Chủ tịch tỉnh Hưng Yên cần xem xét, rút kinh nghiệm công tác thanh tra

Mới đây, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh đã ký thông báo Kết luận 1393/TB-TTCP về “Thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, thời kỳ 1/1/2013-31/3/2015.

Tại Thông báo, Thanh tra Chính phủ đã ghi nhận nhiều kết quả đạt được; đồng thời chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, nhất là việc phải chỉ đạo, chấn chỉnh, chú trọng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát đối với Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, nhìn chung công tác quản lý nhà nước về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng đã được triển khai tương đối tốt trên phạm vi toàn tỉnh. Trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đã được quan tâm, thực hiện định kỳ; chất lượng giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân đã từng bước được nâng cao. Bộ máy thanh tra tỉnh được thường xuyên củng cố, kiện toàn; hàng năm đều xây dựng và phê duyệt chương trình, kế hoạch thanh tra các lĩnh vực quản lý nhà nước; nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, đã dần khắc phục sự trùng chéo trong hoạt động thanh tra; qua công tác thanh tra đã chỉ ra những thiếu sót, khuyết điểm, kiến nghị xử lý phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả pháp luật, hiệu quả trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.

Trong công tác phòng, chống tham nhũng, UBND tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về công tác phòng, chống tham nhũng, đã chú trọng vào những lĩnh vực theo chức năng quản lý nhà nước, có tính đến đặc điểm tình hình kinh tế xã hội của địa phương, có phân công cụ thể, rõ lộ trình; thực hiện tốt vai trò kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa tham nhũng…

Buổi công bố Quyết định thanh tra tại UBND tỉnh Hưng Yên ngày 21/5/2015.

Mặc dù đã đạt những kết quả quan trọng trong công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện phòng, chống tham nhũng trên địa bàn trong thời gian qua, nhưng TTCP cũng nhấn mạnh đến thiếu sót, tồn tại trên địa bàn. Cụ thể, về công tác quản lý nhà nước, TTCP cho rằng, không ít đơn vị thanh tra các cấp, ngành chưa làm tốt chức năng tham mưu; thanh tra trách nhiệm tại hầu hết các Sở, ngành, huyện, thành phố đều chưa được tiến hành thường xuyên; công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật chưa sâu rộng, nhất là về công tác phòng, chống tham nhũng; trình độ cán bộ của một số công chức nói chung và công chức thanh tra, phòng chống tham nhũng, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nói riêng chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…

Với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thì Chủ tịch UBND một số huyện, xã chưa thực hiện đầy đủ lịch tiếp công dân định kỳ; đơn thư thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, sau khi chuyển về cho các Sở, ngành, huyện, thị, thành phố xem xét giải quyết, nhưng phần lớn chưa được theo dõi thường xuyên kết quả giải quyết; vẫn còn một số vụ việc khiếu nại phát sinh chưa được giải quyết kịp thời, dẫn đến khiếu nại đông người, vượt cấp lên Trung ương; một số vụ việc giải quyết chậm, quản lý hồ sơ giấy tờ chưa đảm bảo theo quy định; việc tổ chức thực hiện kết luận, kiến nghị, giải quyết ở một số cấp chưa được nghiêm túc.

Công tác khảo sát, nắm tình hình khi xây dựng kế hoạch thanh tra còn chưa được thực hiện tốt, còn để chồng chéo và bỏ trống một số lĩnh vực liên quan đến quản lý sử dụng đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quản lý đầu tư xây dựng đối với các doanh nghiệp FDI; một số cuộc thanh tra còn kéo dài, việc phát hiện hành vi vi phạm khá nhiều, nhưng kiến nghị xử lý chưa tương xứng; bên cạnh đó công tác thực hiện kết luận thanh tra còn chậm, dẫn đến hiệu quả chưa cao; việc triển khai quy chế giám sát đoàn thanh tra chưa được thực hiện nghiêm túc; một số cuộc thanh tra tại một số huyện chưa đảm bảo về trình tự, thủ tục; việc lập, quản lý hồ sơ thanh tra tại hầu hết các Sở, ngành, huyện thị thành phố chưa khoa học theo quy định.

