Chủ tịch tỉnh đi xe máy: Là thói quen, không tính toán

Đi xe máy đến nơi làm việc là thói quen của lãnh đạo Đồng Tháp. Các cán bộ chưa bao giờ đề cập giao khoán kinh phí để họ đi xe máy.

Câu chuyện lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Đồng Tháp đi xe máy đến nơi làm việc đang thu hút sự quan tâm của dư luận và để lại hình ảnh đẹp về các cán bộ lãnh đạo gần dân, không câu nệ, quan cách.

Đáng lưu ý, việc đi xe máy đến nơi làm việc không chỉ có Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp thực hiện mà còn có nhiều cán bộ sở, ngành khác. Việc này được lãnh đạo và các cán bộ tỉnh Đồng Tháp thực hiện cả chục năm qua và trở thành thói quen như chuyện thường ngày.

Theo ông Nguyễn Văn Cả, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Đồng Tháp, các cán bộ trong diện có xe đưa đón thường xuyên là Bí thư Tỉnh ủy và 4 chức danh khác có xe đưa đón từ nhà đến nơi làm việc gồm: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng đoàn đại biểu chuyên trách. Tuy nhiên, các lãnh đạo này lựa chọn đi xe máy đến nơi làm việc.

Việc sử dụng xe máy để đi làm là thói quen và là quyết định của các lãnh đạo, không hề có văn bản hay chỉ đạo miệng.

"Các anh chia sẻ rằng, từ trước đến giờ đã quen đi xe máy như vậy rồi. Hơn nữa, đi xe máy có nhiều tiện lợi, tiết kiệm chi phí. Đi xe máy muốn ghé chỗ nào, đỗ chỗ nào cũng được, dễ dàng vào các khu dân cư, nắm tình hình kinh tế, xã hội, gặp vấn đề gì có thể giải quyết ngay thì làm luôn cho bà con...", ông Nguyễn Văn Cả nói.

Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp có thói quen tự chạy xe máy đến chỗ làm từ nhiều năm nay. Ảnh: Dân trí

Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp có thói quen tự chạy xe máy đến chỗ làm từ nhiều năm nay. Ảnh: Dân trí

Khi được hỏi về số tiền mà tỉnh đã dùng để thực hiện cơ chế khoán khi các lãnh đạo đi xe máy đến nơi làm việc, Phó Giám đốc Sở Tài chính Đồng Tháp cho biết, các lãnh đạo tỉnh chưa bao giờ đề cập đến việc giao khoán kinh phí để họ đi xe máy thay vì xe công.

"Kinh phí đi xe công này nằm trong khoản chi hành chính chung của địa phương được HĐND phê duyệt hàng năm. Nếu cán bộ tự nguyện đăng ký thực hiện cơ chế khoán xe công thì các cơ quan, đơn vị chủ động tính toán, xác định số tiền khoán theo quy định.

Thế nhưng từ trước đến giờ, các lãnh đạo của Đồng Tháp chưa hề tính toán, đăng ký để được hưởng số tiền khoán xe công này. Chế độ, chính sách có nhưng các anh không hưởng. Các anh chủ động đi xe máy vì đó là thói quen, hòa đồng với người dân", ông Nguyễn Văn Cả nói.

Cũng bởi thế nên về chi phí xe công mà tỉnh Đồng Tháp tiết kiệm được, đại diện Sở Tài chính đề nghị PV liên hệ đến các cơ quan, đơn vị cụ thể để nắm được.

Ở góc độ chuyên gia, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Hành chính đánh giá cao việc làm của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp và khẳng định chính sự gần gũi, không câu nệ, quan cách của lãnh đạo tỉnh giúp người dân càng tin tưởng hơn.

Từ trường hợp của Đồng Tháp nhìn ra các địa phương khác, vị chuyên gia đặt câu hỏi: Tại sao Đồng Tháp làm được mà các địa phương khác chưa làm được và đánh giá kết quả thực hiện chế khoán xe công thời gian qua không như mong đợi.

Theo nghị định về tiêu chuẩn định mức và sử dụng xe công được Chính phủ ban hành, cơ chế khoán chỉ dừng lại tự nguyện đối với một số chức danh như Thứ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban của Đảng ở Trung ương… thay vì áp dụng bắt buộc.

"Hiện nay việc khoán xe công đang ở giai đoạn thí điểm nên chỉ khuyến khích, kêu gọi sự tự nguyện. Chính vì thế, nhiều cán bộ thích thì làm, không làm cũng được.

Về vấn đề này, tôi cho rằng Trung ương phải có tổng kết thực tiễn, cuối cùng phải quy định khoán xe công là yêu cầu bắt buộc đối với các chức danh sử dụng xe công, ai không thực hiện thì có chế tài xử lý. Bộ Tài chính cần kết hợp với Bộ Nội vụ kiểm tra mỗi địa phương có bao nhiêu trường hợp đi xe công, tính toán tài chính cụ thể, tiết kiệm được bao nhiêu...", PGS.TS Nguyễn Hữu Tri đề xuất.

Nhấn mạnh việc khoán xe phải thực hiện từ trên xuống, vị chuyên gia cũng chỉ ra trở ngại khiến chủ trương tốt này chưa đạt kết quả như mong đợi. Đó là vẫn còn một bộ phận cán bộ thích sĩ diện, háo danh, quan cách.

"Nhưng cổ nhân đã có câu "Quan nhất thời, dân vạn đại", vì thế không thể giữ kiểu quan cách đó được. Cán bộ có tiếp xúc với dân, lắng nghe ý kiến dân, hòa mình vào quần chúng thì mới am hiểu dân, giải quyết được công việc.Việc này còn liên quan đến nhân cách con người, phải trải qua rèn luyện mới được", PGS.TS Nguyễn Hữu Tri nhấn mạnh.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/chu-tich-tinh-di-xe-may-la-thoi-quen-khong-tinh-toan-3385317/