Chủ tịch Tập: Trung Quốc không có ý định 'chiến tranh lạnh hay nóng'

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã 'trói buộc' thẳng thừng trách nhiệm vào Trung Quốc đã 'gieo rắc' virus gây ra đại dịch Covid-19 toàn cầu.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: CNN.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: CNN.

Trung Quốc phản pháo từ một quan chức cấp thấp hơn, rằng ông Trump “dối trá” và lạm dụng diễn đàn Liên hợp quốc kích động đối đầu.

Do quy cách cuộc họp cấp cao diễn ra chủ yếu bằng hình thức trực tuyến, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mặc dù đến lượt phát biểu sau nhưng sử dụng bài phát biểu ghi trước nên có vẻ bị “lố”, khi ông dùng ngôn từ hòa giải, kêu gọi đẩy mạnh hợp tác quốc tế để đẩy lùi đại dịch. Chủ tịch Tập cũng tuyên bố, Trung Quốc không có ý định khơi mào một cuộc “chiến tranh lạnh hay nóng với bất kỳ quốc gia nào”.

Trung Quốc đành phải quay ra phương án phụ, đưa đại sứ tại Liên hợp quốc Zhang Jun ra phản pháo, bác bỏ những lời của ông Trump là “không có căn cứ”, rằng “các lời dối trá dù có được nhai đi nhai lại hàng nghìn lần cũng vẫn là dối trá”.

Thế giới đang đi theo hướng quá nguy hiểm

Đó là nhận định của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres trong phiên khai mạc kỳ họp đặc biệt kỷ niệm 75 thành lập.

“Chúng ta phải bằng mọi cách tránh chiến tranh lạnh mới. Thế giới không thể chịu được một tương lai khi mà hai nền kinh tế lớn nhất chia rẽ bằng một Vết Đứt Gãy Lớn, nơi bên nào cũng áp đặt quy định thương mại và tài chính của riêng mình”.

“Sự chia rẽ về kỹ thuật và kinh tế có nguy cơ khó tránh khỏi dẫn đến chia rẽ về quân sự và địa chiến lược. Bằng mói giá chúng ta phải tránh việc đó”.

Đối mặt với cuộc bầu cử Tổng thống cận kề bị phủ bóng đen vì số người chết do Covid-19 cao nhất thế giới, ông Trump đã chọn cách công kích Trung Quốc làm trọng tâm tranh cử. Ông tố cáo Trung Quốc đã lờ đi ở giai đoạn đầu để người dân tự do xuất cảnh “đưa lây nhiễm ra thế giới”, trong khi bế quan tỏa cảng nội địa.

“Chúng ta phải buộc trách nhiệm cho quốc gia đã gieo rắc dịch bệnh này cho thế giới, đó là Trung Quốc”, Tổng thống Mỹ dùng cách diễn đạt nhấn mạnh. Ông Trump cũng chỉ trích Tổ chức Y tế thế giới (WHO) “hiển nhiên bị Trung Quốc kiểm soát”, tuyên bố sai lệch việc không có bằng chứng virus có thể lây từ người sang người, sau đó lại xác nhận người không có triệu chứng không lây truyền virus...

WHO lập tức bác bỏ nhận định của ông Trump. “Không có chính phủ nào kiểm soát chúng tôi”, Giám đốc truyền thông Gabby Stern nhắn tin trên Twitter.

Chủ tịch Tập ủng hộ WHO tuyệt đối với vai trò là tổ chức khoa học dẫn đầu một chiến dịch ứng phó toàn cầu.

Cũng qua cầu truyền hình, Tổng thống Nga Vladimir Putin ủng hộ WHO, ông Tập, đồng thời kêu gọi giờ là thời điểm cần có sự hợp tác về vacxin.

Trung Quốc đang nỗ lực để nắm lấy vai trò dẫn đầu trong các chủ đề đa phương, tận dụng chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của ông Trump cắt dây hợp tác về biến đổi khí hậu, thỏa thuận hạt nhân Iran, rút lui khỏi Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc và WHO.

Bởi lẽ đó, ông Tập công kích nhưng không nêu tên: “Không quốc gia nào có quyền chi phối các vấn đề quốc tế, kiểm soát số phận nước khác hay tìm kiếm lợi thế cho riêng mình. Không ai được cho phép thích làm gì thì làm, trở thành bá chủ và dọa nạt thế giới. Chủ nghĩa đơn phương sẽ bị kết liễu”, ông Tập phát biểu.

Ai đã nói gì?

- Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định tương lai của thế giới không được để bị kéo vào thế chấp cho sự đối đầu Mỹ - Trung. Ông Macron đề nghị cần có một “cơ chế mới, hiện đại” giúp thế giới đối phó với các thách thức mới.

- Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro bác bỏ những chỉ trích từ cộng đồng quốc tế về chính sách môi trường của ông. Brazil là “nạn nhân của chiến dịch thông tin sai lệch, xấu độc, ác ý”. Trên thực tế, diện tích rừng Amazon - lá phổi xanh lớn nhất thế giới đang duy giảm nghiêm trọng bởi nạn phá rừng và hỏa hoạn.

- Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đề xuất đối thoại “chân thành” với Hy Lạp để giải quyết tranh chấp về nguồn lợi năng lượng ở Địa Trung hải.

Tổng thống Philippines: Không được phá hoại phán quyết về Biển Đông

Hôm nay, 23/9, Tổng thống Rodrigo Duterte lần đầu tiên phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Ông khẳng định Philippines kiên quyết giữ vững cam kết với các thỏa thuận quốc tế về tranh chấp ở Biển Đông, bác bỏ những nỗ lực nhằm làm lu mờ chiến thắng của nước này tại Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016 và phá bỏ nó. Phán quyết của Tòa năm đó có điểm nhấn trọng tâm là bác bỏ “đường 9 đoạn” do Trung Quốc đơn phương áp đặt ở khu vực này.

Phán quyết “đại diện cho chiến thắng của lẽ phải trước toan tính của tham vọng, đó là luật pháp”, ông Duterte phát biểu.

Đức Huy

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/chu-tich-tap-trung-quoc-khong-co-y-dinh-chien-tranh-lanh-hay-nong-d273741.html