Chủ tịch tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện thi THPT

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngành GD&ĐT phải điều chỉnh thời gian, chương trình học, kỳ thi ở tất cả các cấp học trên toàn quốc. Sau một thời gian tính toán kỹ lưỡng, cuối cùng thì Kỳ thi THPT quốc gia 2020 – một trong những kỳ thi quan trọng của hệ thống giáo dục đã được ấn định vào ngày 9-10/8.

Kỳ thi năm nay vẫn do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, nhưng được giao hoàn toàn cho các địa phương tổ chức, với yêu cầu bảo đảm kết quả chính xác, khách quan, tin cậy để xét công nhận tốt nghiệp THPT, cung cấp thông tin phục vụ đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Thí sinh sẽ làm 3 bài thi bắt buộc gồm Toán (90 phút), Ngữ văn (120 phút), Ngoại ngữ (60 phút) và 1 bài thi tự chọn là Khoa học tự nhiên (mỗi môn Vật lý, Hóa học, Sinh học 50 phút) hoặc Khoa học xã hội (mỗi môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân 50 phút). Thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT làm 2 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp.

Như vậy, mốc thi THPT quốc gia đã được xác định. Thời gian từ nay đến lúc thi không còn nhiều, chính vì vậy thầy, trò lớp 12 các trường THPT đã và đang khẩn trương bắt tay vào ôn luyện để có được kết quả tốt nhất.

Kỳ thi THPT quốc gia 2020 được ấn định tổ chức vào ngày 9-10/8.

Kỳ thi THPT quốc gia 2020 được ấn định tổ chức vào ngày 9-10/8.

Thế nhưng, một trong những vấn đề mà phụ huynh, học sinh, thầy, cô giáo và toàn xã hội quan tâm là làm sao có được một kỳ thi THPT quốc gia nghiêm túc, an toàn, thành công. Sự lo lắng này là hoàn toàn có cơ sở khi câu chuyện lùm xùm trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình… vẫn còn đó. Hàng trăm bài thi của thí sinh được can thiệp, nâng, sửa điểm, khiến nhiều học sinh, phụ huynh bức xúc.

Đến thời điểm này, việc xét xử những cán bộ, thầy, cô giáo biến chất của các địa phương trên vẫn còn chưa kết thúc. Điều này cho thấy hệ thống liên kết để cố tình vi phạm trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 là rất tinh vi, chặt chẽ.

Nhắc lại câu chuyện buồn của năm cũ để bước vào Kỳ thi THPT quốc gia 2020 ngành Giáo dục cần có sự chuẩn bị thật kỹ lưỡng, với những giải pháp căn cơ đảm bảo cho kỳ thi diễn ra một cách an toàn, nghiêm túc, chất lượng. Nhất là trong thời gian gấp gáp bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid -19 thì vấn đề an toàn, nghiêm túc của kỳ thi càng phải đặt lên hàng đầu, qua đó lấy lại niềm tin của người dân về ngành Giáo dục.

Để kỳ thi diễn ra nghiêm túc, an toàn, thành công, Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan, UBND cấp tỉnh ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong tất cả các khâu của kỳ thi. Đặc biệt là giám sát bảo đảm an toàn, bảo mật trong công tác đề thi, bảo quản bài thi, tổ chức chấm thi, công bố kết quả, sử dụng kết quả để xét công nhận tốt nghiệp, tuyển sinh đại học – cao đẳng và đánh giá chất lượng giáo dục.

Kỳ thi năm nay, cán bộ, giảng viên trường đại học không tham gia coi thi, chấm thi, chấm thi trắc nghiệm, song Bộ GD-ĐT dự kiến huy động một lực lượng cán bộ, giảng viên đại học tham gia các đoàn thanh, kiểm tra.

Một trong những điểm mới của kỳ thi là căn cứ cơ sở dữ liệu người học, các địa phương sẽ thực hiện việc đối sánh kết quả thi của thí sinh với kết quả học tập lớp 12 để kiểm tra ngẫu nhiên khi có dấu hiệu bất thường. Đây là một trong những giải pháp quan trọng chống gian lận, đảm bảo độ tin cậy của kỳ thi.

Tránh những tiêu cực có thể xảy ra như kỳ thi năm 2018, Chính phủ giao chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về Kỳ thi THPT quốc gia 2020 tại địa phương. Trong đó, các tỉnh khẩn trương xây dựng kế hoạch tổ chức kỳ thi, lên phương án coi thi, chấm thi nghiêm túc, trung thực. Bộ GD&ĐT có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp tỉnh tổ chức kỳ thi tại địa phương đảm bảo an toàn, nghiêm túc, thành công. Kỳ thi sẽ có sự tham gia của 3 cấp thanh, kiểm tra gồm: Thanh tra của Bộ GD&ĐT, thanh tra tỉnh, thanh tra thuộc Sở GD&ĐT.

Tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia an toàn, nghiêm túc, chất lượng, chính xác, khách quan là điều mong mỏi của toàn thể nhân dân, tạo sự công bằng, bình đẳng trong các thí sinh. Và để có kỳ thi thành công về mọi mặt thì khâu chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, công nghệ thông tin, đặc biệt là chất lượng nguồn nhân lực cán bộ, giáo viên quản lý, coi thi là vô cùng cần thiết. Đặc biệt, năm nay, kỳ thi được giao hoàn toàn cho các địa phương thì việc tổ chức tốt các khâu đảm bảo nghiêm túc, công khai, minh bạch, tăng cường thanh, kiểm tra đột xuất cần phải được đẩy mạnh hơn nữa, như vậy mới tránh được những điều đáng tiếc có thể xảy ra.

Thái Bình

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/tieu-diem/202006/chu-tich-tinh-chiu-trach-nhiem-toan-dien-thi-thpt-2486955/