Với công tác phòng, ngừa tham nhũng thì triển khai thực hiện một số quy định còn chậm, hiệu quả chưa cao; việc triển khai tại một số Sở, ngành còn lúng túng; công tác tham mưu kiểm tra, hướng dẫn của ngành chuyên môn về phòng, chống tham nhũng còn hạn chế; việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức còn chưa được chỉ đạo quán triệt thường xuyên; việc chuyển đổi cán bộ khó khăn, các vị trí chuyển đổi còn ít, chưa xác định rõ vị trí cần chuyển đổi, còn nhầm lẫn giữa luân chuyển với chuyển đổi vị trí công tác.

Sở dĩ để xảy ra những tồn tại hạn chế đó, TTCP cho rằng, có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là nhận thức về vai trò, trách nhiệm của Thủ trưởng một số cơ quan hành chính về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng còn đơn giản, chưa thấy hết được tầm quan trọng và vai trò, trách nhiệm của mình đối với các mặt công tác.

Một số Sở, ngành còn chưa chủ động nắm bắt diễn biến tình hình để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng đơn vị; chưa xây dựng được cơ chế, kế hoạch, chiến lược cụ thể về công tác cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng, chống tham nhũng của tổ chức thanh tra nhà nước, nhất là thanh tra cấp huyện, thanh tra sở, ngành; chất lượng cán bộ công chức thanh tra còn chưa đồng đều.

Tại một số đơn vị chưa thực sự coi trọng công tác phòng, chống tham nhũng, chưa đề ra những giải pháp cụ thể để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, nhất là phòng, chống tham nhũng trong nội bộ. Thêm vào đó, tinh thần trách nhiệm của một số thủ trưởng cơ quan, đơn vị giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo chưa cao, chưa thực sự quyết liệt trong giải quyết các tố cáo liên quan đến tham nhũng…

Trên cơ sở kết luận thanh tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng tại tỉnh Hưng Yên, TTCP đã báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên thực hiện một số nội dung cụ thể:

Thứ nhất, thường xuyên chỉ đạo, quán triệt các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của các cấp, ngành.

Thứ hai, chú trọng, nâng cao hiểu biết, tình thần trách nhiệm của CBCC trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; chỉ đạo, chấn chỉnh, chú trọng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát đối với Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

Thứ ba, UBND tỉnh, huyện, thành phố và các Sở, ngành cần quan tâm hơn nữa đối với công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Hàng năm phải có sơ kết, tổng kết đánh giá trên các mặt công tác, xác định những tồn tại, yếu kém, để kịp thời chấn chỉnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thanh tra, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng; triển khai ngay việc kiện toàn bộ máy tiếp công dân từ tỉnh đến cấp cơ sở.

Thứ tư, tăng cường hơn nữa chỉ đạo, hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc các đơn vị tổ chức thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng, trọng tâm là thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, sao cho cụ thể, sát thực tế, phù hợp với địa phương, đồng thời tăng cường công tác tự thanh tra, kiểm tra nội bộ, nhằm phát hiện và xử lý nghiêm minh các vụ việc tham nhũng, tiêu cực.

Thứ năm, chú trọng công tác hướng dẫn, tổ chức tập huấn đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, bổ sung cán bộ, đảm bảo đủ về số lượng, mạnh về chất lượng làm công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tập trung kế hoạch ứng dụng phần mềm tin học trong công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phục vụ quản lý, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo các cấp.

Đặc biệt, TTCP cũng nhấn mạnh và kiến nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Hưng Yên, Chủ tịch tỉnh Hưng Yên xem xét, tự rút kinh nghiệm đối với những tồn tại mà TTCP chỉ ra; đồng thời, chỉ đạo các Sở, ngành, cá nhân có liên quan nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm một số tồn tại trong việc thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, từ đó có biện pháp khắc phục kịp thời trong thời gian tới.

Hòa Lộc

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/chu-tich-tinh-hung-yen-can-xem-xet-rut-kinh-nghiem-cong-tac-thanh-tra-d72750.html