Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế cam kết đổi mới, tạo đột phá trong tư duy quản lý

Xây dựng mối quan hệ hiệu quả giữa chính quyền với doanh nghiệp, trao đổi thông tin công khai, khách quan, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tối ưu từ đó sẽ tạo môi trường cho doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững. Đó là thông điệp của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ trao đổi với hàng trăm doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh tại Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đồng hành cùng doanh nghiệp diễn ra chiều ngày 13/8 tại thành phố Huế.

Toàn cảnh hội nghị

Để cụ thể hóa với những hành động hỗ trợ dành cho doanh nghiệp, trước khi diễn ra hội nghị trên, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều chính sách, chương trình, kế hoạch hỗ trợ cho các doanh nghiệp đã, đang và sẽ triển khai dự án trên địa bàn (Quyết định 39-Ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thừa Thiên Huế). Bao gồm, hỗ trợ tiếp cận tín dụng, mặt bằng sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, mở rộng thị trường, phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…

Cụ thể, như cấp thẻ điện tử thông tin doanh nghiệp nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các dịch vụ công; hỗ trợ, xây dựng các sản phẩm, thiết chế văn hóa du lịch; hỗ trợ giải quyết vướng mắc trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng; rút ngắn tối đã thời gian giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai thực hiện các dự án. Công khai, minh bạch, tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức trong vấn đề nộp thuế, hỗ trợ về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã thành lập Tổ công tác liên ngành, thường xuyên trao đổi với các doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm tư vấn chính sách, hỗ trợ pháp lý, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc để kịp thời đề xuất tháo gỡ...

Ông Phan Ngọc Thọ- Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cam kết quyết tâm đổi mới, tạo điều kiện thông thoáng, minh bạch để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển

“Trên cương vị Chủ tịch UBND tỉnh, tôi cam kết quyết tâm đổi mới, tạo ra những đột phá trong tư duy quản lý và phát triển trên địa bàn; tạo mọi điều kiện thông thoáng, minh bạch; xây dựng đầy đủ các thiết chế pháp lý, quy hoạch; tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ tối đa các thủ tục hành chính để các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp có thể bỏ vốn đầu tư, khai thác một cách có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Thừa Thiên Huế vào mục đích tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp và thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển”, Chủ tịch nhấn mạnh.

Đặc biệt, năm 2018, Thừa Thiên Huế đưa vào triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ban ngành và địa phương (gọi tắc là DDCI). Đây là bộ chỉ số được xây dựng trên cơ sở ý kiến đánh giá, phản hồi của nhà đầu tư, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã về chất lượng điều hành của các sở, ban ngành và UBND cấp huyện. Từ đó tạo động lực cải cách quyết liệt, đồng bộ nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp; xây dựng kênh thông tin tin cậy, rộng rãi và minh bạch…

Tại hội nghị, nhiều câu hỏi, lời chia sẻ, mong muốn của các doanh nghiệp được gửi đến Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Với nhiều lĩnh vực như cải cách hành chính, xây dựng dữ liệu về quy hoạch, ưu đãi về thu hút đầu tư; vấn đề chuyển vốn của các công ty nước ngoài khi đầu tư tại địa phương; xây dựng trung tâm giới thiệu, mua sắm các làng nghề, nông sản, đặc sản tại địa phương, xây dựng trung tâm hỗ trợ, phụ kiện ngành dệt may tại KCN Phong Điền, đầu tư công đoạn nhuộm tại Công ty Scavi (KCN Phong Điền). Vấn đề thẩm định năng lực tài chính đối với các nhà đầu tư khi đến với Huế, thu hồi các dự án chậm đầu tư…

Để trả lời các câu hỏi cũng như những lời chia sẻ của doanh nghiệp, Chủ tịch UBND Thừa Thiên Huế chỉ đạo các Sở, ngành liên quan trả lời trực tiếp các câu hỏi, kiến nghị tại hội nghị. Về vấn đề xây dựng trung tâm giới thiệu, mua sắm làng nghề, nông sản, đặc sản. Ông Nguyễn Thanh – Giám đốc Sở Công thương chia sẻ, vấn đề này đã có dự án, định hướng của tỉnh Thừa Thiên Huế, tuy nhiên để thực hiện là rất khó, do một phần kinh phí, trong cách vận hành, bảo dưỡng của công trình sau khi xây dựng. “Để giải quyết vấn đề này thời gian tới, các sản phẩm đặc sản, thủ công mỹ nghệ Huế sẽ được trưng bày tại khu vực bán hàng tại sân bay quốc tế Phú Bài và Big C Huế, Co.opmart Huế”, ông Thanh cho biết thêm. Về vấn đề công đoạn nhuộm tại công ty Scavi, Chủ tịch Phan Ngọc Thọ cho biết, ở KCN Phong Điền không chỉ dành cho ngành dệt may, hiện ở đây công tác xử lý môi trường chưa tốt nên tỉnh vẫn chưa đồng ý cho công ty Scavi triển khai công đoạn này.

Ông Nguyễn Thanh - Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên Huế trả lời các câu hỏi của các doanh nghiệp tại hội nghị

“Đối với cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư, tôi mong muốn nhận được sự chung tay đóng góp về cả tư duy, tinh thần và vốn đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư vào các chính sách, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Qua đó, làm cho các chính sách, định hướng được ban hành có tính hiệu quả, khả thi và đồng thuận cao. Mong rằng, với những nổ lực trên tỉnh sẽ nhận được sự ghi nhận và tham gia tích cực của doanh nghiệp hướng đến chính quyền và doanh nghiệp có chung tiếng nói trong công cuộc phát triển, từng bước tạo nên một Thừa Thiên Huế năng động, bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội”, Chủ tịch Phan Ngọc Thọ chia sẻ thêm.

Nguyễn Tuấn

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/chu-tich-tinh-thua-thien-hue-cam-ket-doi-moi-tao-dot-pha-trong-tu-duy-quan-ly-107279.html