đến nay đã 25 năm. Năm 1996, tôi bắt đầu nghiên cứu thị trường, làm thử sản phẩm, đem đi gia công và nghiên cứu cách xuất nhập khẩu, đến năm 1998 mới đưa nhà máy vào hoạt động. Hồi đó mua máy móc, thiết bị rất khó, phải cần nguồn lực và vốn liếng mạnh. Chúng tôi gầy dựng từng bước.

Vậy nên những ngày đầu Tôn Đông Á hình thành, công nghệ chúng tôi sử dụng còn rất thấp, lạc hậu trên dưới 50 năm so với toàn cầu. Nhưng khi đó thị trường chỉ cần có thế. Sản phẩm đầu tiên của chúng tôi ra đời khoảng những năm 1998-1999.

Sau đó Việt Nam mới mở cửa sâu rộng, chúng tôi được tiếp cận với các nhà sản xuất nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, sau này làm quen với châu Âu và Mỹ.

Xuyên suốt chặng đường đó, tôi nhìn thấy công nghệ và những yếu tố cần có để phát triển bền vững, tạo ra vị thế cạnh tranh, mà trong đó kim chỉ nam phải là chất lượng. Điều này mang đến cho tôi một sợi dây xuyên suốt, luôn giữ trong đầu ý nghĩ phải đầu tư về công nghệ, quản trị, con người, hệ thống chuẩn mực.

- Với tôn chỉ chất lượng như vậy, ông có những mục tiêu gì về thị phần?

- Chúng tôi cứ đi tiếp thôi. Trong tương lai, Tôn Đông Á sẽ tiếp tục đầu tư để phát triển về cả chất lượng sản phẩm lẫn quy mô sản xuất, qua đó mở rộng thị trường xuất khẩu. Quan điểm của tôi là cứ nỗ lực làm mọi thứ một cách tốt nhất rồi điều gì đến sẽ đến.

Lan Anh

Ảnh: Phương LâmĐồ họa: Như Ý

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chu-tich-ton-dong-a-25-nam-qua-toi-chi-biet-san-xuat-ton-thep-post1195498.html